Anh em ruột trở mặt vì tranh chấp hợp đồng hùn vốn mở doanh nghiệp

Ông Trần Đắc (53 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành cho biết ông và người em ruột hùn vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân sản xuất nước đá, nhưng nay người em lật lọng nhằm chiếm đoạt tài sản. Sự việc vượt quá khả năng kiểm soát, ông mong các cơ quan chức năng can thiệp giải quyết.

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HÙN VỐN

Ông Trần Đắc cho biết ngày 5-2-2009, ông và ông Trần Cường - em ruột ông Đắc cùng nhau góp vốn chung vào doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng chuyên sản xuất nước đá, thống nhất mỗi người góp 50%. Thỏa thuận có sự chứng kiến của ông Trần Tấn Đức (ba ruột của ông Trần Đắc, ông Trần Cường) và ông L.S - công tác tại một cơ quan của huyện Châu Thành.

Doanh nghiệp được thành lập từ phần đất của cha mẹ cho hai anh em, trong đó ông Trần Cường đại diện đứng tên quyền sở hữu. Trạm điện và thiết bị, máy móc sản xuất nước đá được mua lại đồ cũ của một nhà máy khác về sửa chữa và lắp thêm.

Doanh nghiệp qua nhiều lần nâng công suất sản xuất từ 1.040 cây nước đá lên 4.049 cây nước đá/ngày. Ông Trần Đắc là người trực tiếp thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật, quản lý và điều hành nhà máy.

Ông Trần Đắc cho biết từ khi thành lập đến nay, tất cả thiết bị phục vụ cho nhà máy đều do ông mua từ TP. Hồ Chí Minh về thuê thợ gia công hoặc cá nhân tự lắp ráp có thuê công nhân phụ tiếp. Việc sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật, quản lý và điều hành nhà máy đều do cá nhân ông Trần Đắc quyết định. Ông Trần Cường mặc dù đứng tên chủ doanh nghiệp nhưng chỉ xuất hóa đơn, báo cáo thuế, quản lý sổ sách của doanh nghiệp.

“Khoảng cuối năm 2018, tôi phát hiện Trần Cường ghi khống sổ chi, chiếm dụng sổ thu, không hạch toán sổ, không lập sổ quỹ tiền mặt của doanh nghiệp, xuất hóa đơn giá trị gia tăng không đúng giá thực tế, không đúng số lượng để chiếm dụng tiền chung của doanh nghiệp”, ông Trần Đắc nói.

Đến ngày 19-2-2019, ông Trần Đắc và ông Trần Cường thống nhất cho nhà máy ngưng hoạt động để kiểm tra sổ sách, nếu ai sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp, tuy nhiên theo ông Trần Đắc, phía ông Trần Cường chỉ nói cho qua loa, không có thiện chí giải quyết.

Cơ sở sản xuất nước đá của doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng do ông Trần Đắc và ông Trần Cường hùn vốn mở.

“Hiện Trần Cường không hạch toán sổ chia lợi nhuận, chiếm đoạt tiền của tôi khoảng 7 tỷ đồng và gây thiệt hại nhà máy nước đá nghiêm trọng không thể khôi phục lại được”, ông Trần Đắc cho biết.

Bức xúc, ông Trần Đắc liên hệ Tòa án nhân dân huyện Châu Thành làm đơn khởi kiện. Sau đó, ông gửi đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành thì nơi đây có phiếu hướng dẫn số 76/PHD-CSĐT, ngày 23-12-2020 trả lời đây là án dân sự và yêu cầu ông gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tòa án nhân dân huyện Châu Thành sau đó đã thụ lý và hòa giải lần một, nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất.

“Không ngờ đến ngày 4-3-2021, tôi nhận được thông báo của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành về việc Trần Cường khởi kiện tôi chiếm giữ nhà máy và buộc tôi bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Trần Đắc cho biết. Trong đơn khởi kiện, ông Trần Cường đề nghị tòa án buộc ông Trần Đắc bồi thường 400 triệu đồng thiệt hại cho doanh nghiệp do ông Trần Đắc khởi kiện làm đóng cửa kinh doanh; buộc ông Trần Đắc chấm dứt hành vi chiếm giữ doanh nghiệp, trả lại cơ sở hoạt động sản xuất.

THẬT SỰ HÙN VỐN LÀM ĂN?

