Ám ảnh với những hung thần đường phố

Ngay sau vụ tai nạn kinh hoàng sáng sớm 7.5 tại Gia Lai khiến 13 người tử vong, có một thông tin khiến nhiều người lạnh gáy: Từ tháng 4 và tuần đầu tiên của tháng 5, trên cả nước đã có hàng chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều có tác nhân là xe tải, xe container.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Gia Lai sáng 7.5. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Ý thức kém của lái xe, chế tài nhẹ, quản lý lỏng lẻo của chính các doanh nghiệp được cho là nguyên nhân khiến nhiều xe tải, xe container đã và đang là hung thần đường phố.

Tử thần khi rạng sáng

Theo ghi nhận của Lao Động, chỉ trong 7 ngày của tháng 5.2017, gần như ngày nào cũng có tai nạn giao thông mà thủ phạm là các xe tải, xe container. Trước vụ tai nạn tại Gia Lại, vào ngày 6.5 tại đường ĐT743, thuộc phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và xe container khiến tài xế xe khách Nguyễn Văn Hùng tử vong ngay tại chỗ trong xe, phụ xe khách bị thương…

Theo con số của Cục Cảnh sát giao thông, từ tháng 4.2016 đến tháng 5.2017 có đến 7 vụ tai nạn giao thông do xe đầu kéo chở container khi đang lưu thông trên đường bị tuột rơmoóc. Điều này cũng cho thấy, mặc dù xe container khó vận hành nhưng lỗi do xe không nhiều.

Cách đây hai năm, khi số vụ tai nạn liên quan đến xe tải, xe container cũng tăng đột biến, các chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân, chủ yếu là do con người. Lãnh đạo Hiệp hội vận tải TPHCM cho rằng, một trong những nguyên nhân là do thiếu tài xế có bằng FC (được phép lái các loại xe đầu kéo) quá thiếu cho nên các doanh nghiệp phải “vơ bèo, vợt tép”, tuyển nhiều tài xế thiếu kinh nghiệm, thậm chí “ngó lơ” cho tài xế dùng bằng FC giả, hoặc tự động “đôn” tài xế xe tải thường thành tài xế container.

Một nguyên nhân khác, là do nhiều doanh nghiệp không thường xuyên chăm sóc, khám sức khỏe cho tài xế. Lái xe đầu kéo container, xe tải rất vất vả, đòi hỏi có sức khỏe tốt và thần kinh vững. Ngoài ra, làm việc trong môi trường cảng, kho hàng, việc chủ yếu về đêm, lái xe liên tục nhiều giờ, giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi không đảm bảo cũng là nguyên nhân tiềm ẩn khiến cho các vụ tai nạn đang tăng lên. Đó là chưa kể, nghề lái xe có môi trường nhiều cám dỗ, phức tạp. Không ít vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân là do tài xế sử dụng chất kích thích, cao hơn là dùng ma túy khi vận hành.

Chia sẻ với phóng viên, anh T.V.Sáng - chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hòa Bình - thừa nhận hiện tượng lái xe dùng chất kích thích để duy trì sự tỉnh táo khi lái xe thông đêm là có và không dễ kiểm soát dù các lái xe về lý thuyết sẽ phải kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần.

Tuy nhiên, hiện tượng này tập trung chủ yếu vào các lái xe chạy đường trường liên tục trong vài ngày. Đề nghị giấu tên, một lái xe container thường xuyên chạy xuyên Việt cho biết áp lực với lái xe là rất lớn vì họ phải đảm bảo thời gian giao hàng trong khi chỉ vận hành chủ yếu ban đêm. “Nhẹ nhàng thì chè, thuốc lá, cà phê để duy trì sự tỉnh táo, còn cũng có người xài thêm thuốc. Các chủ xe có thể biết hoặc không nhưng cái họ quan tâm là hàng họ đến đúng giờ còn cần gì thì đã làm luật rồi” - lái xe này cho biết.

Làm gì để các hung thần không còn là nỗi ám ảnh

Chia sẻ với PV Báo Lao Động ngày 8.5, chuyên gia Phạm Sanh cho rằng chế tài nhẹ và thông tin không rõ ràng là những yếu tố khiến nhiều lái xe tải, xe khách coi thường luật lệ, vi phạm quy định giao thông rồi gây tai nạn. Lý giải về điều này, chuyên gia này phân tích rằng khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông nói chung và tai nạn do xe tải, xe khách nói riêng, các cơ quan chức năng không đưa ra thông tin cụ thể về nguyên nhân cũng như cách xử lý với những đối tượng vi phạm nên không có tác dụng tuyên truyền răn đe để góp phần ngăn chặn các thảm họa tương tự.

Bên cạnh đó, chế tài cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng như đi ngược chiều còn quá nhẹ và chủ các xe tải, xe khách vi phạm luật gây ra tai nạn vẫn vô can trong khi họ phải có trách nhiệm trong việc tuyển dụng, quản lý, giám sát các lái xe. Chuyên gia này cho rằng trong các vụ tai nạn nghiêm trọng như vụ ở Gia Lai sáng 7.5 cần điều tra, truy tố cả chủ xe thì “người ta mới sợ” vì có không ít chủ xe cố tình tuyển dụng lái xe không có bằng cấp để bớt chi phí hay lách luật để buộc lái xe làm việc thời gian dài hơn quy định.

“Theo tôi, thứ nhất kết luận điều tra nhiều vụ tai nạn không rõ ràng không công khai để người ta sợ, hai là xử lý quá nhẹ làm cho tài xế không sợ, cần phải xử công khai, phải nói rõ trường hợp này bao nhiêu năm tù để tăng tính răn đe” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông Phạm Sanh cũng nhận định việc chỉ xử phạt tiền 5-7 triệu đồng và thu giữ bằng lái vài tháng với các lái xe đi ngược chiều là quá nhẹ, cũng hành vi này nếu là lái xe tải, xe khách cần phải phạt nặng hơn và cần cấm hoạt động một thời gian dài.

Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - cho rằng ngành giao thông đang có sự lúng túng trong quản lý xe tải và mới tập trung siết quản lý xe khách. Ông Liên cho rằng việc lắp thiết bị giám sát hành trình là giải pháp chưa thật toàn diện trong việc ngăn chặn tai nạn bởi các Sở GTVT và doanh nghiệp vận tải phải tăng cường vai trò giám sát thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình. Chuyên gia này nhận định để ngăn chặn tai nạn cần có những biện pháp từ gốc là đào tạo lái xe, đặc biệt là lái xe tải hàng nặng và không nên rút ngắn thời gian đào tạo như thời gian qua đồng thời tăng cường quản lý doanh nghiệp vận tải chứ không nên để phát triển tràn lan, manh mún...

Sau tay lái của mỗi tài xế là mạng sống của bao nhiêu người tham gia giao thông. Các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần có biện pháp khẩn cấp rà soát, sàng lọc đội ngũ tài xế. Đồng thời chính các doanh nghệp cũng cần có biện pháp tốt hơn trong việc chăm lo cho tài xế xe tải, đặc biệt về vấn đề sức khỏe tinh thần. Chăm lo cho lái xe cũng là cứu những người đi đường, cứu chính doanh nghiệp.

KHÁNH HÒA - ĐÌNH VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/am-anh-voi-nhung-hung-than-duong-pho-662682.bld