Ấn tượng khó phai về những người thầy đặc biệt

Họ là những nhà giáo tận tụy với nghề, được học trò yêu mến, kính trọng và hâm mộ. Cùng kể lại câu chuyện về những thầy cô đặc biệt nhân dịp 20/11.

Cùng nhìn lại hình ảnh, những câu chuyện về những thầy cô đặc biệt nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Một trong những thầy cô giáo nổi tiếng và tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng học trò cả nước là PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội). Không chỉ được học trò yêu quý, ngưỡng mộ về tri thức, thầy còn có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Nguồn ảnh: Giáo dục Việt Nam.

Mỗi câu nói, phát biểu của thầy trên mạng xã hội đều thu hút hàng nghìn lượt yêu thích, bình luận của phụ huynh, học sinh. Thầy cũng nổi tiếng với câu nói "Tiên học lễ xưa lắm rồi/ Quan hệ thầy trò bây giờ bình đẳng". Nguồn ảnh: Zing.

Dù đã ngoài 80 tuổi song cô giáo Đàm Lê Đức (từng là giáo viên dạy Toán của khoa Thống kê toán, ĐH Kinh tế TP HCM) vẫn tiếp tục đứng trên bục giảng. Cô mở lớp dạy kèm môn Toán và phát triển thành Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Với những cống hiến lớn lao cho nền giáo dục, cô đã được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 2, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục và Huy chương vì sự nghiệp khuyến học.

10 năm là quãng thời gian cô Nguyễn Thị Thanh Loan (TP HCM) dạy võ miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Năm 20 tuổi, cô vinh dự là người phụ nữ thứ hai ở Việt Nam đạt được đẳng Shodan (huyền đai quốc tế Aikikai), văn bằng do tổ sư Morihei Ueshiba - người sáng lập môn võ Aikido ký. Nguồn ảnh: Afamily.

Với học trò, cô là người đặc biệt, không chỉ dạy võ rèn luyện sức khỏe, cô còn là người bạn thân thiết, quan tâm đến đời sống tâm tư tình cảm của các em. Nguồn ảnh: Afamily.

Rời bục giảng nhà trường giữa chừng, vợ chồng nhà giáo Nguyễn Thị Thiền (sinh năm 1944) và thầy Nguyễn Phan, hiện sống ở phường Phú Thuận, Quận 7, TP. HCM suốt 20 năm qua đã dạy kèm miễn phí cho trẻ em trong khu. Nguồn ảnh: Pháp luật TP HCM.

Những trẻ khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn được dạy kèm miễn phí từ lớp 1 đến lớp 12. Từ lớp 1 đến lớp 5, các em được cô dạy tất cả các môn, từ lớp 6 trở lên, cô Thiền dạy môn toán. Nguồn ảnh: Pháp luật TP HCM.

Hình ảnh thầy Nguyễn Phan kèm toán cho học trò. Nguồn ảnh: Pháp luật TP HCM.

Khó khăn, vất vả, xa gia đình đi dạy học ở nơi đầu sóng ngọn gió, những thầy cô giáo "cắm đảo" là những nhà giáo đặc biệt, họ yêu nghề, yêu học trò và tận tụy với công việc. Ảnh cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa Lớn đang dạy các em học sinh. Nguồn ảnh: VTC.

Thầy Hồ Bảo Ân (quê huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nhiều năm dạy học ở đảo Sinh Tồn. Nguồn ảnh: VTC.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/an-tuong-kho-phai-ve-nhung-nguoi-thay-dac-biet-784078.html