Ẩm thực đường phố: nét duyên đất Hà thành

Với những gánh hàng rong, quán xá vỉa hè, ẩm thực đường phố từ lâu đã trở thành một phần hồn Hà Nội. Chưa vội bàn đến hương vị món ăn, nét đẹp “tam bình” riêng có ở những không gian này cũng đã đủ để thương để nhớ trong lòng người bao thế hệ.

Bình dị

Không phô trương, sang trọng và bề thế như nhiều nhà hàng hiện đại, quán ăn vỉa hè chọn cho mình một góc nhỏ xinh bên lề phố để kinh doanh. Cả “tiệm ăn” thu gọn lại trong một gánh bún, chõ xôi,... và dăm bảy chiếc ghế nhựa, có chăng là thêm tấm biển thủ công (viết tay trên bìa cứng) để quảng cáo. Đó là với những quán lâu năm, có tiếng và nhiều “khách quen”, còn gánh hàng rong thì đơn giản hơn với tiêu chí “khách đâu bán đó”, ngày ngày long đong, xuôi ngược khắp mọi nẻo đường.

Quán vỉa hè với những chiếc ghế nhựa nhỏ

Nằm khiêm tốn trên đường Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, quán chè tự chọn của chị Vũ Thị Tuyết là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ. Quán chỉ gồm hai bàn nhỏ để bày các nguyên liệu và chục chiếc ghế nhựa xanh, vừa là ghế vừa là bàn cho khách. Chị cho hay: “Phần vì không gian có hạn, phần vì quán chủ yếu làm chè theo công thức truyền thống nên nguyên liệu khá gọn, không cần bày vẽ nhiều, hai chiếc bàn thế này thôi là vừa đủ”.

Đúng như lời chị Tuyết, quán ăn vỉa hè thường bày bán những thức quà rất đỗi bình dị, thân quen như xôi, chè, bún, cháo hay tào phớ... Thay vì cầu kỳ trong khâu chọn lựa phụ gia và trang trí, sức hấp dẫn của những món ăn này lại nằm ở chính hương vị đồng nội, mộc mạc mà gần gũi từ quê hương. Bạn Hoàng Thảo Linh (THPT Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: “Thực đơn ở các tiệm ăn nhanh tuy rất hấp dẫn, mới lạ và bắt mắt, nhưng mình vẫn thường ghé tới quán ăn vỉa hè, bởi hương vị của nó đúng chất truyền thống, cảm giác thân thuộc như đang thưởng thức món ăn do bà và mẹ ở nhà nấu vậy.”

Một quán chè tự chọn trên vỉa hè

Bình dân

Phải nhấn mạnh rằng “bình dân” ở đây là giá cả bình dân, chứ không phải hàm ý dành cho người bình dân như nhiều người vẫn lầm tưởng. Quán xá bình dị, thức quà quê hương, lẽ dĩ nhiên đồ ăn vỉa hè được bán với giá rất phải chăng, phù hợp với túi tiền của mọi người, từ học sinh, sinh viên đến người lao động,… Chưa kể quán ăn vỉa hè không phải mất tiền thuê mặt bằng đắt đỏ như nhiều cửa tiệm khác, bởi vậy mà chi phí cũng giảm bớt đi phần nào. Mỗi ngày dành ra một chút tiền lẻ thôi là bất cứ ai cũng có thể “lê la” quán xá, thưởng thức ẩm thực đường phố thơm ngon, phong phú cả về thức loại, hương vị và màu sắc.

Anh Lê Ngọc Hưng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Ghé nhà hàng để ăn sáng, uống cà phê cũng có cái thú riêng. Nhưng cá nhân tôi vẫn thích thưởng thức mấy món thân quen như bún, cháo của quán vỉa hè ngay đầu phố. Hương vị món ăn ở đó luôn vẹn nguyên như thế bao năm nay, rất ngon và rất riêng. Chưa kể chủ tiệm luôn pha sẵn một ấm chè tươi để khách sau khi ăn có thể nhâm nhi, hàn huyên cùng bè bạn.”

