Ảnh cá mặt quỷ 'ẩn thân chi thuật' gây ấn tượng mạnh

Từ loài báo tuyết to lớn đến côn trùng nhỏ, tất thảy đều có khả năng ngụy trang bậc thầy. Một số nhiếp ảnh gia động vật hoang dã may mắn bắt được khoảnh khắc chúng đang lẩn trốn.

Ẩn sâu trong lớp cát, một loài bò sát kiên nhẫn chờ đợi con mồi đến gần. Đó là rắn sừng đuôi chuông có độc - tên khoa học là crotalus cerastes - một bậc thầy về ngụy trang. Đôi khi nó được gọi là rắn chuông sidewinder, ý chỉ loài rắn có thể phát hiện con mồi bằng cách cảm nhận thân nhiệt. Nếu chịu khó nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy một cặp mắt vàng sắc lẹm ló ra từ lớp cát. Ảnh: Live Science.

Hippocampus bargibanti hoặc cá ngựa Pygmy là loài cá ngựa lùn đầu tiên được mô tả trên thế giới, theo Live Science - chuyên trang đưa tin về những đột phá khoa học. Đúng như tên gọi, cá ngựa lùn "cực kỳ" nhỏ. Chúng chỉ dài khoảng 2 cm. Cá ngựa Pygmy có thể đổi màu sắc theo môi trường sống để ngụy trang. Loài này mang khả năng hòa quyện liền mạch vào san hô trong đại dương. Ảnh: Live Science.

Bọ lá - cryptophyllium westwoodii - là bậc thầy ngụy trang có tiếng nhờ ngoại hình giống chiếc lá cây. Dù có cánh, bọ lá vẫn không thể bay do cơ thể nặng. Ảnh: Mark Brandon.

Cá mặt quỷ - loài cá có nọc độc nhất trên thế giới - có sự tương đồng đáng lo ngại với những tảng đá phủ san hô tại vùng nước nông. Nếu vây cá đâm vào da người, độc tố sẽ nhanh chóng xâm lấn vào hệ cơ vận động, hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim và huyết áp, thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, cá mặt quỷ sau khi loại bỏ độc tố mang lại giá trị ẩm thực cao, thuộc dòng đắt tiền, không phải thực khách nào cũng có cơ hội thưởng thức. Hãy nhìn kỹ vào ảnh, bạn sẽ thấy một khuôn mặt nổi lên từ rạn san hô. Ảnh: Live Science.

Ngụy trang trên phần nhị hoa, nhện cua vàng đang chờ đợi, chậm rãi với đôi chân giơ ra hai bên nhằm phục kích côn trùng thụ phấn. Màu sắc của loài nhện này cho phép chúng ẩn mình trong những bông hoa màu trắng hoặc vàng. Ảnh: Live Science.

Đằng sau lùm cỏ cao, một trong số thợ săn trầm tĩnh với bộ lông dày, xỉn màu, thuộc động vật hữu nhũ đang lâm le con mồi. Linh miêu đuôi cộc chính xác là loài được miêu tả. Giống như hầu hết loài thuộc họ mèo, linh miêu đuôi cộc mang khả năng chiếm giữ lãnh thổ và phần lớn là sống đơn độc. Ảnh: Gerard Peplow.

Một chú báo hoa mai đang nằm vắt vẻo trên cành cây cao. Theo Live Science, loài báo này trở thành loài họ mèo sở hữu kỹ năng sinh tồn đáng kinh ngạc nhất nhờ khả năng rình mò "siêu hạng" và tiêu thụ đa dạng kích cỡ động vật. Ảnh: Live Science.

Trong ảnh, con vật đang nằm sát khúc cây không phải là một con rắn hay con thằn lằn, mà là chim cú muỗi. Loài này có kích cỡ trung bình, cánh nhọn, đuôi dài, chỉ hoạt động vào ban đêm. Ban ngày, loài cú muỗi ngủ trên mặt đất. Màu sắc độc đáo bên ngoài tương tự màu củi khô cho phép chúng "qua mặt" các loài săn mồi. Ảnh: Live Science.

Được biết đến với bản chất linh hoạt, cơ thể dẻo dai, uyển chuyển và bộ lông đặc biệt có thể thích nghi với mùa hè lẫn mùa đông, báo tuyết sinh sống chủ yếu tại nơi có địa hình dốc, gồ ghề ở Trung Á và Nam Á. Báo tuyết có bàn chân rộng và đuôi dài giúp giữ thăng bằng khi leo núi. Bộ lông dày màu xám trắng cùng với những đốm đen lớn có thể ẩn mình giữa núi của báo tuyết khiến con vật khác phải ái ngại. Ảnh: Fabio Nodari.

Bọ ngựa hoa phong lan gây lú lẫn cho nhiều người với khả năng mô phỏng loài hoa phong lan, thậm chí chúng còn "ranh mãnh" đến nỗi làm hành động lắc lư giả như một bông hoa đang lây mình trong gió. Chúng sử dụng kỹ thuật này để săn bắt và ẩn náu. Ảnh: Jamikorn Sooktaramorn.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://znews.vn/anh-ca-mat-quy-an-than-chi-thuat-gay-an-tuong-manh-post1456889.html