An Giang phát triển hạ tầng giao thông, tạo bứt phá phát triển

'Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch' là một trong 3 khâu đột phá, được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thời gian qua, tỉnh An Giang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, đồng bộ với mạng lưới giao thông cấp vùng và khu vực.

Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, An Giang chọn 58 công trình giao thông trọng điểm liên tỉnh, liên vùng và nội tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư, bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, với tổng vốn 3.695 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư 9 công trình giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh và nội tỉnh, với tổng vốn 5.511 tỷ đồng.

Đến đầu năm 2022, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, An Giang được Trung ương phân bổ 8.789 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án, thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giao thông, trong đó đã bố trí 8.539 tỷ đồng để thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua địa phận tỉnh An Giang). Tổng số vốn bố trí đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là 16.572 tỷ đồng, chiếm gần 54% trên tổng vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang Nguyễn Phú Tân thông tin: “Với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2020-2025 nhằm mục tiêu phục vụ du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh đầu tư 15 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đến nay đã triển khai thi công 15 công trình, tiến độ đạt từ 5 - 99%.

Các dự án trọng điểm, gồm: Nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang); nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 941, 949; xây dựng cầu Mướp Văn - Đường tỉnh 943; xây dựng cầu Sắt Giữa - Đường tỉnh 955B; xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; xây dựng cầu Kênh Xáng - Đường tỉnh 946; cầu số 10 nối Đường tỉnh 941 (huyện Châu Thành) với đường Nam Kênh 10 (huyện Châu Phú); nâng cấp mở rộng khẩn cấp Đường tỉnh 948 thuộc tuyến quốc phòng - an ninh vùng biên giới và dân tộc; tuyến đường Long Điền A - B (huyện Chợ Mới)...

Sở GTVT đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT đầu tư các dự án hạ tầng giao thông tiêu biểu góp phần thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh ngày càng phát triển, như: Xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang dài 57,2 km; triển khai tuyến N1 Tân Châu - Châu Đốc...

Tỉnh còn tranh thủ nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ duy tu, sửa chữa các tuyến đường Quốc lộ N1, 91C và 16km của Quốc lộ 91 (đoạn qua TP. Long Xuyên và hoàn thành việc nâng tải trọng cầu Hoàng Diệu, cầu Nguyễn Trung Trực trên tuyến Quốc lộ 91). Bộ GTVT còn thống nhất chủ trương chuyển các tuyến Đường tỉnh 848 (tỉnh Đồng Tháp), 942, 954, 952 (tỉnh An Giang) lên Quốc lộ 80B.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, kinh phí bố trí bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, Sở GTVT đã huy động nguồn lực xã hội hóa trên 350 tỷ đồng sửa chữa 60 danh mục công trình trên 3 tuyến quốc lộ và 19 tuyến đường tỉnh, đảm bảo giao thông thông suốt, không còn tái diễn sập hay hư cầu. Ngoài ra, Sở GTVT hỗ trợ vật tư, kỹ thuật, các huyện huy động Nhân dân đóng góp ngày công và thiết bị thi công xây dựng một số tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 24km, kinh phí trên 36 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GTVT An Giang Nguyễn Phú Tân cho biết, từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục tranh thủ các bộ, ngành để đầu tư các dự án: Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91 đi cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); tuyến tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (nối Đường tỉnh 945 và 947, huyện Châu Phú); xây dựng cầu Tôn Đức Thắng (kết nối từ TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng); xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự và hoàn thành việc chuyển các tuyến Đường tỉnh 848, 942, 954, 952 lên Quốc lộ 80B.

Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng; là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN... Đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh... Để đạt mục tiêu, việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đặt lên hàng đầu, gắn với đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp…

Chưa bao giờ An Giang ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như giai đoạn này. Đây là nền tảng, là điều kiện, là động lực to lớn, tạo lợi thế cho An Giang trong thu hút đầu tư, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phat-trien-ha-tang-giao-thong-tao-but-pha-phat-trien-a373669.html