Trước đó, trong đơn phản tố ngày 27-10-2020, ông Trần Cường cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng là do cá nhân ông làm chủ, chịu trách nhiệm toàn bộ trước pháp luật. Toàn bộ nguồn vốn, chi phí thành lập, quản lý doanh nghiệp đều do ông bỏ ra.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc cho rằng mình có đầy đủ các chứng cứ về việc góp vốn 50% thành lập doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng. Cụ thể là biên bản họp mặt góp vốn; hình ảnh, biển hiệu doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng là lấy từ tên con trai ông (kèm giấy khai sinh); số điện thoại liên hệ của biển hiệu cũng là số điện thoại của ông.

Quá trình hoạt động của nhà máy nước đá, thuê nhân công, việc ông mua sắm trang thiết bị, hóa đơn, chứng từ… ông Trần Đắc đều có lưu giữ, ghi chép trong sổ sách. Theo ông Trần Đắc, cái khó hiện nay khó chứng minh là hiệu quả lợi nhuận từ hoạt động của nhà máy nước đá rất khó hạch toán, bởi nhiều nước đá sản xuất ra nhằm phục vụ cho các tàu đánh bắt thủy sản trên biển của hai anh em và bán cho các đối tác thân quen.

“Tôi có 5 tàu đánh bắt thủy sản, Trần Cường cũng có mấy chiếc tàu. Khi tàu về lên hàng xong là xuống hàng trăm cây nước đá, rồi lại ra khơi”, ông Đắc cho biết.

Theo ông Trần Đắc tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng đã chứng minh ông có hùn vốn. Theo đó, trả lời Tòa án nhân dân huyện Châu Thành ngày 22-7-2022, ông L.S khẳng định mình có ký vào biên bản họp mặt, chứng kiến với nội dung: “Tôi tên L.S có chứng kiến ông Trần Đắc và ông Trần Cường có hùn vốn 50% vào doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng là có sự thật”.

Trao đổi với phóng viên ngày 3-11-2022, ông L.S cũng khẳng định việc hùn vốn thành lập doanh nghiệp giữa hai anh em ông Trần Đắc và Trần Cường là có thật, chính ông đã ký vào biên bản họp mặt này. Tuy nhiên, việc hùn vốn ra sao, số tiền như thế nào thì ông L.S nói không biết.

Biên bản họp mặt chứng minh ông Trần Đắc và ông Trần Cường hùn vốn mở doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng.

Anh Trịnh Thanh Vũ - công nhân của doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng cho biết, anh làm việc cho doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng từ lúc bắt đầu hoạt động năm 2009 đến lúc ngưng hoạt động năm 2019, nên ít nhiều từng nghe và biết về vụ việc.

Anh Vũ khẳng định: “Tôi khẳng định là ông Trần Đắc và ông Trần Cường có hùn vốn làm ăn với nhau. Hai anh em ông Trần Đắc và Trần Cường đều là chủ của tôi”.

Một số người dân ở ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú - nơi có doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng hoạt động cũng cho biết, hai ông Trần Đắc và Trần Cường hùn vốn và cùng điều hành hoạt động nhà máy sản xuất nước đá.

Để tạo khách quan trong thông tin, ngày 3-11-2022, phóng viên liên hệ ông Trần Cường tìm hiểu sự việc. Tuy nhiên, ông Trần Cường đề nghị phóng viên cần gì thì gặp đại diện theo ủy quyền của ông. Phóng viên đề nghị ông Trần Cường cung cấp thông tin người đại diện ủy quyền, nhưng ông không cung cấp. Phóng viên sau đó tiếp tục liên hệ, ông Trần Cường đều không trả lời.

Liên quan vụ việc trên, đồng chí Danh Pì Sách - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành cho biết, tòa án đã gửi công văn cho Chi cục Thuế huyện Châu Thành để làm rõ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp tư nhân Lợi Hưng làm cơ sở xử lý vụ án. “Hiện đã có kết quả trả lời từ cơ quan thuế. Chúng tôi sẽ tiếp tục mời các đương sự lên hòa giải lần 2, nếu các bên vẫn không thống nhất thì tòa án sẽ đưa vụ việc xét xử trong tháng 12-2022”, đồng chí Danh Pì Sách cho biết.

Bài và ảnh: LÊ VINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//ban-doc/anh-em-ruot-tro-mat-vi-tranh-chap-hop-dong-hun-von-mo-doanh-nghiep-11377.html