Ai định đoạt "số phận" của Tổng thống Mubarak?

Theo mạng tin IPSNews, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sẽ nắm giữ quyền lực chừng nào giới tướng lĩnh quân đội cho rằng điều này phục vụ tốt nhất cho lợi ích của họ.

Said Okasha, nhà phân tích chính trị của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị chiến lược Al-Ahram nhận định: "Cho đến nay, sự ủng hộ của quân đội là điều bảo đảm duy nhất để ông Mubarak tiếp tục cầm quyền. Sự nghiệp của ông Mubarak sẽ chấm dứt nhanh chóng nếu quân đội ngừng ủng hộ ông." Quân đội là trụ cột chính của nhà nước Ai Cập kể từ khi phong trào "Free Officers" (Sĩ quan tự do) lật đổ chế độ quân chủ năm 1952. Tất cả 4 đời tổng thống Ai Cập thời kỳ hậu cách mạng đều có lai lịch trong quân đội, cũng giống như nhiều tỉnh trưởng, các nhà quản lý địa phương và các chủ nhà máy quốc doanh ở nước này. Quân đội là thể chế hùng mạnh nhất ở Ai Cập. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng quân đội Ai Cập chỉ đơn thuần là một tổ hợp quốc phòng quy mô lớn. Thực ra, lực lượng này đã "ăn" sâu vào lực lượng lao động và nền kinh tế quốc gia, tham gia các cơ quan dân sự, điều hành kinh doanh và sản xuất mọi thứ từ vũ khí tới ấm pha trà. Theo các chuyên gia, quân đội vẫn đứng đằng sau Tổng thống Mubarak, cho dù việc lực lượng này buộc phải dùng tới vũ lực để giải tán những người biểu tình chống chính phủ sẽ làm xấu đi hình ảnh của mình là lực lượng bảo vệ người dân. Tuy nhiên, xem ra giới tướng lĩnh đang đắn đo quyết định kịch bản nào đem lại cho họ lợi ích kinh tế và chính trị tốt nhất. Nhà phân tích Okasha nói: "Tổng thống Mubarak đã chứng tỏ rằng ông ta nhận được sự ủng hộ của quân đội và bởi vậy, quân đội đã đánh mất sự tin cậy của một số người dân. Tuy nhiên, cuối cùng, quân đội sẽ chuyển sang ủng hộ bên nào mang lại lợi ích tốt nhất cho họ." Ông Mubarak có một lý lịch quân đội sáng chói. Ông được đào tạo làm phi công lái máy bay chiến đấu và từng chỉ huy không lực trong các cuộc chiến tranh năm 1969 và 1973 giữa Ai Cập với Israel. Trái lại, các ứng cử viên tổng thống tiềm năng, như Mohamed ElBaradei - cựu Tổng Thư ký Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Amr Moussa - Tổng Thư ký Liên đoàn Arập, Ayman Nour - người sáng lập al-Ghad, một đảng đối lập hợp pháp dưới chế độ Mubarak, có xuất thân từ ngành ngoại giao và pháp luật. Nhà phân tích Okasha nói: "Quân đội Ai Cập chỉ tôn trọng nhà lãnh đạo xuất phát từ hàng ngũ của mình. Tổng thống cũng kiêm nhiệm vai trò tổng tư lệnh quân đội, vì vậy quân đội khó có thể chấp nhận một vị tổng thống dân sự." Việc thiếu lý lịch trong quân đội được coi là vật cản chính đối với Gamal, con trai của Mubarak trong việc kế nhiệm cha. WikiLeaks đã tiết lộ một điện tín ngoại giao Mỹ, trong đó dẫn lời một nhà phân tích giấu tên cho biết một sỹ quan quân đội Ai Cập tiết lộ với ông ta rằng: "Quân đội không ủng hộ Gamal và nếu Mubarak chết khi tại nhiệm, quân đội sẽ thâu tóm quyền lực chứ không để cho Gamal lên thay cha mình." Trong khi đó, những người biểu tình chống chính phủ đã cố lôi kéo quân đội đứng về phía mình. Những người biểu tình ở Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo đã cư xử tôn trọng với binh lính, ném tặng họ chai nước và đồ ăn. Họ hô vang "Quân đội và nhân dân đoàn kết!" khi Bộ trưởng Quốc phòng M.Hussein Tantawi có chuyến thăm chớp nhoáng tới khu quảng trường này hồi tuần trước. Tuy nhiên, những người biểu tình và lãnh đạo phe đối lập điều hành phong trào biểu tình phải thừa nhận rằng sức mạnh và uy tín của quân đội phải được bảo toàn trong bất kỳ kịch bản hậu Mubarak nào. Ví dụ, ông AlBaradei đã đề nghị Mubarak từ chức và một hội đồng lâm thời ba thành viên, trong đó có một thành viên của quân đội, sẽ nắm quyền cho đến khi các cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức. Mâu thuẫn giữa các nhân vật then chốt trong quân đội và các nhà tư bản thân cận của đảng cầm quyền có thể có lợi cho phe chống đối. Trước khi về hưu, theo truyền thống, tướng lĩnh thường được cấp các mảnh đất rộng và có quyền điều hành các công ty về xây dựng, năng lượng, nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, sự trỗi dậy nhanh chóng của nhóm các nhà tài phiệt theo chủ nghĩa tự do mới, có quan hệ mật thiết với Gamal Mubarak đã gây nên sự cạnh tranh và tức giận giữa tầng lớp chóp bu này. Thiếu tướng đã về hưu Mohamed Kadry Said nói: "Giới quân đội đang ghen tức bởi họ không còn là những ông chủ lớn duy nhất ở đất nước này nữa." Việc lật đổ chế độ Mubarak có thể đặt dấu chấm hết đối với các chính sách kinh tế tự do và tư nhân hóa vốn đe dọa đến lợi ích tài chính của quân đội. Quyền lực mong manh của đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) cầm quyền hầu như chắc chắn sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của quân đội. Giới chóp bu trong quân đội sẽ sẵn sàng "thí" Mubarak, một vị tổng thống không được lòng dân để quay sang ủng hộ phó Tổng thống Omar Suleiman, một cựu tướng trong quân đội và từng làm giám đốc cơ quan tình báo, một nhân vật thân tín lâu nay của ông Mubarak. Điều quan trọng đối với quân đội Ai Cập là một chế độ tiếp tục tồn tại dưới sự cầm quyền của Suleiman sẽ đảm bảo cho việc Mỹ tiếp tục rót khoảng 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm cho nước này. Trong khi các cuộc thương lượng giữa chính phủ và các nhóm chống đối vẫn đang diễn ra, quân đội đang âm thầm củng cố quyền lực của mình. Bất luận kết quả thương lượng ra sao, ông Mubarak sẽ vẫn cầm quyền cho đến khi quân đội chắc chắn rằng lợi ích kinh tế và chính trị của mình được bảo đảm./. (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/ai-dinh-doat-so-phan-cua-tong-thong-mubarak/20112/77610.vnplus