Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện

Nhờ sự kết nối của cộng đồng mạng và các tổ chức, các nhà hảo tâm, bé Hồ Thị Anh Thư, ở thôn Ra Po, xã Xy, Hướng Hóa đã được hỗ trợ chữa bệnh sau hai năm sống chung với sự đau đớn, khó chịu của căn bệnh viêm da. Gia đình bé có ngôi nhà mới, được tặng thêm đàn dê để ba mẹ có nguồn thu nhập nuôi dạy con tốt. Món quà ý nghĩa đã mở ra một trang đời mới tươi sáng cho bé Thư và gia đình.

Vợ chồng chị Hồ Thị Nghiêm và các con bên ngôi nhà mới khang trang - Ảnh: T.T

Vợ chồng chị Hồ Thị Nghiêm và anh Hồ Văn Thông sinh được hai đứa con, trong đó con gái út Hồ Thị Anh Thư mắc bệnh viêm da nặng. Từ khi lên một tuổi, bé Thư thường xuyên bị ngứa từ đầu đến chân, chị Nghiêm mua thuốc cho con bôi và uống nhưng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng thêm. Khi cơ thể bị viêm nhiễm, lở loét nặng, bé Thư thường xuyên bị sốt, quấy khóc suốt ngày đêm. Hai vợ chồng chị Nghiêm đưa con về Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa trị. Tuy nhiên, ra viện được một thời gian thì bệnh tình bé Thư lại tái phát, thậm chí diễn biến nặng hơn. “Gia đình đem con đi bệnh viện tỉnh chữa trị hai lần rồi nhưng vẫn không khỏi, không biết phải làm thế nào. Nghe mọi người khuyên, vợ chồng tôi cũng muốn mang con ra Hà Nội chữa trị nhưng không có tiền nên lúc đó phải đưa con về nhà”, anh Hồ Văn Thông nói.

Tháng 3/2021, trường hợp của bé Anh Thư may mắn được nhóm thiện nguyện của anh Trần Đức, ở Cam Lộ biết đến và tìm cách giúp đỡ. Anh Đức kể lại: “Tôi tình cờ đọc được thông tin và hình ảnh vợ chồng anh Thông ôm con khóc, đứa bé thì bị lở loét khắp người rất thương tâm nên đã tìm cách kết nối để giúp đỡ. Với sự hỗ trợ của các anh em trong hội thiện nguyện, chúng tôi đã đến tận gia đình đón cháu bé về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xin giấy chuyển viện để đưa đi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tôi còn nhớ khi tiếp nhận trường hợp cấp cứu này, các bác sĩ nói rằng chỉ cần để chậm hai ngày nữa, cháu bé sẽ bị nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng”.

Hơn hai tháng kiên trì điều trị bằng phương pháp tây y và kết hợp cả đông y, bệnh viêm da của bé Thư đã tiến triển tốt. Chi phí điều trị, ăn ở của bé và mẹ tại Bệnh viện Trung ương Huế được nhóm thiện nguyện kêu gọi hỗ trợ toàn bộ hơn 50 triệu đồng. Anh Đức cho biết, để căn bệnh được chữa khỏi hoàn toàn thì bé Anh Thư cần điều trị thêm liệu trình đông y, hiện tại cháu bé đã về nhà, được hướng dẫn bôi thuốc và tắm bằng nước lá.

Câu chuyện được hỗ trợ chữa bệnh của bé Thư không chỉ dừng lại ở đó. Khi đi tìm hiểu về trường hợp bé Anh Thư, nhóm thiện nguyện được biết, gia đình em là hộ nghèo của xã. Cả gia đình ở trong một ngôi nhà sàn cũ nát, đến cái cột dựng nhà cũng mượn tạm một người cháu. Nhóm thiện nguyện của anh Trần Đức, nhóm Nối vòng tay thiện nguyện 74 của anh Đỗ Minh Thắng và nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân khác đã liên kết kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ gia đình bé Thư. Từ những thông tin này, Quỹ “Children Are Innocent” đã kết nối hỗ trợ cho gia đình bé Anh Thư một ngôi nhà, giếng nước và bể nước sạch cộng đồng, mô hình nuôi dê và ngan gồm 5 con dê, 30 con ngan để có thu nhập thường xuyên. Anh Đỗ Minh Thắng, người trực tiếp phụ trách khâu thiết kế và thi công ngôi nhà cho biết: “Khi đi khảo sát thực tế, chúng tôi đã bàn bạc và quyết định lựa chọn vật liệu mới để xây dựng ngôi nhà, không sử dụng vật liệu gỗ truyền thống nhằm hướng cho người dân ý thức không khai thác gỗ rừng làm nhà, góp phần bảo vệ môi trường. Vẫn giữ thiết kế là nhà sàn truyền thống nhưng sử dụng tôn chống nóng làm mái nhà, tường làm bằng bê tông nhẹ, sàn bằng tấm xi măng cemboard nước trên khung thép và bê tông, đây là loại nguyên vật liệu chống cháy, chịu nước, không bị mục”.

Với thiết kế hai phòng ngủ riêng biệt, một phòng khách, có bồn rửa bát, phòng tắm và nhà vệ sinh ở dưới chân cầu thang, ngôi nhà sử dụng nguyên vật liệu hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nhà sàn - văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Trị. Đặc biệt, thay vì bố trí chỗ nấu bếp ngay trên sàn nhà, gia đình đã đồng ý để đưa bếp xuống bên dưới, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa an toàn trong khâu phòng cháy. Chị Nghiêm phấn khởi cho biết, từ khi chuyển lên ở nhà mới, ngày nào cũng có người đến tham quan nhà và khen ngôi nhà đẹp, lạ, là ngôi nhà duy nhất trong thôn có nhà vệ sinh khép kín. Các tổ chức và mạnh thường quân hỗ trợ giếng nước, bể nước sinh hoạt cộng đồng để gia đình chị Nghiêm và các hộ dân trong thôn có nước sạch sinh hoạt. Đồng thời, vợ chồng chị Nghiêm được tặng đàn dê, ngan, được hỗ trợ làm chuồng trại vệ sinh để chăn nuôi. Tổng giá trị gói hỗ trợ gồm nhà ở, phương tiện sinh kế và chi phí chữa bệnh là gần 300 triệu đồng. Đây chính là tài sản mà chưa bao giờ đôi vợ chồng trẻ dám nghĩ đến. “Nếu không được hỗ trợ làm nhà mới, gia đình tôi không biết đến bao giờ mới có được ngôi nhà đẹp như thế này để ở. Có giếng nước, bể nước sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp cho gia đình và người dân xung quanh có nguồn nước sử dụng hằng ngày. Tôi cũng được các bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng về cách phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chú ý chăm sóc con cái để bệnh cũ không tái phát”, chị Nghiêm xúc động nói.

Vợ chồng Nghiêm và các con đã dọn vào ở ngôi nhà mới được gần hai tháng. Vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng vui sướng, chị Nghiêm nói rằng gia đình mình sẽ có ý thức gìn giữ ngôi nhà mới thật sạch đẹp. Từ nay, cuộc sống của hai vợ chồng anh chị sẽ bận rộn hơn vì phải chăm sóc đàn ngan, đàn dê thật tốt để có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158592&title=am-ap-nhung-tam-long-thien-nguyen