Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi: Người 'tạc hồn' nơi sóng biển khơi

Du khách khi về với xứ Thanh, thăm biển Sầm Sơn hẳn vẫn nhớ hình ảnh bên bờ biển ầm ào sóng vỗ có một tượng đài màu trắng tạc dáng hình một người phụ nữ thật đẹp. Chị chính là Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi, người con của đất Châu Đốc (An Giang ngày nay) nhưng lại có sự nghiệp điệp báo hào hùng gắn liền với vùng đất Thanh Hóa.

Tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi bên bờ biển Sầm Sơn.

Nguyễn Thị Lợi sinh năm 1911 quê tỉnh Châu Đốc (nay là thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) được biết đến là một phụ nữ có nhan sắc xinh đẹp, tài trí và thông minh. Chồng chị là một người đàn ông ở miền ngoài, vào Châu Đốc lập nghiệp. Sau khi kết hôn, chị Nguyễn Thị Lợi theo chồng ra Bắc rồi sinh con. Tuy nhiên, đạn bom chiến tranh khiến gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Lợi không còn. Nỗi buồn mất đi người thân đã biến thành sức mạnh mãnh liệt trong lòng người phụ nữ phương Nam.

Bấy giờ, thay vì trở về quê nhà, chị Nguyễn Thị Lợi quyết định dừng chân tại Thanh Hóa, tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1949 Nguyễn Thị Lợi được tuyển vào làm nhân viên phục vụ tại Ty Công an Thanh Hóa, có dịp tiếp xúc với đồng chí Hoàng Đạo - Tổ trưởng Tổ điệp báo A13. Sau một thời gian, tổ chức nhận thấy Nguyễn Thị Lợi là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung, có đầy đủ tố chất của một chiến sĩ điệp báo nên đã quyết định kết nạp chị Nguyễn Thị Lợi vào Tổ điệp báo. Tổ điệp báo A13 gồm Hoàng Đạo có mật danh A13, Nguyễn Kim Sơn mật danh A14, Chu Duy Kính với mật danh A15 và Nguyễn Thị Lợi mật danh A16.

Bấy giờ, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta rơi vào khó khăn tứ bề, kẻ địch bao vây. Đó là khi quân Đồng minh lần lượt kéo vào Việt Nam với mưu đồ bao vây, can thiệp. Còn ở miền Nam, với sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp không giấu giếm mưu đồ quay lại xâm lược nước ta thêm lần nữa.

“Nắm được âm mưu đen tối của địch, Ty Điệp báo, Nha Công an Trung ương đã “tương kế tựu kế” đưa người của ta vào hàng ngũ địch trong đó có điệp báo viên Hoàng Đạo (Tổ trưởng, bí danh A13) và Kim Sơn (bí danh A14). Các đồng chí có nhiệm vụ đi sâu, leo cao trong nội bộ địch để nắm bắt thông tin. Thời điểm này, trong nước có nhiều đảng phái phản động nổi lên và đều muốn tranh thủ lôi kéo A13 với vai trò là “thủ lĩnh phe ly khai” để giương thêm vây cánh. Với vai trò của mình, A13 đã tạo được “niềm tin” với Bảo Đại và những kẻ chóp bu cầm đầu các đảng phái phản động” (sách Địa chí thành phố Sầm Sơn).

Cũng theo các tài liệu lưu giữ, thời gian này trên địa bàn khu vực Sầm Sơn, theo đường biển thực dân Pháp đã cho quân đổ bộ vào đất liền để càn quét, đốt phá, hãm hại dân lành khiến lòng dân oán hận, các phong trào du kích thường xuyên diễn ra.

