Ðảm bảo chính sách cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Cùng với việc triển khai các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ), kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh còn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với những người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ðại diện Công đoàn Viên chức tỉnh thăm, tặng quà đoàn viên Phạm Thị Út (Công đoàn cơ sở Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên) bị tai nạn lao động với tỷ lệ thương tật trên 30% nhân dịp Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, trong khu vực có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm chết 1 người, thương nặng 1 người, thương nhẹ 3 người (giảm 2 vụ so với năm 2021). Ở khu vực không có hợp đồng lao động xảy ra 76 vụ tai nạn lao động, làm chết 3 người, thương nặng 39 người. Các vụ tai nạn chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình dân dụng... Tai nạn lao động xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng, sức khỏe của người lao động mà còn khiến gia đình họ trở nên khó khăn do mất đi người thân, mất đi trụ cột kinh tế, nhiều trường hợp rơi vào tình trạng đói nghèo.

Thực hiện các giải pháp đảm bảo ATVSLÐ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác ATVSLÐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật về ATVSLÐ, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động. Ðối với trường hợp xảy ra tai nạn lao động, cơ quan chức năng tổ chức điều tra, kết luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế tại các đơn vị và xử lý đúng quy định của pháp luật. Các ngành liên quan kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người bị tai nạn lao động. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh cũng chú trọng tập huấn ATVSLÐ cho người lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLÐ ở doanh nghiệp được tăng cường, giúp đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Trong năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện 1 cuộc thanh tra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại 4 doanh nghiệp. Qua thanh tra đã phát hiện 11 thiếu sót, đồng thời đã yêu cầu các đơn vị khắc phục, xử lý trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra. Ðồng thời, Sở Y tế kiểm tra, giám sát công tác ATVSLÐ tại 194 cơ sở, doanh nghiệp; Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, thành phố thực hiện kiểm tra tại 37 cơ sở, doanh nghiệp kiểm tra về công tác bảo hộ lao động... Sau các cuộc thanh tra, kiểm tra, các đơn vị, doanh nghiệp đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế của công tác ATVSLÐ. Ðiều kiện, môi trường làm việc của người lao động được cải thiện, các yếu tố nguy hiểm, độc hại dần được khắc phục, công tác ATVSLÐ ngày càng đi vào nền nếp và trở thành hoạt động thường xuyên của đơn vị, doanh nghiệp.

Ðảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các doanh nghiệp để giải quyết các chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng năm cũng dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, tết, các cơ quan, ban, ngành thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân lao động bị tai nạn lao động cũng như thân nhân của họ nhằm san sẻ phần nào những thiệt thòi, khó khăn với người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLÐ đến từng đơn vị, doanh nghiệp, người lao động; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Tuy nhiên, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp phải chú trọng phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động. Bản thân người lao động cũng cần chủ động theo dõi, bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, góp phần thực hiện tốt chính sách đối với những người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/209060/%C3%B0am-bao-chinh-sach-cho-nguoi-bi-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep