Anh hùng quân đội đầu tiên của miền Đông Nam bộ

<strong>(Người nổi tiếng) - Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2 tổ chức tại Cung Lao Động Hà Nội vào tháng 5/1955, tuyên dương và truy tặng 36 anh hùng.</strong>

Trong số các anh hùng tuyên dương lần này, miền Nam có 3 anh hùng là anh hùng Đinh Núp (đại diện khu vực Tây Nguyên), anh hùng Sơn Ton (đại diện khu vực Nam Bộ) và anh hùng Lê Văn Thọ (đại diện khu vực miền Đông Nam Bộ).

Ngoài ra, đại hội còn truy tặng danh hiệu anh hùng cho các liệt sĩ như: Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Ngô Mây, Trần Cừ, Chu Văn Mùi, Phùng Văn Khầu, Hoàng Ngân…

Chàng trai của làng hoa Gò Vấp kiên cường

Anh hùng Lê Văn Thọ (còn gọi là Muối) sinh năm 1932, là người con của đất Gò Môn - Chiến khu An Phú Đông nổi tiếng (xã Thạnh Lộc, quận Gò Vấp xưa) từ nhỏ đã là 1 giao liên rất gan dạ, nắm tình hình rất rõ đối phương và trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt với cương vị chỉ huy.

Lúc nhỏ, Thọ được các chú các anh giao nhiệm vụ cảnh giới và đưa cán bộ về giấu tại hầm bí mật trong nhà. Từ năm 1945, Lê Văn Thọ được cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc viên cho đội Thanh niên Tiền phong của xã.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, anh cũng như bao lớp thanh niên khác cùng thế hệ đã gác bút nghiên, lên đường tòng quân giết giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lâm nguy.

Một thế hệ anh hùng “nóp với giáo mang ngang vai” với quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không làm nô lệ”.

Ngày 15-12-1945, Tỉnh ủy Gia Định quyết định thành lập bộ đội tập trung tại Gò Vấp, Thủ Đức và Dĩ An nhằm thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang, tạo dựng địa thế vững chắc trong dân chống địch ngay trong lòng địch, chiến đấu bảo vệ căn cứ địa cách mạng để kháng chiến lâu dài. Lê Văn Thọ hăng hái tham gia từ đầu trong Vệ quốc Đoàn của tỉnh Gia Định.

Theo Chỉ thị của Tỉnh ủy Gia Định, ngày 1-3-1946, Chi đội 6 Vệ quốc Đoàn - bộ đội chủ lực tỉnh Gia Định ra đời tại Chiến khu An Phú Đông, tập hợp các thanh niên yêu nước, cách mạng trong vùng thành một lực lượng.

Lúc đầu, Chi đội trưởng Chi đội 6 là đồng chí Nguyễn Đăng Dung, Chi đội phó là đồng chí Nguyễn Văn Công, Chính trị viên là đồng chí Phạm Văn Khung (sau là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định). Chi đội 6 có 3 đội chủ lực là đại đội 5, 10, 15.

Đại đội 5 của quận Gò Vấp có Lê Văn Thọ gồm số đông là công nhân từ Sài Gòn tham gia, quân số ban đầu khoảng hơn 200 người.

Từ năm 1946 đến 1955, anh lần lượt trải qua các nhiệm vụ: làm liên lạc, rồi Tiểu đội trưởng bộ đội địa phương Gò Vấp, Trung đội trưởng Đại đội 1 thuộc Trung đoàn 5.

Đứng chân trên các địa bàn Gò Vấp - An Phú Đông anh đã có kinh nghiệm từng là 1 giao liên trong Thanh niên Tiền phong nên đã được tổ chức cho tham gia vào các trận đánh lịch sử bảo vệ chiến khu An Phú Đông.

Anh hùng Lê Văn Thọ

Đó là các trận đánh ghi nhận bao sự dũng cảm, kiên cường, như trận đánh chiến đấu tiêu diệt địch ở cầu Bến Phân và dọc sông Bến Cát, trận đánh cầu Đình ngày 1-2-1946, đặc biệt là trận chống càn binh lính thực dân Pháp đổ quân ngày 1-3-1946.

Đây cũng là trận đánh mà Chi đội 6 mặc dù vừa mới thành lập đã đánh lui trận càn lớn nhất ở Nam Bộ vào bấy giờ, để mở màn cho các trận tập kích binh lính Pháp nằm vị trí sát nách Sài Gòn.

Chiến khu An Phú Đông nằm phía Đông Bắc thành phố, gồm vùng đất thuộc 2 xã An Phú Đông và Thạnh Lộc (quận Gò Vấp) cách trung tâm Sài Gòn 4 km đường chim bay, cách Gò Vấp 1 km đường bộ, nằm về phía hữu ngạn, lọt giữa một bên phía Đông là sông Sài Gòn, một bên là Rạch Cát chảy vòng từ phía Tây lên phía Bắc.

An Phú Đông và Thạnh Lộc như 1 cù lao có dáng hình bầu dục rộng khoảng 10 km2.

Đây là vùng địa hình có vườn cây và đồng ruộng, sông rạch, bờ mương chằng chịt, xung quanh có bờ bao nước sông vào ra theo thủy triều lên xuống của sông Sài Gòn. Đất đai màu mỡ, vườn cây, ăn trái xanh tốt, trù phú, dân cư tập trung đông đúc.

Từ đây, có thể giao lưu thuận tiện về phía Tây Bắc Thạnh Lộc đến Quới Xuân, Nhị Bình, Bình Lý, Tân Mỹ (Hóc Môn) sang phía Đông sông Sài Gòn các xã Vĩnh Phú, Tam Bình nối liền lên xã Tân Đông Hiệp (Dĩ An); phía Đông Nam có Hiệp Bình, Bình Lợi nối liền với xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây.

Thực hiện chủ trương “lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn”, “Không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân” của Tỉnh ủy Gia Định đề ra từ đầu cuộc kháng chiến, sau ngày 5 tháng 10 năm 1945, đại bộ phận các cơ quan quân, dân, chính, đảng và sở chỉ huy các đơn vị vũ trang tỉnh Gia Định và quận Gò Vấp chuyển lần về An Phú Đông -Thạnh Lộc.

Kế đến, sở chỉ huy mặt trận tiền tuyến miền Đông, trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ, Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn và nhiều tổ chức kháng chiến khác, kể cả Ủy ban kháng chiến xã Hanh Thông cũng lần lượt rút về đây xây dựng căn cứ. Nhân dân An Phú Đông -Thạnh Lộc sau khi lập trạm đón tiếp từng đoàn người tản cư từ thành phố ra, lại nhanh chóng bắt tay vào việc tiếp tế, bố trí nơi trú đóng của các cơ quan, đơn vị.

Nhân dân ấp Đông Nhứt chọn những ngôi nhà khang trang nhất, những gian rộng rãi, kể cả chỗ gần nơi thờ cúng thiêng liêng, bàn tủ, giường chiếu và tiện nghi có thể có được giành cho cán bộ, chiến sĩ ăn ở, làm việc. Thanh niên phụ nữ các ấp tham gia tiếp tế, cấp dưỡng.

Nam giới từ 18 đến 50 tuổi luân phiên canh gác những nơi xung yếu ven sông Sài Gòn và những giao lộ dẫn vào xã. Các trạm gác được lập dọc theo bờ sông Sài Gòn từ Vàm Thuận đến Thạnh Lộc, nối báo với nhau bằng tín hiệu mõ, tù và.

Các công sự, ụ chiến đấu được đào khắp các nơi. Tại đây, Tỉnh ủy Gia Định, Ủy ban kháng chiến tỉnh (do Nguyễn Văn Dung và Nguyễn Văn Công làm chủ tịch và phó chủ tịch) đã đề ra những chủ trương, chỉ đạo cuộc kháng chiến trong những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946.

Tổng Công đoàn Nam Bộ (do Lý Chính Thắng làm Tổng thư ký) lập trạm đón tiếp công nhân từ nội thành ra. Tại nhà ông Tư Quyền là thân hào làng Thạnh Phú, tòa soạn báo “Cảm tử” xuất bản 4.000 tờ mỗi số (mỗi tháng 6, 7 số) bí mật đem vào phát hành trong thành phố và gửi đi các tỉnh Nam Bộ.

