Ấn Độ và Pakistan: Hai con bài chính trị quan trọng của Nga

Chính khả năng duy trì quan hệ đối tác mật thiết với cả Ấn Độ và Pakistan rất có lợi cho khát vọng địa chính trị ngày càng rộng lớn hơn của Nga.

Ấn Độ và Pakistan là hai con bài chính trị quan trọng của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA/TTXVN

Ấn Độ và Pakistan là hai con bài chính trị quan trọng của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: EPA/TTXVN

Đây là nhận định được đăng trên mạng tin The Diplomat qua bài viết của chuyên gia Samuel Ramani, phân tích về chiến lược ngoại giao cân bằng của Nga ở khu vực Nam Á.

Một quan chức cấp cao của quân đội Nga ngày 31/8 vừa qua cho biết Moskva sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Ấn Độ từ ngày 19-29/10 tới. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận quốc tế khi cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ và Nga lần này sẽ là sự phối hợp lần đầu tiên giữa ba binh chủng hải-lục-không quân.

Thời điểm Nga quyết định mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ cũng rất "hấp dẫn" bởi thông tin về cuộc tập trận trên chỉ được đưa ra vài ngày sau khi Pakistan tổ chức các cuộc đàm phán với Nga về việc mua máy bay chiến đấu hiện đại S-35.

Việc Nga quyết định tăng cường hợp tác quân sự đồng thời với cả Ấn Độ và Pakistan là một ví dụ điển hình về chiến lược cân bằng của nước này ở khu vực Nam Á.

Nếu thành công, chiến lược này sẽ góp phần làm nổi bật vị thế nước lớn của Nga khi nó cho thấy nước này có thể trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chiến lược cân bằng Nam Á của Nga cũng đảm bảo rằng cả New Delhi và Islamabad đều ủng hộ nỗ lực của Moskva nhằm ngăn chặn sự bất ổn ở Trung Á và Afghanistan.

Quan hệ đối tác với Ấn Độ và Pakistan đã được duy trì bằng nỗ lực của Nga để giải quyết hai thách thức an ninh quan trọng được các bên cùng quan tâm. Thách thức thứ nhất là chống chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia.

Trong khi các chính trị gia ở Ấn Độ thường nhấn mạnh sự ủng hộ của Pakistan (đối với khủng bố) như là một mối đe dọa lớn cho sự ổn định khu vực, các phương tiện truyền thông Pakistan lại đổ lỗi cho chủ nghĩa hồi giáo cực đoan đang nổi lên trong cộng đồng người Hồi giáo ở Ấn Độ.

Trong khi đó, Nga giữ quan hệ tốt với cả hai nước này bằng cách không đổ lỗi cho New Delhi và Islamabad về các mối đe dọa khủng bố đang diễn ra ở Nam Á.

Thay vì áp dụng "cách tiếp cận buộc tội" của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nga đề cập đến mối đe dọa khủng bố ở Nam Á bằng cách liên kết song phương với Chính phủ Ấn Độ và Pakistan về những lĩnh vực mà họ có thể thực hiện giải pháp xây dựng.

Với Ấn Độ, cách tiếp cận chống khủng bố của Nga tập trung vào việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuyên biên giới chặt chẽ hơn đối với sự xâm nhập và di chuyển của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Để thuyết phục Chính phủ Ấn Độ về cam kết của Moskva trong việc trấn áp những đối tượng hỗ trợ khủng bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ cuộc tấn công chống khủng bố của Ấn Độ tại Kashmir sau vụ tấn công ở Uri năm 2016 và công khai khen ngợi các chính sách chống khủng bố của New Delhi trong cuộc gặp với Thủ tướng Modi hồi tháng 6 vừa qua.

Trong khi sự ủng hộ của Nga đối với các chính sách chống khủng bố của Ấn Độ có nguy cơ gây tổn hại cho quan hệ song phương với Pakistan, Moskva đã làm giảm bớt lo ngại của Islamabad bằng cách nhấn mạnh đến sự cần thiết của Pakistan như một đối tác chống khủng bố ở Afghanistan.

Các quan chức Nga lập luận rằng tuyên bố thù địch của chính quyền Donald Trump đối với Pakistan gây nguy hiểm cho khu vực và Moskva đã tạo cho Pakistan một đặc trưng ngoại giao nổi bật trong các cuộc đàm phán hòa bình mà họ đã tổ chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan.

Hành động này đã trấn an các quan chức Pakistan về sự không thiên vị của Nga ở Nam Á và khiến Islamabad ủng hộ việc mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Nga tại Afghanistan.

Thách thức thứ hai (góp phần củng cố cơ sở chiến lược cân bằng Nam Á của Nga) là nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan vốn đã leo thang đáng kể vào năm 2016.

Giống như cách tiếp cận chống khủng bố, Nga đã áp dụng cách tiếp cận không can thiệp vào việc gia tăng xung đột ở Kashmir bằng việc từ chối sử dụng vị thế của Nga ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để lên án các hành động thù địch đang gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan.

Trong khi một số nhà phân tích cho rằng sự bỏ qua (của Nga) đối với vấn đề Kashmir trong HĐBA đã tạo sự ủng hộ giành cho Ấn Độ vì chính Pakistan đã kêu gọi LHQ lên án New Delhi về các tổn thất do các cuộc không kích gây ra ở Kashmir. Nga đã nhấn mạnh tới sự cân bằng trong cuộc xung đột này bằng cách tự cho rằng Moskva là một trung gian tiềm năng.

Khả năng làm trung gian hòa giải của Nga trong cuộc xung đột ở Kashmir đã trở nên rõ ràng hơn sau cuộc đối thoại giữa Tổng thống Putin và cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra hồi tháng 6 vừa qua.

Mặc dù Pakistan tỏ ra nhiệt tình hơn so với Ấn Độ về vai trò trung gian của Nga nhưng Moskva vẫn ủng hộ đối thoại song phương giữa New Delhi và Islamabad. Bên cạnh đó, việc chống các nghị quyết của các thể chế đa phương đã củng cố chiến lược cân bằng Nam Á của Nga.

Cho dù các mối quan hệ kinh tế và an ninh của Nga với Ấn Độ có ý nghĩa địa chính trị lớn hơn những gì Moskva liên kết với Islamabad, nhưng việc Nga sử dụng các cam kết song phương về chống khủng bố và đề xuất làm trung gian giải quyết căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan đã cho phép họ thực hiện chiến lược cân bằng hiệu quả ở khu vực Nam Á.

Nếu các chính trị gia Nga giúp xoa dịu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, các nhà hoạch định chính sách của Điện Kremlin có thể mở rộng khả năng tiếp cận của Moskva tới các thị trường mới vốn đóng vai trò quan trọng cho các thiết bị quân sự của Nga, làm nổi bật vị thế nước lớn của Nga trên trường quốc tế và thể hiện khả năng của Moskva trong việc tạo ra "ảnh hưởng hữu hình" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/an-do-va-pakistan-hai-con-bai-chinh-tri-quan-trong-cua-nga/57828.html