“Năm 1950, nhận thấy thực dân Pháp có mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Khu 4, Trung ương Đảng chỉ đạo: “Không nên gây cho Pháp một ảo tưởng, ở vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến không có lợi về chính trị, ảnh hưởng đoàn kết dân tộc... Do đó phải kết thúc sớm chuyên án này”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 26/9/1950, Ty Điệp báo, Nha Công an Trung ương chỉ đạo Tổ điệp báo A13 điều động được ba tên cầm đầu đảng phái phản động... ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt giữ, khai thác thông tin” (sách Địa chí thành phố Sầm Sơn). Đồng thời đặt mục tiêu phải đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin của Pháp đang vận chuyển vũ khí trang bị tiếp viện cho quân Pháp tại chiến trường Bắc bộ.

Viết về kế hoạch này, sách “Phụ nữ Công an Nhân dân những chặng đường lịch sử” (NXB Công an Nhân dân) cũng viết: “Theo kế hoạch, Tổ điệp báo A13 lừa địch điều Thông báo hạm của chúng vào vùng biển Sầm Sơn - Thanh Hóa đón “phu nhân Quốc vụ Khanh của Bảo Đại ra Hà Nội chữa bệnh (đồng chí Hoàng Đạo - A13 được Bảo Đại phong chức Quốc vụ Khanh)... Thực hiện kế hoạch này, Tổ điệp báo A13 sẽ đưa một khối thuốc nổ lên tàu để phá tàu địch, nhằm ngăn chặn ý đồ của chúng đánh chiếm vùng căn cứ kháng chiến Vinh - Nghệ - Tĩnh của ta. Theo kế hoạch, Tổ điệp báo A13 phải tìm một phụ nữ đóng vai “phu nhân Quốc vụ Khanh” với yêu cầu người phụ nữ này phải có nhan sắc, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Qua kiểm tra thử thách, Nguyễn Thị Lợi được chọn giao vai này”.

Sáng ngày 27/9/1950, Thông báo hạm của quân Pháp neo đậu ngoài khơi biển Sầm Sơn để đón phu nhân Quốc vụ Khanh. “Tổ điệp báo A13 đưa Nguyễn Thị Lợi ra Thông báo hạm bằng thuyền, khoảng 7 giờ sáng, thuyền cập mạn Thông báo hạm. Sau khi bố trí xong chỗ nghỉ và đưa va li thuốc nổ vào đúng vị trí, các đồng chí trong Tổ điệp báo A13 và các ngư dân chèo thuyền vào bờ. Sau 30 phút chạy trên biển, Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin đã nổ tung. Nhiều tên lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang quân dụng khác bị nhấn chìm xuống biển, Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh”.

Chiến công đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin đã có công lớn góp phần làm phá sản ý đồ đánh chiếm vùng tự do Khu 4 của thực dân Pháp. Sự kiện này cũng làm thất bại âm mưu lôi kéo, tập hợp các phần tử ly khai, các đảng phái phản động hòng chống lại cách mạng của dân tộc ta.

Sự hy sinh anh dũng, hiến dâng mình của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi trên đất xứ Thanh đã “tạc” vào sử xanh dân tộc một sự kiện - hình ảnh mãi mãi không quên. Sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Lợi đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Máu xương của người nữ Anh hùng đã “hòa” vào biển lớn, thấm sâu vào “hồn dân tộc” và chuyện về chị vẫn mãi được các thế hệ về sau nối tiếp kể nhau nghe. Không chỉ có một tượng đài người phụ nữ miền Nam mềm mại, thướt tha bên bờ biển xứ Thanh, tên tuổi của chị Nguyễn Thị Lợi còn được đặt cho tên đường, tên trường học trên địa bàn thành phố biển Sầm Sơn.

Về với xứ Thanh, về với Sầm Sơn, chân bước chậm để nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền, lắng lòng mình ta nghe như có tiếng đồng vọng từ quá khứ, về một thuở liệt oanh của những hy sinh cao cả của bao thế hệ ông cha, như chuyện về người nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi...

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách “Địa chí thành phố Sầm Sơn”; “Phụ nữ Công an Nhân dân những chặng đường lịch sử”).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-nguyen-thi-loi-nguoi-tac-hon-noi-song-bien-khoi/207987.htm