Anh-EU: Sau tất cả, mình chẳng về với nhau

Sau cuộc chiến ngắn ngủi giữa Thượng viện và Hạ viện Anh nhằm giành giật quyền quyết định “đi hay ở” của quốc gia này, Quốc hội Anh đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Theresa May có quyền kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Không còn tranh cãi gì nữa, kế hoạch rời EU trong vòng hai năm tới của nước Anh sẽ được tiến hành. Mọi nấn ná, dùng dằng đã qua để rồi EU và Anh sẽ chấm dứt mối nhân duyên sau 44 năm gắn bó.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cuộc tranh cãi dai dẳng giữa người muốn ở lại với người muốn ra đi vẫn chưa chấm dứt. Trong khi EU tuyên bố nước Anh không thể có được tự do thương mại khi rời khỏi Liên minh, thì Anh đáp trả bằng tuyên bố không nhượng bộ EU về quyền cư trú của công dân các nước này.

Về cơ bản, cả Anh và EU đều đang đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Chính phủ của bà Theresa May muốn nhanh chóng có được thỏa thuận về Brexit để trấn an dân chúng bằng việc giảm bớt sức ép nhập cư. Còn EU lại hy vọng nỗ lực trừng phạt Anh có thể ngăn cản hiệu ứng Domino trước nguy cơ nhiều quốc gia thành viên kỳ cựu muốn rút khỏi liên minh này. Trong khi giới chức Anh hy vọng sự bảo đảm về quyền cư trú của hơn 1 triệu dân Anh tại các quốc gia EU, thì đối phương dường như không có động tĩnh về vấn đề này. Hiện tại, khoảng 4 triệu công dân EU đang sinh sống và làm việc tại Anh.

Brexit có thể trở thành nguyên nhân đẩy cả Anh và EU vào khó khăn, ít nhất là trong vòng 2 năm tới. Trong khi Liên minh Châu Âu luôn miệng cảnh cáo Anh về vấn đề tự do thương mại của quốc gia này sẽ gặp khó khăn bởi việc hạn chế di chuyển của công dân các quốc gia EU như trước đây, thì Chính phủ Anh vẫn miệt mài đi tìm thỏa thuận có lợi cho bản thân khi tiến hành Brexit.

Theo Hans-Werner Sinn - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, việc “đe dọa” Anh bằng sự gắn kết tự do thương mại với quyền di chuyển của người dân là không hiệu quả: “Dù Vương quốc Anh rời EU là điều đáng tiếc. Song, sự thật là thương mại tự do với EU không phải đi kèm với sự di chuyển tự do của người dân. Theo lý thuyết thương mại thuần túy, ảnh hưởng kinh tế và lợi ích về phúc lợi do thương mại tự do được thay thế, chứ không phải bởi những người tự do di chuyển lao động.

Nếu di chuyển là không thể, cấu trúc tiền lương khác nhau có nhiều khả năng sẽ làm nảy sinh các cấu trúc khác nhau giữa các quốc gia với nhau. Những khác biệt này làm gia tăng lợi ích từ thương mại; Thực tế, khai thác những khác biệt đó là toàn bộ quan điểm thương mại. Nếu EU từ chối duy trì tự do thương mại với Anh Quốc, công dân của họ sẽ phải chịu những thiệt hại tương tự dân Anh.

Ông Hans-Werner Sinn cũng cho rằng: Việc trừng phạt Anh với hy vọng chấm dứt hiệu ứng rời EU của các quốc gia thành viên là biện pháp không mấy hiệu quả. Thông qua việc này, EU đã thể hiện quan điểm nóng vội và có phần bướng bỉnh trong việc “giữ chân” các thành viên. Thay vì hướng tiếp cận buộc chân họ với những lợi ích không mấy hấp dẫn, EU nên có những hướng tiếp cận khác kiểu như chuyển đổi từ liên minh tái phân phối do đa số nắm giữ thành hiệp hội tối ưu và tự nguyện được liên kết bằng sự nhất trí - hiệp ước phù hợp với nguyên tắc Pareto (nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cho thiểu số và dựa trên sự nhất trí, tự nguyện vì mục tiêu chung).

Để đạt được mục tiêu này, theo Hans-Werner Sinn, bước đầu tiên là loại bỏ kế hoạch bầu ra bộ trưởng tài chính chung của EU ở một cơ quan có thẩm quyền về thuế. Tiếp theo là “cởi trói” cho Vương quốc Anh bằng hiệp định thương mại tự do có lợi cho cả hai bên.

Tuy nhiên, những nguy cơ của Brexit không chỉ có EU phải hứng chịu cũng không phải chỉ là các vấn đề chính trị liên quan đến phản ứng của Bắc Ai-Len trước “hôn phối tan rã” của Anh và EU, nhiều dự báo về kinh tế Anh sẽ gặp bất lợi trong khoảng thời gian tương đối dài đang gây sự chú ý của dư luận. Theo đó, nếu không đạt được thỏa thuận cho Brexit trong 2 năm tới, Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với cú “hạ cánh cứng” , được định hình bằng nền thương mại bị mất ưu thế thuế quan khi Anh không còn là thành viên của Liên minh Châu Âu. Thêm vào đó, việc đàm phán thuế quan với các nước ngoài EU sẽ gặp vô vàn khó khăn khi Anh ở vào tình thế cô độc.

Về an ninh - quốc phòng, nước Anh có nguy cơ bị mất đồng minh quốc phòng lâu năm trong khối liên minh để rồi phải kiếm tìm sự ủng hộ từ Mỹ và Trung Quốc. Điều này được dự đoán sẽ trở thành thách thức với Anh trong việc tìm lại vị thế trên trường quốc tế.

Cả Anh và EU đều đang thể hiện tinh thần không chịu khuất phục trước nhau. Thượng viện Anh trong quá trình đấu tranh giành quyền phê chuẩn Brexit đã yêu cầu nước Anh cần có chính sách bảo toàn quyền cư trú của công dân EU tại Anh. Tuy nhiên, chính sách này bị loại bỏ cùng sự thất bại của Thượng viện với Hạ viện. Để tìm được con đường đi thuận lợi hậu Brexit, cả Anh và EU cần đạt được thỏa thuận chung đảm bảo những lợi ích mật thiết cho nhau. Tuy nhiên, sau những nỗ lực và tranh cãi, Vương Quốc Anh và Liên minh Châu Âu vẫn chưa thể tìm ra giải pháp để hai bên đạt được thỏa thuận này.

Phạm Trang

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/anh-eu-sau-tat-ca-minh-chang-ve-voi-nhau