Ẩm thực Đồng Nai trong dòng chảy văn hóa phương Nam

Đông Nam bộ là khu vực thu hút người nhập cư đông nhất cả nước đến làm việc và sinh sống như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Thế nhưng, để trở thành nơi an cư lạc nghiệp và hình thành những cộng đồng dân cư mang bản sắc văn hóa, ẩm thực các vùng miền thì có lẽ Đồng Nai là mảnh đất được nhiều cộng đồng dân di cư lựa chọn.

Đầu bếp đến từ Tiền Giang tham gia Hội thi ẩm thực Hương sắc Đồng Nai năm 2023

Trong đó, đặc trưng văn hóa ẩm thực với những món đặc sản quê hương được gìn giữ không chỉ bởi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mà đó còn là nghề giúp họ mưu sinh, mang lại cuộc sống ấm no nơi xứ lạ. Theo thời gian, các cộng đồng dân nhập cư đã hình thành nên những vùng sản xuất đặc sản nổi tiếng, thậm chí có nơi trở thành vùng có món ăn đặc sản nổi danh cả khu vực Đông Nam bộ và miền Nam.

Vùng đất lưu giữ đặc sản

Trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 325 năm, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được mệnh danh là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa từ khắp các vùng miền trong cả nước. Đó cũng là quãng thời gian để vùng đất mới Đồng Nai tạo nên những giá trị ẩm thực đặc sắc, gắn liền với mỗi vùng miền như: vùng sản xuất chả giò Gia Kiệm với phong vị Bắc tại H.Thống Nhất; vùng đặc sản món ngon xứ Quảng của miền Trung dọc theo quốc lộ 1 tại địa bàn H.Xuân Lộc; vùng làng nghề truyền thống bánh đa, bánh gai miền Bắc ở khu vực P.Hố Nai (TP.Biên Hòa); các vùng người Hoa với những món ngon Trung Hoa tại H.Định Quán và TP.Biên Hòa…

Đặc biệt, ngay tại TP.Biên Hòa, thành phố chiếm 1/3 dân số của tỉnh và là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số lớn nhất Việt Nam, được người dân Đồng Nai ví như “kinh đô ẩm thực 3 miền”, bởi sự hội tụ của người dân nhập cư từ mọi miền Tổ quốc về đây sinh sống và làm việc. Ngoài đặc sản xứ Đồng Nai như: xôi chiên phồng, gỏi bưởi Tân Triều, gỏi cá Tân Mai…, du khách muốn ăn các món đặc sản miền Bắc - Trung - Nam đều có thể dễ dàng tìm được. Chẳng hạn, nếu muốn ăn những món Bắc có thể tìm đến khu vực phường: Hố Nai, Trảng Dài, Long Bình để thưởng thức các món bánh chưng, bánh đúc, phở Bắc và các món ăn thường ngày được chế biến mang phong vị chuẩn Bắc; nếu nhớ miền Trung thì có thể tìm đến các quán mì quảng, chè huế, bún bò huế… trên các tuyến đường Võ Thị Sáu, khu vực P.Tân Phong; còn muốn ăn món miền Nam có thể dễ dàng hơn trên các tuyến đường của thành phố với các món đặc sản: bánh xèo miền Tây, bánh tét, phở, hủ tíu Sài Gòn…

Đầu bếp Lê Văn Hiển, chủ Nhà hàng tiệc cưới Duy Hiển tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa), nơi có nhiều người dân nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đang sinh sống cho biết, khi đến Đồng Nai sinh sống và làm việc, người dân các vùng, miền cơ bản cũng đã có sự thay đổi khẩu vị ăn uống để phù hợp với địa phương. Do đó, khi chế biến các món ăn, người đầu bếp phải hiểu được phong tục, cách ăn của từng vùng, miền. Thậm chí, các đầu bếp phải trực tiếp đến các vùng, miền để tìm hiểu về các món ăn để hiểu và chế biến cho phù hợp với nhu cầu của khách. Lâu dần thành thói quen, các món ăn được du nhập vào Đồng Nai nhiều hơn mỗi ngày, góp phần tăng thêm sự phong phú cho vùng đất hội tụ những giá trị ẩm thực trong dân gian. Theo anh Hiển, thay đổi để thích ứng với nơi mới đã tạo nên sự giao thoa, gần gũi trong văn hóa ẩm thực các vùng miền. Đây là đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của xứ Đồng Nai.

Theo Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN, năm 2024 và 2025 sẽ là thời gian ngành du lịch có nhiều chuyển biến, tạo đà để tăng tốc về đích vào cuối năm 2025. Do đó, ngành du lịch đòi hỏi các ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Đồng Nai phải cùng chung tay tạo nên những giá trị, chất liệu để hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Ẩm thực góp phần quảng bá hình ảnh quê hương

Vùng đất phương Nam trẻ trung, năng động là nơi gặp gỡ, giao thoa nhiều bản sắc văn hóa. Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất phương Nam là điểm đến, gắn kết các dân tộc, vùng, miền, đã tạo nên một phương Nam hội tụ, hào sảng và bao dung. Nơi mà mọi thứ đều có thể hòa hợp chung thành một dòng chảy, đó là dòng chảy phương Nam với những giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc.

Các món ăn dân dã của Đồng Nai góp phần làm phong phú cho ẩm thực Đông Nam bộ

Hòa trong dòng chảy của sự phát triển vùng đất phương Nam, Đồng Nai với những lợi thế về thiên nhiên, là cửa ngõ kết nối giao thông đến các vùng, miền trong cả nước, đã đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đầu tàu về phát triển công nghiệp từ hàng chục năm nay. Đặc biệt, thời gian tới, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, hệ thống giao thông cấp vùng được kết nối, Đồng Nai sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, du lịch và ẩm thực. Không bỏ lỡ cơ hội, ngành du lịch Đồng Nai đang nỗ lực tìm kiếm, xây dựng những sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Đồng Nai hiền hòa, đáng sống trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh chia sẻ, năm 2023, Hiệp hội Du lịch Đồng Nai đã tập hợp các đầu bếp chuyên nghiệp trong tỉnh và ra mắt Chi hội Đầu bếp tỉnh với mong muốn các đầu bếp của Đồng Nai cùng nhau liên kết, đưa ẩm thực Đồng Nai lên tầm cao mới. Đặc biệt, Hiệp hội Du lịch đang có kế hoạch kết nối, tổ chức cho các đầu bếp đi thực tế trong dân gian để tìm hiểu, khám phá và xây dựng nên bản đồ ẩm thực dân gian từng địa phương. Đây sẽ là chất liệu để ngành du lịch khai thác, quảng bá, gắn kết với các sản phẩm du lịch địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch ẩm thực bền vững, mang đậm bản sắc địa phương qua việc trải nghiệm những giá trị văn hóa và du lịch.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/am-thuc-dong-nai-trong-dong-chay-van-hoa-phuong-nam-56131fb/