Xưởng vũ khí gần nhà ông Mười Bò và trong chòi giữ thơm của ông Mười Nguyễn mỗi ngày nhồi được 50 viên đạn, sản xuất 50 lựu đạn, và một số vũ khí thô sơ khác.

Cũng từ đây, các đơn vị vũ trang Lý Thường Kiệt, Ký Con, Trần Cao Vân, Quang Trung, Nguyễn An Ninh… xuất phát đi hoạt động đánh giặc ở Gò Vấp, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định.

Giặc Pháp nhiều lần đưa quân tấn công An Phú Đông hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến ở đây.

Sân bay Tân Sơn Nhất rực lửa

Trong cuộc càn đầu tiên vào căn cứ này ngày 15 tháng 12 năm 1945, quân Pháp cùng quân Anh, Ấn có pháo binh, máy bay, tàu chiến yểm trợ bao vây chặt ấp Đông Nhứt. Hàng ngàn tên sục vào một khu vực nhỏ lục soát, bắn giết, đốt phá, từ sáng sớm đến 1 giờ chiều.

Chúng đốt phá hơn 30 nhà dân, phá hủy hơn một nửa số lương thực thực phẩm, doanh trại, kho tàng, ghe xuồng, bắt đi 35 thanh niên và 10 cụ già.

Sau trận càn, Pháp đóng chung quanh An Phú Đông một loạt đồn bốt: đồn Bình Lợi, bót ông Dầu, bót Bình Phước, bót Lập Be, bót Vĩnh Phú (Lái Thiêu), bót Bến Cát, Bót An Nhơn, bót Ba Thôn, chốt trục giao thông Gò Vấp đi Nhị Bình và Lái Thiêu.

Thực hiện chỉ thị của khu về xây dựng căn cứ địa, hội nghị cán bộ tỉnh Gia Định tại vườn Cau Đỏ, xã Thạnh Lộc (ngày 25 tháng 12 năm 1945) quyết định chính thức thành lập chiến khu An Phú Đông.

Cụm danh từ “Chiến khu An Phú Đông” cùng với những câu thơ của nhà thơ Xuân Miễn trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu gian khổ những ngày đầu kháng chiến ở ngoại vi Sài Gòn năm 1946:

“Bạn đã từng nghe An Phú Đông
Một làng nho nhỏ ở ven sông.
Một năm chinh chiến! Ôi chinh chiến!
Sóng nước Sài Gòn nhuộm máu hồng.
Từ đấy đất này vang tiếng súng
Âm thầm mưa gió… bóng quân đi
Trên đường gặp lại bao nhiêu mộ
Của những người đi chẳng trở về
An Phú Đông! Đây An Phú Đông!
Trả lời tiếng gọi của non sông
Trẻ già đã biết hi sinh hết.
Biết trả thù chung đổ máu hồng”.

Trận đánh kho bom Tân Sơn Nhất làm chấn động nước Pháp

Năm 1952, tỉnh Gia Định mở chiến dịch Hòa Bình, Quận đội Gò Vấp đã cùng phối hợp lực lượng chủ lực tổ chức trận đánh vào kho bom An Hội trong sân bay Tân Sơn Nhất và tổ chức đã quyết định giao cho đồng chí Lê Văn Thọ nhận nhiệm vụ quan trọng chỉ huy trận đánh này.

Từ kinh nghiệm và thực tế của thời kỳ làm người lính giao liên, anh đã chỉ đạo tổ trinh sát đặc công bố trí quân giữ bí mật đến giờ G, nổ súng đánh táo bạo đánh vào kho bom này. Một trong những mục tiêu quan trọng được địch canh gác rất nghiêm ngặt.

Nhiều đồn bót bao bọc phía bên ngoài, nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai, bãi mìn, bãi cát trảng dài, đường xe đi tuần, một con mương đào rất rộng sâu hút đầu người, dưới đáy cắm nhiều chông sắt tiếp nối là một bức tường thành khá cao và dày, bọn địch bố trí hệ thống đèn pha chiếu sáng suốt đêm với 1 đại đội lính Âu- Phi thường xuyên tuần tiễu, súng đạn lăm lăm trên tay.

