Án tử hình cho sĩ quan KGB làm gián điệp cho Pháp

Vladimir Vetrov hợp tác với tình báo Pháp và là gián điệp cho phép ở Liên Xô. Tiết lộ danh tính của hơn 400 nhân viên tình báo và cung cấp hàng nghìn tài liệu mật, Vetrov kiếm được rất nhiều tiền để chu cấp cho người tình…

Vladimir Vetrov sau khi bị bắt giữ

Vladimir Vetrov sinh năm 1932 tại Mátxcơva, có vợ và con trai khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp Trường kỹ thuật cao cấp Bauman, Vetrov vào làm việc tại Nhà máy sản xuất máy tính và máy phân tích mang tên Kalmykov. Năm 1959, ông này đã được tuyển vào Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) và được cử đi học tại Trường tình báo số 101, thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh.

Năm 1965, Vetrov được cử đến Paris (Pháp) dưới vỏ bọc kỹ sư của công ty xuất nhập khẩu ở Liên Xô. Pierre Bourdiol, nhân viên Công ty điện tử Thomson-CSF, một trong những nhà phát triển tên lửa vũ trụ tối mật Ariane được Vetrov tuyển mộ vào năm 1966. Ông Bourdiol đã thuyết phục Jacques Prevost ở Thomson-CSF hợp tác với Liên Xô. Khi làm quen Vetrov, Prevost liền báo cáo với DST (Cơ quan phản gián của Pháp) và được đưa vào diện tuyển mộ nhưng Vetrov phải trở về nước.

Năm 1974, Vetrov đã được cử đến Montreal (Canada), tham gia hoạt động gián điệp công nghiệp. Năm 1975, Trung tá Vetrov trở về nước, sau đó được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng của Cục T, Tổng cục 1 thuộc KGB. Ông ta có nhân tình là sĩ quan KGB Lyudmila Oshkina và sẵn sàng làm mọi việc vì cô.

Tại Mátxcơva, thông qua một người quen, Vetrov đã gửi thư cho Prevost. Tháng 4-1981, Xavier Omey, người đại diện cho Prevost gặp Vetrov. Trong cuộc gặp đó, Vetrov đã tự giới thiệu là Trung tá KGB và ngỏ ý muốn hợp tác với tình báo Pháp. Vetrov sau đó gặp Thiếu tá tình báo quân đội Pháp, Patrick Ferran. Họ hẹn gặp nhau hàng tuần vào 11 giờ, thứ sáu ở lối ra chợ Cheryomushkinsky. Vợ của Ferran là Madeleine thay chồng đến điểm hẹn. Vetrov yêu cầu cấp cho ông ta áo khoác lông thú, đôi bông tai vàng để tặng người tình, muốn được nhận 30-40 nghìn rúp/năm...

Vetrov sau đó trao cho Madeleine những tài liệu mật lấy được ở nơi làm việc và nhận lại vào hôm sau tại Bảo tàng bức tranh “Trận Borodino”. Nhưng các cuộc gặp của họ chấm dứt vào giữa tháng 5-1981 vì Vetrov trao nhầm viên đạn mẫu khiến Madeleine vô cùng sợ hãi. Ferran phải tự liên lạc với Vetrov.

Vetrov cũng đã trao cho Ferran quyết định của Ủy ban về các vấn đề công nghiệp-quân sự thuộc Đoàn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Sau khi phân tích tài liệu này, tình báo Pháp xác định được 47 điệp viên Liên Xô hoạt động tại Pháp dưới vỏ bọc nhân viên của đại sứ quán và các cơ quan khác của Liên Xô ở nước ngoài. Vetrov còn tiết lộ danh tính của 422 điệp viên và 57 người làm gián điệp cho Liên Xô ở châu Âu, Mỹ...

Đầu năm 1982, Vetrov cảm thấy bị lực lượng phản gián Liên Xô theo sát, đồng thời lo rằng Lyudmila đã đoán ra việc làm đen tối của mình và có thể báo cáo cơ quan về số tiền lớn đã nhận của ông ta. Trong thời gian làm gián điệp cho Pháp, Vetrov nhận được khoảng 25.000 rúp.

Ngày 22-2-1982, sau khi chuyển giao tài liệu mật cho Ferran, Vetrov mời Lyudmila ra ngoại ô chơi. Vừa uống hết ly rượu Champagne đầu tiên, Vetrov lấy chai rượu đập vào đầu Lyudmila và dùng cờ lê tấn công. Sau một hồi chống trả, Lyudmila bất tỉnh. Ông ta còn dùng tuốc nơ vít đâm trúng tim người lao vào cứu Lyudmila. Ông này - cựu cảnh sát Yuri Krivich (50 tuổi) tử vong tại chỗ. Vetrov ném cờ lê, tuốc nơ vít vào đống tuyết rồi lái xe trở về Mátxcơva.

Được người dân đưa tới bệnh viện, Lyudmila đã khai ra kẻ tấn công mình. Vetrov bị bắt và bị kết án 15 năm tù vào ngày 3-11-1982. Trong thời gian Vetrov chấp hành án, KGB xác định được rằng ông ta đã làm gián điệp cho Pháp và gây thiệt hại cho Liên Xô từ 10 đến 20 tỷ rúp. Ngày 14-12-1984, Vetrov bị kết án tử hình. Bản án đã được thi hành vào ngày 23-1-1985.

Theo Lenta

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/an-tu-hinh-cho-si-quan-kgb-lam-gian-diep-cho-phap-post550301.antd