AI đang định hình lại ngành phát thanh, truyền thông và giải trí

NAB Show là triển lãm hàng đầu thế giới chuyên giới thiệu các công nghệ và giải pháp tiên tiến đối với ngành giải trí-truyền thông, từ những thiết bị thu phát mới nhất đến các ứng dụng AI tạo sinh.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) là chủ đề và xu hướng chủ đạo tại NAB Show-triển lãm thường niên lớn nhất nước Mỹ về truyền thông, giải trí và công nghệ đang được tổ chức tại thành phố Las Vegas.

Theo Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Quốc gia Mỹ (NAB), đơn vị tổ chức chương trình, triển lãm thường niên diễn ra từ 14-17/4 năm nay đã thu hút hơn 1.200 nhà triển lãm và tới 70.000 người tham dự từ Mỹ và trên toàn thế giới.

NAB cho hay số lượng người tham dự triển lãm năm nay đã tăng 10% so với năm trước.

Năm nay, 34 nhóm doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham dự NAB Show, bao gồm 10 nhóm mới đại diện cho các khu vực trải dài từ châu Âu, châu Phi, khu vực Caribe, châu Đại Dương và Trung Á, cũng như hàng trăm nhà báo quốc tế.

NAB Show là triển lãm hàng đầu thế giới chuyên giới thiệu các công nghệ và giải pháp tiên tiến đối với ngành giải trí-truyền thông, từ những thiết bị thu phát mới nhất đến các ứng dụng AI tạo sinh.

Triển lãm thường niên cung cấp nền tảng cho các chuyên gia truyền thông và giải trí để giới thiệu những cải tiến mới nhất trong ngành truyền thông, bao gồm phát thanh truyền hình, sáng tạo nội dung, sản xuất và quy trình làm việc, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và định hình tương lai của hoạt động sáng tạo nội dung.

AI, sáng tạo nội dung, phát trực tuyến (streaming) và TV thế hệ tiếp theo (NextGen TV) là những chủ đề “nóng” cả trong hội trường và trên sàn triển lãm.

Các nhà triển lãm đã giới thiệu các công nghệ và cải tiến mới khai thác sự tích hợp của AI và bên thứ ba để đẩy nhanh quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và cá nhân hóa nội dung.

NAB Show năm nay cũng tổ chức một loạt phiên hội thảo và hội nghị bên lề triển lãm chính, trong đó có hơn 150 phiên tập trung vào công nghệ AI. Sẽ có hàng chục hội thảo và thảo luận độc đáo tập trung vào AI tạo sinh, bao gồm các ứng dụng trong thế giới thực, những cạm bẫy pháp lý tiềm ẩn và xu hướng công nghệ mới nhất hiện có.

Theo số liệu từ NAB, thị trường quốc tế đang chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của dịch vụ phát trực tuyến qua mạng, các sự kiện được phát trực tiếp, hình thức kể chuyện điện ảnh, thể thao và trò chơi điện tử trực tuyến.

Trên thực tế, một ước tính của công ty kiểm toán PWC dự kiến tổng doanh thu của mảng trò chơi điện tử sẽ tăng từ 227 tỷ USD vào năm 2023 lên 312 tỷ USD vào năm 2027.

Riêng doanh thu quảng cáo dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lên 100 tỷ USD vào năm 2025.

Đà tăng trưởng dự kiến này đã mang lại khoản đầu tư kỷ lục gần 250 triệu USD vào lĩnh vực sáng tạo nội dung cho các thị trường như Hàn Quốc, Đức và Ấn Độ.

Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp (startup) và cả những công ty công nghệ lớn đang giúp các công ty giải trí và sáng tác truyện tranh ở Hàn Quốc đẩy nhanh tốc độ sản xuất nội dung bằng công nghệ AI, qua đó tạo ra một mảng kinh doanh mới trong ngành đang phát triển nhanh chóng này.

Onoma AI, công ty chuyên tạo ra các hình ảnh với những gợi ý bằng ngôn ngữ tự nhiên và công nghệ AI tạo sinh, cho biết đang làm việc với Kenaz để giúp xưởng truyện tranh tầm trung này tạo ra các bản tóm tắt và kịch bản truyện bằng công cụ TooToon của mình.

Ông Joy Song, một quản lý tại Onoma AI, cho biết TooToon nhận được phản hồi rất tích cực từ Kenaz rằng công cụ này rất hữu dụng trong việc giúp những tác giả thiết kế câu chuyện ngay từ giai đoạn đầu, điều mà các công cụ khác không làm được. Ông Song cho biết Onoma AI đang phát triển các công nghệ riêng bằng cách cho các công cụ “học” thêm nhiều dữ liệu về nhân vật.

Trước đó trong năm nay, Onoma AI tung ra một sản phẩm truyện tranh trực tuyến với tựa đề "A Devil Student" (tạm dịch: học trò tiểu quỷ) có sự hợp tác với họa sỹ Sehyun để phô diễn công nghệ của mình.

Truyện tranh trực tuyến, hay còn gọi là webtoon, đang ngày càng thịnh hành ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong ngành này. Các công ty dịch vụ Internet lớn như Naver và Kakao đã cho ra mắt hàng loạt câu chuyện, từ thể loại lãng mạn đến giật gân, trên các nền tảng của mình.

Các tác phẩm này đã thu hút hàng triệu người xem trên toàn thế giới và tạo ra hàng chục triệu USD doanh thu từ những tài khoản đăng ký trả phí, quảng cáo và bán tài sản sở hữu trí tuệ.

Naver Webtoon, một công ty liên kết trong mảng truyện tranh trực tuyến của Naver, đã tung ra công cụ AI Painter dành cho các nhà sáng tạo nội dung, và cho biết công cụ này có thể giúp giảm 50% thời gian làm việc.

Bà Na Unah, người phát ngôn của Naver Webtoon, cho biết vẽ truyện tranh tốn rất nhiều công sức, nhưng các công nghệ AI có thể giúp các nhà sáng tạo nội dung ở những công đoạn đơn giản như vẽ bối cảnh hay vẽ thêm bóng tối.

Công nghệ AI tạo sinh cũng có thể được ứng dụng vào việc sản xuất phim. Letsur, một startup chuyên tùy biến các dịch vụ AI cho các khách hàng doanh nghiệp, đã hợp tác với CJ ENM, để giúp nhà sản xuất phim lớn nhất Hàn Quốc này tạo ra một ảnh đại diện video cho bộ phim truyền hình đình đám "Guardian: The Lonely And Great God" (tựa tiếng Việt: Yêu tinh).

Letsur đã sử dụng ứng dụng ChatGPT4 của OpenAI cho dự án trên. Startup này cũng đã phác họa bản tóm tắt và kịch bản cho một số bộ phim điện ảnh và truyền hình khác.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành sáng tạo nội dung đang mở đường cho việc ứng dụng công nghệ AI rộng rãi hơn. Các giao dịch về truyện tranh trực tuyến của Naver trên thị trường toàn cầu trong quý 3/2023 đã tăng 5% lên 474,9 tỷ won (367 triệu USD).

Naver cho biết một yếu tố đóng góp vào sự gia tăng này là nhờ những bộ phim điện ảnh và truyền hình được chuyển thể từ truyện tranh, và những gợi ý từ AI cũng giúp đem lại doanh thu cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ai-dang-dinh-hinh-lai-nganh-phat-thanh-truyen-thong-va-giai-tri-post940499.vnp