Ai chịu trách nhiệm trong thảm kịch tàu lặn Titan?

Titan - con tàu gặp nạn khi thám hiểm xác tàu Titanic - hoàn toàn không được đăng kiểm. Giới chuyên gia nhận định gia đình các nạn nhân rất khó khởi kiện trong tình huống này.

Tàu lặn Titan của OceanGate gặp nạn khi thám hiểm xác tàu Titanic. Ảnh: La Presse.

Hôm 22/6, Tuần duyên Mỹ chính thức xác nhận cả năm người trên tàu lặn Titan đã thiệt mạng sau vụ tai nạn bốn ngày trước đó. Con tàu này được cho đã bị “ép bẹp” ở độ sâu gần 4 km dưới mực nước biển.

Ngay từ khi công tác tìm kiếm đang diễn ra, dư luận đã đặt câu hỏi về việc đâu là các cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm cho vụ việc. Tuy vậy, đây không phải vấn đề dễ trả lời, theo Newsweek.

OceanGate - công ty vận hành tàu Titan - luôn khẳng định đây chỉ là con tàu thử nghiệm và đã cảnh báo với hành khách về nguy cơ tai nạn, thậm chí dẫn đến tử vong. Con tàu cũng không được đăng kiểm và ít chịu sự quản lý của các quy định pháp lý.

Quy định lỏng lẻo

Khuôn khổ pháp lý về hoạt động của OceanGate vẫn còn tương đối mù mờ. Theo phó giáo sư Salvatore Mercogliano, chuyên gia về lịch sử hàng hải tại Đại học Campbell (Mỹ), các tàu lặn như Titan phải tuân thủ rất ít quy định - khác với các loại tàu khác.

Loại tàu này không cần được đăng ký ở quốc gia nào. Do đó, tàu cũng không cần tuân thủ các công ước quốc tế như Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS), giáo sư Mercogliano chỉ ra.

Nếu hoạt động tại Mỹ, tàu Titan sẽ phải tuân thủ Đạo luật An toàn Tàu chở khách. Tuy vậy, xác tàu Titanic lại nằm ở vùng biển quốc tế.

“Ngành công nghiệp tàu lặn tương đối lớn - nhiều tàu thương mại được sử dụng để khoan dưới biển sâu và đặt cáp. Có những công ty như American Bureau Shipping (ABS) cung cấp dịch vụ đăng kiểm, một trong những tàu lặn của OceanGate được ABS đăng kiểm. Tuy vậy, tàu Titan thì không”, giáo sư Mercogliano cho biết.

Bản thân OceanGate cũng thừa nhận tàu Titan không được đăng kiểm.

“Khi OceanGate được thành lập, mục tiêu là theo đuổi sự đổi mới đến mức tối đa trong thiết kế và vận hành tàu lặn có người lái”, giáo sư Mercogliano nói. “Đổi mới thường vượt ra ngoài ranh giới của các hình mẫu có sẵn”.

Xác tàu Titanic đã thu hút nhiều du khách lặn xuống đáy biển để tham quan. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Mercogliano nói ông tò mò muốn biết công ty nào cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho OceanGate. Thông tin này không được công ty công bố.

“Các công ty bảo hiểm thường yêu cầu một đơn vị đăng kiểm đảm bảo tàu lặn đáp ứng mọi điều kiện trước khi chấp nhận bảo hiểm”, ông cho biết.

Ít khả năng thắng kiện

Giới chuyên gia pháp lý nhận định gia đình của các nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn khởi kiện OceanGate.

Công ty trên yêu cầu mọi hành khách ký giấy miễn trừ trách nhiệm trước khi lên tàu. Văn bản này cho biết chuyến đi “có thể gây ra chấn thương về thể chất, tổn thương tinh thần hoặc tử vong”, phóng viên David Pogue của CBS News, người từng tham gia một chuyến đi năm 2022, cho biết.

“Luật hàng hải liên bang (Mỹ) sẽ quyết định liệu giấy miễn trừ trách nhiệm này có hiệu lực hay không”, giáo sư luật Kenneth Abraham tại Đại học Virginia nói. “Tại hầu hết bang, giấy miễn trừ trách nhiệm sẽ có hiệu lực trong tình huống này. Tùy theo từ ngữ, gia đình cũng có thể bị ràng buộc”.

“Tuy vậy, giấy miễn trừ trách nhiệm có thể không áp dụng với bên chế tạo tàu lặn - nếu đó không phải là chính bên vận hành”, giáo sư Abraham nói thêm. “Bên chế tạo có thể chịu trách nhiệm nếu họ gây ra bất cứ trục trặc nào. Nhưng viễn cảnh này cũng phụ thuộc vào từ ngữ”.

Trong khi đó, giáo sư Mercogliano cho rằng cả tàu Polar Prince - tàu mẹ của con tàu lặn gặp nạn - cũng phải chịu trách nhiệm. Polar Prince mang cờ Canada.

Ông Miguel Custodio, một luật sư chuyên về lĩnh vực trên tại Los Angeles, nhận định với Daily Mail rằng chỉ khi chứng minh được tai nạn xảy ra do sự cẩu thả của một thành viên đội ngũ vận hành tàu, các gia đình mới có cơ hội thắng kiện OceanGate.

Hình ảnh bên trong tàu Titan. Ảnh: OceanGate/Washington Post.

Một số người còn tỏ ra bi quan hơn. Nói với Insider, luật sư Sherif Edmond El Dabe tại hãng luật El Dabe Ritter cho rằng cơ hội chiến thắng của các gia đình “gần như bằng không”.

“Các hành khách biết mình tham gia một hoạt động đặc biệt nguy hiểm và họ chủ tâm đối mặt với nguy cơ lớn”, ông El Dabe nói thêm.

Vụ việc cũng sẽ có tác động lên các công ty tổ chức thám hiểm biển sâu trên khắp thế giới.

“Mọi doanh nghiệp thám hiểm biển sâu giờ đây sẽ cần khẩn cấp xem xét quy trình của mình, chú ý đảm bảo kế hoạch liên lạc trong tình huống khẩn cấp luôn được cập nhật”, ông Andy Barr, chuyên gia về PR và thương hiệu, nói với Newsweek.

“Chúng ta cần nhớ rằng thám hiểm biển sâu đương nhiên ẩn chứa nguy cơ, nhưng các công ty cần có trách nhiệm đảm bảo họ làm tốt nhất có thể vì an toàn của nhân viên và hành khách”, vị chuyên gia nói thêm.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/ai-chiu-trach-nhiem-trong-tham-kich-tau-lan-titan-post1442268.html