Việc tổ chức giao cho Lê Văn Thọ nhiệm vụ đặc biệt này không phải là sự chọn lựa ngẫu nhiên. Anh sinh ra và lớn lên, làm giao liên tại nơi đây nên rất thành thạo mọi ngả đường tiến đánh và rút lui.

Năm 1949, Lê Văn Thọ từng nhận nhiệm vụ trinh sát và đánh cầu Lái Thiêu trên đường số 13, ở đây địch cũng canh phòng rất cẩn mật đến một con kiến không cũng không dễ qua lọt.

Nhưng với tinh thần quả cảm, kiên trì trinh sát điều tra, đến lần thứ tư, Lê Văn Thọ và đồng đội đã đánh sập cầu. Để chuẩn bị tốt nhất cho trận đánh cảm tử vào kho bom sân bay lần này, ròng rã suốt 4 tháng liền kiên trì điều tra, nghiên cứu, trinh sát theo dõi tình hình và qui luật canh phòng của kẻ địch.

Ngày 20-3-1952, Lê Văn Thọ đã cùng với đồng chí Sắc là trinh sát của đại đội bí mật đột nhập vào kho bom gài mìn vào giữa kho bom và những nơi xung yếu trong các kho đạn xung quanh, sau đó cho giật nổ tung kho bom này.

Sau tiếng nổ long trời lở đất, khói lửa mịt mù bao phủ cả sân bay, cả tiểu đội tiếp ứng đồng loạt nã đạn liên tiếp tấn công và bảo vệ trinh sát rút lui an toàn.

Vụ nổ kho bom đã làm rung động cả bầu trời thành phố. Trận đánh đã làm hơn 180 tên giặc canh giữ kho đạn bị tiêu diệt, phá hủy hoàn toàn 700 quả bom cùng 1 khẩu đại bác, 3 tháp canh sập đổ và 16 dãy nhà kho bị đánh sập, cháy rụi hoàn toàn.

Trận đánh này đã gây cho địch tổn thất nặng nề, nhưng đã làm nức lòng đồng bào ta, cổ vũ toàn chiến trường Nam Bộ xốc tới tiêu diệt quân xâm lược.

Trận đánh đã mở đầu cho 1 phong trào quyết tâm tiêu diệt kẻ thù ngay trên địa bàn quê hương Gia Định, và trở thành dấu ấn lịch sử của lực lượng vũ trang, Đảng bộ và nhân dân Gò Vấp xưa. Sau trận đánh này, anh được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lê Văn Thọ tiếp tục tham gia chỉ huy các đơn vị bộ đội chủ lực. Năm 1955, anh được đề bạt làm Đại đội phó Đại đội 2 - Tiểu đoàn 5 thuộc Quân khu Tả Ngạn.

Lễ hạ cờ của người Mỹ

Từ tháng 6-1958 đến tháng 5-1967, anh là giáo viên quân sự và trợ lý tham mưu Quân khu Tả Ngạn. Từ tháng 6-1967 đến tháng 6-1969 là trợ lý nghiên cứu của D.305.

Trong một trận chiến đấu oanh liệt, kiên cường tại mặt trận phía Nam của Quân khu 4, anh đã anh dũng hy sinh ngày 17-6-1969. Cuộc đời chiến đấu của người Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Thọ từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã trở thành tấm gương cao đẹp cho thế hệ trẻ Sài Gòn - Gia Định noi theo.

Anh hùng Lê Văn Thọ đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, năm lần được Mặt trận miền Đông Nam Bộ khen và là Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Lê Văn Thọ được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày nay, tưởng nhớ đến anh, một con đường ở quận Gò Vấp đã được đặt tên đường Lê Văn Thọ tại phường 11, và đây là con đường dẫn đến với làng hoa Gò Vấp nơi anh đã sinh ra và lớn lên.

Phi trường Tân Sơn Nhất và những lần rực lửa

Sân bay Tân Sơn Nhất được người Pháp xây dựng vào năm 1930, ở làng Tân Sơn Nhất, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cũ.

Chuyến bay đầu tiên từ Paris đến Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhất là vào năm 1933, chuyến bay này kéo dài 18 ngày. Năm 1938 Pháp cho thành lập Sở Hàng không Dân dụng.