Thức uống vỉa hè cũng là một “món” hấp dẫn của ẩm thực đường phố

Giá cả bình dân không có nghĩa chất lượng bình dân, quán ăn vỉa hè luôn ghi điểm với thực khách bởi tay nghề khéo léo, hương vị dân dã, mộc mạc mà xao xuyến lòng người. Mang theo hơi thở truyền thống, dư vị của quê hương, những món ăn đường phố này dù không mới lạ, cách tân nhưng vẫn đủ khiến người ta ăn một lần vẫn nhớ. Bởi vậy mà sau những kiếm tìm, khám phá ẩm thực hiện đại, ai ai cũng không quên tìm về với những thức quà quê, dung dị, giản đơn nhưng hương vị đặc trưng và không hề thua kém.

Những quà bánh gắn bó với tuổi thơ

Bình đẳng

Hiếm có không gian ẩm thực nào thể hiện tính cộng đồng và bình đẳng như các quán ăn đường phố. Giá cả bình dân, hương vị lại được lòng số đông, nên thực khách tìm đến tiệm ăn vỉa hè rất đa dạng cả về giới tính, lứa tuổi, ngành nghề cũng như địa vị xã hội. Tuy nhiên, trong vị thế của “người mua” thì tất cả họ ai cũng như ai, mọi khoảng cách đều xóa nhòa khi không gian của quán khiến những con người ấy quần tụ lại với nhau, cùng thưởng thức, trò chuyện và chia sẻ. Màu áo trắng sinh viên xen giữa màu áo xanh bạc sờn của người làm thuê, bốc vác; những chiếc mũ công nhân thấp thoáng đâu đó giữa những bộ đầm, sơ mi công sở,…sự pha trộn, hòa nhập ấy ấy đã không còn xa lạ với những quán ăn vỉa hè!

Mọi thực khách đều như nhau khi đến với quán ăn vỉa hè

Nói thế cũng có nghĩa, cái làm nên tính bình đẳng trong ẩm thực đường phố chính là cách người ta ngồi thưởng thức món ăn. Dù là đứng, ngồi ghế thấp hay thậm chí “bệt” thì ẩm thực đường phố đều tạo ra một không gian rất gần gũi, thoải mái và tự nhiên giữa người với người. Quán xá vỉa hè không phải là nơi để con người ta bó hẹp, thu mình trong một góc riêng, tách biệt tối đa với thế giới. Thay vào đó, nó là một môi trường cởi mở, linh hoạt và không thể thiếu đi sự giao tiếp. Mọi người hòa mình vào những câu chuyện trong khi thưởng thức đồ ăn, cũng không ít trường hợp nhờ quán xá vỉa hè mà kết thêm được nhiều bạn bè mới.

Thực khách quây quần bên một xe hàng rong

Nhiều người cực đoan cho rằng cần phải xóa bỏ loại hình kinh doanh vỉa hè, vì những quán hàng này không phù hợp với hình ảnh một thủ đô phát triển và hiện đại, chưa kể cái cách người ta lê la quán xá, ăn ngay trên hè phố sẽ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhưng bỏ sao được khi có đó là những nét đẹp truyền thống, những dấu ấn gợi nhớ ký ức một thời, bỏ sao được khi hương vị ấy nhiều người vẫn yêu, vẫn nhớ? Tạm gạt bỏ những quán ăn vỉa hè lấy mục đích lợi nhuận làm đầu, khong chú trọng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, những quán hàng kinh doanh văn minh, vẫn còn đó với nét đẹp “tam bình”, nét đẹp của một Hà Nội xua không thể trộn lẫn. Đấy là chưa kể, “kinh tế vỉa hè” lại còn là “bộ đệm” đáp ứng bài toán công ăn việc làm, là tấm bình phong che chắn tác động dữ dội của những cơn khủng hoảng mà hệ thống an sinh chưa giải quyết được.

Linh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-am-thuc/am-thuc-duong-pho-net-duyen-dat-ha-thanh