Anh Cao Việt Dũng: Công cụ chủ yếu của lao động sư phạm là nhân cách của người giảng viên

Anh Cao Việt Dũng, quê ở Thái Nguyên, đang phụ trách công tác quản lý người học của Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên, cũng là Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Đại học Thái Nguyên, chia sẻ về công việc của một người Thầy tham gia công tác Hội Sinh viên.

Anh Cao Việt Dũng: Thời điểm năm 2008, cũng giống như các bạn học sinh vừa tốt nghiệp THPT, lúc đó rất phân vân và khó quyết định vì nhiều thông tin cũng như nhiều cơ hội để mình lựa chọn trường đại học. Và với truyền thống gia đình trong ngành Giáo dục cũng như việc định hướng sẽ phát triển bản thân đã giúp mình trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp được công tác tại Đại học Thái Nguyên, gắn bó với công việc cũng đã được 8 năm và bén duyên với tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đến bây giờ.

Anh Cao Việt Dũng - công tác quản lý người học của Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên, cũng là Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Đại học Thái Nguyên.

Bản thân mình nhận thấy khi ở giai đoạn nào thì luôn có ý nghĩa của giai đoạn đó, dù là một sinh viên, một cán bộ quản lý, một cán bộ Hội. Mình luôn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng qua từng ngày để luôn là phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Việc thường xuyên cập nhật tri thức, không ngừng rèn luyện kỹ năng không chỉ ở vị trí của cán bộ Hội, mà để có tầm nhìn và trải lòng từ góc nhìn của các bạn sinh viên, từ đó định hướng tổ chức các hoạt động phù hợp dựa trên sinh viên nghĩ gì, muốn gì, cần gì... trong tổ chức Hội.

Anh đến với các hoạt động tổ chức Hội sinh viên như thế nào?

Anh Cao Việt Dũng: Mình biết đến Hội Sinh viên từ khi năm thứ nhất thời sinh viên, được tham gia rất nhiều các chương trình của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Nhà trường tổ chức. Nhưng đến khi đi làm mới thật sự bén duyên với tổ chức Hội sinh viên. Được sự tín nhiệm từ BCH Hội sinh viên Việt Nam Đại học Thái Nguyên, mình bắt đầu làm việc ở Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên và có cơ hội học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức và phát huy nhiều hơn. Thời gian đầu cũng có nhiều áp lực vì công việc chuyên môn khá nhiều, việc kiêm nhiệm công tác Hội sinh viên với rất nhiều hoạt động khiến việc sắp xếp, giải quyết công việc chưa thực sự khoa học. Nhưng với sự cố gắng trau dồi, học hỏi qua từng hoạt động, từng mảng công tác và được sự giúp đỡ rất nhiều từ các anh, chị đồng nghiệp đã giúp mình khẳng định bản thân và đạt hiệu quả trong công việc.

Theo quan điểm cá nhân của anh, một giảng viên đại học trong thời đại số hiện nay phải có những phẩm chất gì?

Anh Cao Việt Dũng: Theo quan điểm của mình, công cụ chủ yếu của lao động sư phạm là nhân cách của người giảng viên. Bằng chính nhân cách của mình, giảng viên tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách của sinh viên. Ngoài những phẩm chất đạo đức, những tiêu chuẩn chung và những tiêu chuẩn riêng gắn với đặc điểm nghề nghiệp trong quy định hiện hành, để phù hợp trong thời đại số, giảng viên đại học rất cần có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, vốn liên tục thay đổi trong thời đại công nghệ số. Bên cạnh đó, giúp sinh viên phát triển về năng lực, tư duy, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong môi trường làm việc hiện nay. Thứ hai, giảng viên cần có khả năng thích nghi và tiếp cận công nghệ để có thể cập nhật những kiến thức hiện đại, xây dựng bài giảng chất lượng, lôi cuốn cũng như ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo tạo ra sự tự do, sáng tạo trong quá trình giảng dạỵ. Trong thời đại số hiện nay, giáo dục luôn lấy người học làm trung tâm, giảng viên dựa trên nhu cầu học hỏi của sinh viên để gợi mở và định hướng nhiều hơn là truyền đạt kiến thức. Vì vậy, giảng viên đại học cần nâng cao khả năng kết hợp thông tin tổng thể, giúp sinh viên có khả năng nắm bắt, hiểu ý nghĩa, đánh giá tầm quan trọng của các thông tin được truyền tải.

Anh thấy sinh viên hiện nay như thế nào?

Anh Cao Việt Dũng: Sinh viên Đại học Thái Nguyên nhìn chung các bạn có kiến thức nền tảng và chuyên môn tốt, có nghị lực và quyết tâm học tập cao, Do đặc thù Đại học Thái Nguyên là Đại học khu vực miền núi phía Bắc, sinh viên con em người dân tộc nhiều, việc thể hiện kiến thức cũng như trong giao tiếp với các bạn sinh viên năm thứ nhất đa phần còn nhiều hạn chế. Nhưng qua quá trình học tập, rèn luyện tại môi trường đại học, sinh viên đã rất tự tin trong việc thể hiện bản thân, không ngại thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Các bạn được phát triển rất nhiều những kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, tổ chức sự kiện… thông qua việc tham gia vào các CLB, các hoạt động của Đoàn, Hội, giúp nhau học tập và rèn luyện các kỹ năng khác theo năng khiếu, sở thích và đóng góp cho các hoạt động phong trào của Nhà trường cũng như của Đại học Thái Nguyên rất sôi nổi.

Anh có điều gì muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên?

Anh Cao Việt Dũng: Với vai trò người thầy – người truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên mình mong muốn các bạn sinh viên tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của sinh viên Đại học Thái Nguyên trong những năm qua. Ngoài việc đặt ra kế hoạch và mục tiêu cho bản thân, thời sinh viên cũng là giai đoạn căn bản để trau dồi kiến thức chuyên môn, hoàn thiện các kỹ năng làm việc và kỹ năng sống. Thời sinh viên cũng là giai đoạn tuyệt vời để sống hết mình với tuổi trẻ, hãy tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, để ghi dấu một thời tuổi trẻ nhiệt huyết. Điều đó chắc chắn sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của các bạn, giúp các bạn tích lũy cho mình nhiều kỹ năng và trưởng thành hơn. Qua đó chuẩn bị hành trang vào đời như những người trẻ tự tin, có năng lực, có nhân cách, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Cảm ơn anh!

Tú Chân (Thực hiện)

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/anh-cao-viet-dung-cong-cu-chu-yeu-cua-lao-dong-su-pham-la-nhan-cach-cua-nguoi-giang-vien-post1519478.tpo