Ấn Độ từ bỏ hệ thống phòng không S-400 nhờ bí quyết 'thiết kế ngược'

Ấn Độ sẽ không tiếp tục mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, lý do là bởi New Delhi quyết tâm phát triển một phiên bản sao chép.

Ấn Độ tuyên bố khởi động chương trình quốc gia nhằm tạo ra tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa thay thế vai trò của S-400 Triumf, đó chính là Dự án Kusha.

Nhiệm vụ được giao cho Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và trong số những yêu cầu của vũ khí mới sẽ bao gồm tầm tiêu diệt mục tiêu lên tới 350 km, khả năng chống lại máy bay tàng hình cũng như tên lửa đạn đạo.

Chúng ta đang nói về việc tạo ra một tổ hợp phòng không tương tự nhưng hiệu quả hơn khi đặt cạnh S-400, đây là chiến lược Ấn Độ luôn theo đuổi nhằm tự chủ năng lực quốc phòng.

Đáng chú ý, việc tạo ra hệ thống phòng không tầm xa của riêng Ấn Độ được đưa ra trong một khung thời gian khá ngắn, vì những mẫu đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2028 - 2029 và tổng chi phí của dự án ước tính khoảng 2,5 tỷ USD.

Từ các chi tiết có sẵn, Ấn Độ có kế hoạch trang bị cho hệ thống phòng không này 3 loại tên lửa có tầm bắn 150, 250 và 350 km, trên thực tế họ sử dụng cách tiếp cận tương tự cách Nga làm với S-400.

Đồng thời, tuyên bố này đã cho thấy Ấn Độ không mong muốn tiếp tục nhận S-400 theo hợp đồng ký vào năm 2018 với số lượng 5 trung đoàn với giá trị lên tới 5,43 tỷ USD.

Thương vụ bị cản trở không chỉ bởi Liên bang Nga không thể thực hiện hợp đồng (thời hạn đã hết vào năm 2023), mà còn bởi Moskva không sẵn sàng hỗ trợ công nghệ để New Delhi sản xuất tại chỗ.

Một kịch bản được nhắc tới là Nga sẽ tiếp tục cung cấp S-400 cho Ấn Độ dưới "vỏ bọc" hệ thống tên lửa phòng không nội địa Kusha, nhưng điều này bị xem là thiếu tính thực tế.

Thứ nhất, thời hạn giao hàng bắt đầu từ năm 2028, tất nhiên là khoảng thời gian khá ngắn nhưng chắc chắn không tương ứng với kịch bản ngụy trang vũ khí của Nga thành vũ khí của Ấn Độ.

Thứ hai, Điện Kremlin thường công bố bất kỳ hợp đồng xuất khẩu vũ khí nào một cách rầm rộ. Thứ ba, Liên bang Nga không mong muốn đối tác nội địa hóa một trong những mặt hàng chính của ngành công nghiệp quốc phòng mình.

Và cuối cùng, trong khoảng thời gian gần đây, Ấn Độ đã thực hiện một dự án chung với Israel đó là nội địa hóa hệ thống phòng không MR-SAM, hay đúng hơn là chuyển đổi Barak 8 "trên biển" thành phiên bản trên bộ.

Điều này có nghĩa là đã ghi nhận sự hợp tác thành công và lâu dài với một quốc gia khác, thực tế trên sẽ giúp ích Ấn Độ rất nhiều trong việc tạo ra một hệ thống phòng không tương tự S-400.

Nhưng Ấn Độ sẽ cần nỗ lực đáng kể trong việc tạo ra hệ thống phòng không tương tự S-400 của riêng mình, họ có thể làm điều đó nhờ kỹ thuật đảo ngược khi nghiên cứu vũ khí mua từ Liên bang Nga.

Theo dự đoán, Ấn Độ có thể sẽ tháo dỡ tổ hợp S-400, nhìn và làm giống như Trung Quốc vào giữa những năm 1990 - nước sau khi mua S-300 đã tạo ra "người anh em song sinh" HQ-9.

New Delhi hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó trong 5 năm nếu phân bổ nguồn lực xứng đáng cho nhiệm vụ. Khi đó, kết quả là Ấn Độ sẽ không chỉ có được tổ hợp phòng không tầm xa của riêng mình mà còn có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/an-do-tu-bo-he-thong-phong-khong-s-400-nho-bi-quyet-thiet-ke-nguoc-post557158.antd