An toàn phòng cháy, chữa cháy, khâu thủ tục không quan trọng bằng hậu kiểm

Một số đại biểu tại Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI cho rằng, cấp phép các cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng phải hậu kiểm về thiết bị phòng cháy, chữa cháy, quá trình sử dụng, vận hành...

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thảo luận về 5 nội dung gồm: Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Thành phố; Các nội dung chủ yếu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ảnh minh họa. Nguồn: IT

Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025; Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Góp ý vào Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đại biểu Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho rằng, việc triển khai Đề án phải kết hợp với chỉnh trang đô thị theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, đặc biệt khuyến khích việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp; khuyến khích các hộ dân có thể hợp khối với sự tham gia của nhà đầu tư trong thiết kế cầu thang an toàn phòng chống cháy nổ. Đối với mỗi khu vực cũng nên thiết kế hạ tầng đảm bảo xe chữa cháy có thể tiếp cận.

Về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đại biểu Nguyễn Tiến Minh cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch. Thành phố đã xác định lấy trục sông Hồng làm trung tâm trong quy hoạch mới và đường hai bên bờ sông Hồng làm trung tâm để giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó là di dời các cơ quan, trường học ra ngoại thành để có không gian làm giao thông tĩnh, các hạ tầng công cộng...

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Minh, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã đề cập đến mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), vì vậy khi quy hoạch Thủ đô cần bám vào Luật Thủ đô sửa đổi để quy hoạch mô hình này; đặc biệt là định hướng phát triển tuyến đường sắt đô thị (nổi hoặc ngầm), bởi hiện Hà Nội chỉ có một tuyến đang chạy, 1 tuyến sắp chạy và 10 tuyến trong kế hoạch. Đây là con số khiêm tốn.

“Đề nghị trong định hướng quy hoạch đường sắt đô thị các đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh triển khai theo mô hình TOD; nhấn mạnh sẽ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị ngầm hoặc nổi với các tầng khác nhau, điều chỉnh các hướng để đường bộ và đường sắt đô thị bổ sung cho nhau để tăng cường năng lực giao thông công cộng, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Tiến Minh nêu.

Còn đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) cho rằng, Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy và có chính sách tốt nhưng để giải quyết thì khâu thủ tục không quan trọng bằng khâu hậu kiểm. Cấp phép các cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng phải hậu kiểm về thiết bị phòng cháy, chữa cháy, quá trình sử dụng, vận hành... Vì vậy, cần quan tâm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với thời gian nhanh nhất, tốt nhất; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát đặc biệt tại các địa phương quản lý các công trình để kiểm đếm và tăng cường quản lý lĩnh vực này.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/an-toan-phong-chay-chua-chay-khau-thu-tuc-khong-quan-trong-bang-hau-kiem-post275296.html