Ấn Độ làm 'cầu nối' Đông - Tây?

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới với việc các nước lớn đang hướng tới các lợi ích và xây dựng chiến lược của mình tại đây. Bởi vậy, vai trò 'cầu nối' từ Tây sang Đông của Ấn Độ ngày càng nổi bật...

Không phải ngẫu nhiên bên lề Đối thoại Raisina 2021 được tổ chức thường niên theo sáng kiến của Ấn Độ lại diễn ra cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Ấn Độ, Pháp và Australia. Có thể nói, cuộc gặp lần đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa 3 nước tạo điểm nhấn quan trọng cho Đối thoại Raisina diễn ra từ ngày 13 đến 16-4. Ngoài việc giúp thúc đẩy 3 nước trở nên gắn bó hơn trong bảo vệ lợi ích chung, cuộc gặp này cho thấy sự dịch chuyển trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ theo hướng xích lại gần châu Âu hơn. Trong nỗ lực thúc đẩy Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, Ấn Độ đã và đang thúc đẩy một loạt chương trình nghị sự song phương và đa phương, bao gồm với “lục địa già”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (thứ 4, từ trái qua) và các đại biểu tại Đối thoại Raisina 2020 ở New Delhi. Ảnh: PTI

Với những ưu tiên trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm: An ninh biển, hợp tác công nghệ và thương mại, kết nối, vận tải biển... cách tiếp cận của Ấn Độ giờ đây đã bao trùm một phạm vi rộng lớn hơn, không chỉ thúc đẩy hợp tác trong nội bộ khu vực. Thông qua sáng kiến này, Ấn Độ không hề che giấu ý định trở thành quốc gia chủ trì và điều phối hợp tác cả ở quy mô song phương và đa phương. Và Đối thoại Raisina 2021 nhằm thúc đẩy sáng kiến chính là một cơ hội để Ấn Độ và các nước lớn như Pháp và Australia thúc đẩy hợp tác. Ở diễn đàn này, các nước lớn có dịp đưa ra chiến lược can dự của mình vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc Bộ trưởng Ngoại giao Pháp có bài phát biểu tại Đối thoại Raisina 2021 và công bố một số ưu tiên đối ngoại mới của Pháp, bao gồm sẽ can dự nhiều hơn vào các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy bước thay đổi chiến lược không chỉ của Pháp mà còn của cả châu Âu, sau những thăng trầm hơn một năm qua ở “lục địa già”.

Với những động thái như vậy, nước chủ nhà Ấn Độ đã có dịp làm nổi bật vai trò “cầu nối” Đông-Tây của mình. Đối thoại Raisina 2021 mặc dù được tổ chức trực tuyến nhưng thu hút sự tham gia của đông đảo các quan chức cấp cao trên thế giới cùng nhiều chuyên gia nhằm thảo luận những vấn đề cấp bách toàn cầu.

Trong định hướng thúc đẩy hợp tác với châu Âu của Ấn Độ, giới chuyên gia cho rằng, quốc gia này nên bắt tay một cách “thực dụng” với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trên trang The Indian Express ông Raja Mohan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết trong những năm gần đây, Ấn Độ đã phá bỏ nhiều “định kiến chính trị” trong chính sách đối ngoại của mình với các nước phương Tây, nhưng nước này chưa thể thực hiện được việc đối thoại với NATO. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, việc Ấn Độ từ chối bắt tay với NATO xuất phát từ quan điểm “không liên kết”. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có các cuộc trao đổi, hợp tác quân sự với nhiều thành viên riêng lẻ của NATO, bao gồm: Mỹ, Anh và Pháp theo hình thức song phương. Chuyên gia Raja Mohan cho rằng, việc đối thoại với NATO phải là một phần quan trọng trong chiến lược châu Âu của Ấn Độ. Và trên thực tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cho thấy những nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng trì trệ chính trị kéo dài với “lục địa già” suốt nhiều năm qua. Trong đó phải kể tới quan hệ đối tác hàng hải ngày càng sâu sắc với Pháp kể từ năm 2018. Việc năm 2019, Ấn Độ tham gia Liên minh đa phương với Pháp và Đức là một ví dụ khác cho thấy, Ấn Độ đang dần xích lại gần châu Âu hơn.

Chuyên gia Mohan nhận định, dường như New Delhi đã sẵn sàng cho một nỗ lực mới mạnh mẽ trong hợp tác với châu Âu vào năm nay. Tuy nhiên, với NATO, cần phải tìm cách tiếp cận hiệu quả hơn vì cho đến nay, NATO không đề xuất kết nạp Ấn Độ và có vẻ New Delhi cũng chẳng mặn mà với việc này. Trên thực tế, để đóng bất kỳ vai trò nào ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu và NATO đều cần các đối tác như Ấn Độ. Và hơn ai hết, New Delhi hiểu rằng không một cường quốc nào có thể tự mình tạo ra sự ổn định và bảo đảm an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhu cầu xây dựng liên minh của Ấn Độ bộc lộ rõ khi New Delhi thể hiện sự nhiệt tình với nhóm bộ tứ gồm: Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Và cả các bên sẽ cần phải tìm ra thêm những sự đồng điệu kiểu như vậy.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/an-do-lam-cau-noi-dong-tay-656943