Năm 1956 Mỹ cho xây dựng sân bay rộng hơn, dài hơn 3000m, bằng bê tông. Trong khi đó sân bay do Pháp xây dựng năm xưa dài hơn 1500m, bằng đất đỏ. Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn - nay là TP. Hồ Chí Minh) chỉ là một phi cảng nhỏ bé.

Sau năm 1954, nhất là thời điểm từ cuối năm 1965, khi Mỹ ào ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu trực tiếp vào tham chiến trên chiến trường miền Nam, chúng đã xây dựng Tân Sơn Nhất thành 1 sân bay có tầm cỡ quốc tế, một căn cứ quân sự chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.

Sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày giải phóng 30-4-1975 có chiều dài khoảng 8 km, rộng 5 km, chiếm 1.922 héc-ta. Sân bay Tân Sơn Nhất là 1 căn cứ hỗn hợp có nhiều đường bay cho các loại máy bay dân dụng và quân sự. Sân bay có khu sân bay quân sự, khu hàng không dân dụng và khu hàng không quốc tế, có khả năng chứa 400-500 máy bay. Trong sân bay có hệ thống ụ chìm, ụ nổi, các kho chứa bom đạn, xăng dầu…

Theo thống kê, năm 1958 sân bay có 30.000 phi vụ cất cánh và hạ cánh thì đến năm 1966 đã tăng đến 50.000 phi vụ. Tại sân bay, có khoảng 20 hãng hàng không quốc tế tham gia sử dụng như: Pan American, American Airlines, Seaborn Transwerld, Continental Airlines, Flying Tiger, Nortwest Airlines, Cathay Pacific, Slich Airlines… và các hãng hàng không khác.

Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta, Quân khu 7, Quân khu Sài Gòn - Gia Định thì sân bay Tân Sơn Nhất là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng. Ngay từ những ngày đầu quân Pháp núp sau quân Anh gây hấn tái chiếm Nam Bộ (9-1945), sân bay Tân Sơn Nhất, nơi quân Anh làm nhiệm vụ cảnh giới đã bị du kích Sài Gòn tập kích.

Tiếp theo là hàng loạt các trận đánh của lực lượng đặc công, Biệt động Sài Gòn vào khu vực sân bay tiêu biểu như: Trận đánh ngày 15-3-1952, tổ đặc công do anh hùng Lê Văn Thọ chỉ huy đột nhập dùng mìn đánh kho bom An Hội (Gò Vấp) phá hủy 700 quả bom, diệt 182 tên địch; Trận 31-8-1952, Đại đội quyết tử 3721 (sau đổi tên là Đại đội đặc công 205) “dùng chất nổ hủy diệt 5.200 tấn bom đạn, 3 triệu lít xăng, trên 2.000 thùng dầu nhớt, gây thiệt hại nặng cho đại đội Âu - Phi canh giữ kho”; Đêm 30-5 rạng sáng ngày 1-6-1954, Tổ đặc công Bùi Văn Ba, Phạm Văn Hai gồm 12 người đột nhập kho đạn, xăng dầu Phú Thọ Hòa đặt mìn hẹn giờ “thiêu hủy 9.345 tấn bom đạn, 20 triệu lít xăng cùng 1 đại đội lính Âu - Phi chết và bị thương”.

Các trận đánh đã có tác dụng cổ vũ toàn chiến trường Nam Bộ lúc bấy giờ. Cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất này còn chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng, đó là khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (7-1954).

Sau lễ “Trao trả dinh Nô-Rô-Đôm” (Dinh Độc Lập) cho chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng nên, Tướng viễn chính Pháp Ê-ly- Cao ủy kiêm Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp cuối cùng, từ sân bay Tân Sơn Nhất cuốn cờ về nước, chấm dứt sự có mặt sau gần 100 năm của quân đội xâm lược Pháp ở Đông Dương.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1945-1975), mặc dù được Mỹ - Ngụy tăng cường các phương tiện thiết bị điện tử hiện đại bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng từ năm 1963-1966, sân bay liên tục bị lực lượng Biệt động Sài Gòn, lực lượng pháo binh miền Đông Nam Bộ tấn công, diệt nhiều phi công Mỹ và nhân viên kỹ thuật, phá hủy hàng triệu lít xăng, hàng chục máy bay các loại.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hình ảnh tiến công quả cảm của người chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam trên đường băng Tân Sơn Nhất đã được nhà thơ Lê Anh Xuân khắc họa, ca ngợi làm biểu tượng cao đẹp cho “Dáng đứng Việt Nam”, dáng đứng hiên ngang, tấn công trên đường băng Tân Sơn Nhất đi vào bất tử như một huyền thoại.

