Áo ấm 'cọp cái'

1. Nhà tôi, tới lúc mẹ đẻ tôi và con Út Đẹt thì đã bắt đầu rơi cảnh sa sút. “Giàu út ăn, khó út chịu”, con Đẹt đúng út phải chịu đã đành, đằng này tôi áp út cũng phải chịu lây (nếu không muốn nói còn chịu nặng hơn). Còn hỏi, nó út ét nhất nhà, đương nhiên mẹ cư xử có phần “biệt nhãn” hơn. Còn nữa, chị phải nhường em, đạo lý ấy tôi luôn được “quán triệt” tới nơi cho dù con Đẹt chỉ nhỏ hơn tôi chưa đầy… mười hai tháng tuổi. Mẹ sinh chúng tôi năm một!

Vậy nhưng, chuyện về hai chiếc áo ấm thì đúng mẹ công bình thật.

Mùa đông lạnh, tôi và con Đẹt lên trường, co ro cúm rúm vì không có áo len. Không đủ tiền mua áo cho cả hai, mẹ cứ ra vô than thở: đẻ chi hai đứa gần dữ vầy, sắm gì cũng phải sắm cả đôi, tốn quá… Nghĩ xuôi nghĩ ngược đã đời, mẹ bỗng “à” lên, vỗ trán. Chạy lục rương đồ cũ, mẹ lôi ra mấy chiếc áo len sờn rách của chị Hai, anh Ba mà mẹ giặt, phơi, cất kỹ từ đời nảo đời nao. Cầm từng chiếc giũ giũ trên tay, mẹ cứ hít hà, áo tốt ghê, chỗ rách thì thôi, chỗ còn len cứ trông… như mới! “Như mới” là ý của mẹ, chớ thú thật, tôi nhìn ngang nhìn ngửa cả buổi vẫn chẳng thấy nó “mới” chỗ nào? Có điều phải công nhận áo tốt: mặc tới rách sờn mà len vẫn không giãn. Nghe nói hồi ấy nhà còn khấm khá nên anh chị được xài toàn “đồ hiệu”. Chị Hai anh Ba sướng thiệt, tôi ganh tị lầm bầm…

2. Cái ý tưởng khiến mẹ vỗ trán, nói gọn, là biến áo cũ thành… áo mới!

Hậm hụi ngồi tháo hết len từ những chiếc áo cũ, loại bỏ các chỗ sờn rách. Xong, mẹ đi kiếm cặp que đan về tranh thủ lúc rảnh việc ngồi đan. Len tận dụng, không cùng màu nên áo mẹ đan cứ hết một lam đỏ lại tới lam xanh rồi lam vàng trông rất lạ kiểu. Phải công nhận mẹ nhanh ý, thấy người ta làm bắt chước được ngay. Có điều chắc mẹ không được khéo tay nên mũi đan không sắc sảo. Mình áo cứ cứng đơ đơ, vài chỗ còn nổi u nổi hòn do len chắp nối nhiều quá. Chẳng trách mẹ được, tốt mấy cũng là… đồ cũ, sao có thể đòi như mới? Còn nữa, “tay ngang” không có nghề như mẹ mà cầm nổi que đan đan xong hai chiếc áo đã là “xuất chúng” lắm, muốn gì nữa trời…

3. Đan mãi rồi áo cũng thành. Hai chiếc áo trứ danh: cùng vằn vện, cùng đơ đơ cứng y chang nhau. Mẹ bảo: cho tụi bây khỏi bì bù. Đúng, không có bì bù nhưng khổ nạn một điều: áo giống nhau mà tôi với nàng Đẹt lại… không giống nhau. Chị em kệ chị em, nó cứ dáng mũm mĩm cân đối, da trắng trứng gà bóc, môi son đỏ chót, mắt đen lay láy tròn vo (dáng ấy mặc gì lên chẳng đẹp?). Chiếc áo “ngựa vằn” của mẹ khoác lên người nó trông mềm mại hẳn ra. Lại còn lạ kiểu, ngộ nghĩnh đáng yêu khiến ai cũng trầm trồ. Tôi thì ngược lại: thấp lùn, trục lúc, đen thui. Ngày đầu tiên khoác chiếc áo mẹ mới đan lên trường, lũ bạn cùng lớp xúm chạy theo dòm rồi nhất loạt ê ê: tụi bây ơi, coi kìa, con… cọp cái! Xấu hổ tới mức chỉ mong có cái lỗ nào dưới đất nứt ra để chui gấp xuống. Từ ngày ấy, kể như số phận chiếc áo ấm “cọp cái” đã được định đoạt: đi học, sợ mẹ kình, tôi vẫn xếp bỏ cặp mang theo. Mẹ hỏi sao không mặc thì trả lời: “con đem lên trường mặc cho khỏi… ướt!”. Vậy nhưng lên trường - cho dù lạnh tím gan tím ruột - tôi cứ cắn răng thọc 2 tay vào túi áo len nhỏ bạn ngồi bên, ôm cứng nó cho đỡ lạnh chứ nhất định không lôi áo ấm “cọp cái” ra mặc…

4. Chúng tôi lớn lên qua thời khốn khó, được học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm. Mùa đông, mấy chị em rảnh việc, mua áo ấm mới về khoe nhau. Mẹ cũng hăng hái xúm vào góp chuyện xưa. Thấy áo ấm là tao nhớ ngay hai cái áo tự đan. Trời ơi, áo đan len cũ len thừa mà sao đẹp dữ. Con Đẹt mặc vô ai cũng theo khen, còn hỏi áo mua ở đâu đặng bắt chước… Mẹ tự nói tự nhoẻn cười, mắt nheo nheo đầy hạnh phúc. Con Đẹt vui mồm toan “khai” cái sự thật dở khóc dở cười về chiếc áo ấm “cọp cái”. Tôi trừng mắt, ra dấu bảo im. Không nên làm mẹ mất vui. Sự thật ấy giờ quan trọng gì đâu. Mẹ vui mới là chuyện lớn. Mẹ già rồi…

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/233273/ao-am--cop-cai.html