Sân bay Tân Sơn Nhất còn là minh chứng sinh động về đòn đấu tranh chính trị - ngoại giao mưu trí và dũng cảm của Phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên tại trại Đa-vít đòi Mỹ-ngụy phải thi hành Hiệp định Pa-ri, diễn ra liên tục 823 ngày đêm, từ tháng 2-1973 đến cuối tháng 4-1975. Thêm một lần nữa, lịch sử được lập lại:

Ngày 29-3-1973, Tướng 4 sao Weyand (Uâyen) Tổng chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã làm lễ hạ cờ tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng với 2510 người lính Mỹ cuối cùng lặng lẽ rời khỏi Việt Nam.

Họ là những người lính Mỹ cuối cùng lên máy bay rời sân bay Tân Sơn Nhất, đánh dấu mốc lịch sử sau 115 năm, kể từ năm 1858 khi quân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta, lần đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, quân đội của bọn đế quốc xâm lược đã bị quét sạch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trước thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta, ngày 21-4-1975 Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức và đêm 25-4-1975, từ sân bay Tân Sơn Nhất, Thiệu lặng lẽ trốn di tản sang Đài Loan. Sau những trận bão lửa rực trời của pháo binh quân giải phóng từ phía Nhơn Trạch nã vào sân bay như rồng lửa Thăng Long phun cấp tập.

Vào lúc 16h30 ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng xuất kích do phi công Nguyễn Thành Trung bay số 1, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Văn Lục bay số 3, Hoàng Mai Vượng và Nguyễn Văn On bay số 4, Hán Văn Quảng bay số 5 bất ngờ cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang-Ninh Thuận) sử dụng máy bay A-37 của địch dội bom xuống khu vực phía Tây sân bay, phá hủy nhiều máy bay, khí tài quân sự địch…góp phần quan trọng vào chiến thắng trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử.

Sau ngày giải phóng, sân bay Tân Sơn Nhất - Sài Gòn - Gia Định được đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Thủ đô Hà Nội vào dự lễ mừng chiến thắng, mừng non sông thu về một mối, Nam Bắc một nhà thống nhất như mong muốn và ước nguyện của Bác và đồng bào chiến sĩ cả nước.

Làng hoa Gò Vấp nổi tiếng ngày xưa này trở thành vùng đô thị hóa ven đô, những nghệ nhân làng hoa và những người yêu nghề truyền thống đang cố níu kéo, lưu giữ lại chút hồn của làng hoa nổi tiếng ngày xưa.

Chiến khu An Phú Đông giờ đang lập văn bia, di tích, bảo tàng như nhắc nhở các thế hệ đời sao về những chiến công lịch sử oai hùng của quân dân Sài Gòn –Gia Định những ngày đầu chống giặc Pháp xâm lược và đế quốc Mỹ.

Sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay trở thành một cảng hàng không tầm cỡ trong khu vực và thế giới tấp nập trên phi đạo các hãng máy bay quốc tế và nội địa thi nhau cất hạ cánh.

Những địa danh trên luôn mang trong hồn về một người anh hùng đầu tiên của đất miền Đông Nam Bộ, miền Đông “gian lao mà anh dũng”.

Người anh hùng nổi tiếng trong các trận đánh cầu Cát Phân, Rạch Cát, Lái Thiêu, kho bom An Hội… trong thời kỳ đầu tiên đánh Pháp với vũ khí thô sơ và lòng quả cảm. Mãi mãi tên tu

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/nguoi-noi-tieng/201208/anh-hung-quan-doi-dau-tien-cua-mien-dong-Nam-bo-2177882/