Ai Cập, Hy Lạp, Bắc Âu: Thần nào hoành tráng nhất trên màn ảnh?

Các vị thần có khi xuất hiện với đầy đủ khiên giáp, nhưng cũng có khi ăn vận bình dân như người phàm.

Thần thoại luôn là chủ đề ưa thích của các nhà làm phim. Với khán giả phương Tây, có ba hệ thần thoại được biết đến rộng rãi là Hy Lạp - La Mã, Bắc Âu và Ai Cập. Tất cả đều đã được chuyển thể không ít lần, có tác phẩm giữ nguyên nội dung, nhưng cũng có phim biến tấu khác nhau. Nhân dịp Gods of Egypt đang tung hoành ở các rạp chiếu, hãy cùng điểm lại chân dung của các vị thần từng xuất hiện trên màn ảnh rộng.

Thần thoại Hy Lạp

Hy Lạp được xem là cái nôi của văn minh phương Tây. Chính vì vậy, thần thoại Hy Lạp nổi tiếng nhất và có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng. Cũng tương tự, số lượng phim về các vị thần trên đỉnh Olympus luôn áp đảo các thần thoại khác.

Trong "Clash of the Titans" phiên bản 1981 hay "Jason and the Argonauts" (1963), các vị thần mặc áo chiton như những người Hy Lạp cổ.

Gần đây có hai tác phẩm ăn khách là Clash of the Titans và Wrath of the Titans, nói về cuộc phiêu lưu của Perseus, con trai thần Zeus. Nhìn chung, tạo hình của các vị thần trong hai phim này có phần mạnh mẽ hơn so với hình mẫu trong những tác phẩm nghệ thuật.

Là chúa tể các vị thần, Zeus thường xuất hiện đầy kiêu hãnh trong bộ giáp sáng lòa

Zeus là vị thần hùng mạnh nhất với vũ khí là lưỡi tầm sét. Ông cai trị từ đỉnh Olympus, nhưng cũng dành nhiều thời gian để xuống trần… quyến rũ các mỹ nhân. Đây là vai diễn đo ni đóng giày cho Liam Neeson, ông tỏa ra khí thế oai nghiêm ngay cả khi xuất hiện với nhân dạng người thường.

Trong "Wrath of the Titans", Zeus bị suy yếu do số người thờ phụng bị giảm

Đối lập là Hades, người cai quản địa ngục. Bộ phim Clash of the Titans biến ông thành kẻ phản diện nên bộ trang phục cũng toát ra vẻ độc ác. Thế nhưng trong thần thoại, Hades không có âm mưu chống lại Zeus. Ông được mô tả như một kẻ u sầu đến nỗi phải đi bắt cóc Persephone làm vợ.

Diễn viên Ralph Fiennes thủ vai Hades

Trong phần hai, Ares là kẻ phản bội và giúp giải thoát Kronos, cha của Zeus, Poseidon và Hades. Zeus và Hades phải nhờ đến Perseus để đánh bại vị Titan này. Trong series Clash of the Titan, khá đáng tiếc là những vị thần được nhiều người yêu thích như Athena, Apollo hay Hermes chỉ xuất hiện thoáng qua.

Trận chiến giữa Kronos và Perseus

Tạo hình của thần chiến tranh Ares và thần biển cả Poseidon

Loạt truyện Percy Jackson của nhà văn Rick Riordan lại đặt ra một ý tưởng thú vị: các vị thần vẫn tồn tại đến ngày nay, và tiếp tục sinh ra các á thần để bảo vệ thế giới. Nhân vật chính của truyện là Percy Jackson, con trai của Poseidon, sát cánh cùng Annabeth (con gái của Athena) và thần rừng Grover. Phiên bản điện ảnh gồm hai tập The Lightning Thief và Sea of Monsters.

Sống ở thời hiện đại nên không ít các vị thần cũng… học theo gu ăn mặc của người phàm. Đi đầu cho trào lưu trẻ hóa này là thần Hermes. Ông thậm chí còn điều hành một công ty chuyển phát và sản xuất đủ thứ lặt vặt

Danh hiệu xì tin nhất phải thuộc về vợ chồng Hades

Trong khi Zeus, Poseidon và Athena đều mặc áo giáp Hy Lạp thì chúa tể địa ngục rất thích phối đồ theo… phong cách Goth, điểm xuyến bằng nhiều trang sức. Vợ của ông là Persephone không hề hiền lành như thần thoại, mà lại chuyên diện đồ… khoe thân và trong phim còn quyến rũ cả thần dê Grover.

Phần hai có thêm sự góp mặt của thần rượu nho Dionysus, đang bị Zeus phạt nên không được uống rượu và phải đến quản lý Trại Con Lai. Trong suốt phim, ông xuất hiện trong những bộ trang phục khá luộm thuộm

Thần thoại Bắc Âu

Trên màn ảnh, khán giả quen thuộc nhất với hình ảnh các thần Bắc Âu thông qua loạt phim Thor. Thế nhưng tác phẩm này được chuyển thể từ truyện tranh Marvel, và chỉ lấy cảm hứng từ thần thoại. Chính vì vậy nhiều chi tiết đã bị thay đổi, điển hình như việc Loki trở thành con Odin hay Thor không yêu Sif mà đi yêu người phàm.

Odin (Anthony Hopkins) - Thần tối cao

Thor (Chris Hemsworth) - Thần sấm sét và là chiến binh dũng mãnh nhất

Loki (Tom Hiddleston) - Thần xảo trá. Nhân vật này bị sửa đổi khá nhiều chi tiết so với thần thoại

Về tạo hình, tất cả thần Bắc Âu đều mang phong cách của chiến binh Viking, nhưng oai phong lẫm liệt nhờ những bộ giáp sáng chói. Chiếc mũ dường như chỉ dùng trong những nghi thức quan trọng, Thor và Odin chỉ đội chúng trong buổi lễ truyền ngôi ở đầu phim. Khi xuống Trái đất, Thor và Loki ăn vận đơn giản hơn, gần giống như người thường.

Frigga, vợ của Odin và là nữ hoàng Asgard

Thần Heimdall do Idris Elba thủ vai có khả năng nhìn thấu chín cõi giới. Ông cũng là người canh giữ cây cầu Bifrost nối giữa các thế giới

Trong khi đó, Sif gây ấn tượng với vẻ ngoài của một nữ chiến binh mạnh mẽ. Ngoài hai phần phim Thor thì cô còn góp mặt trong hai tập của series "Agents of S.H.I.E.L.D"

Thần thoại Ai Cập

Trong thần thoại Ai Cập, Anubis là con trai của Set và Nephthys, có mình người đầu chó rừng. Trong series The Mummy, ông là người trao đội quân bất tử cho vua bò cạp thời cổ đại. Nhiều ngàn năm sau, Anubis lại xuất hiện để chiếm lấy linh hồn của Imhotep khi Evelyn triệu hồi ông.

Anubis là thần bảo vệ người chết và các lăng mộ.

Theo sử sách, Imhotep là một học sĩ tài ba và cố vấn cho pharaoh. Khi chết đi, ông được dân chúng tôn làm thần y học và chữa trị. Song, khi đặt chân đến Hollywood thì ông đã trở thành… xác ướp săn đuổi hai nhân vật chính, không chỉ một mà hai phần.

Thật khổ thân cho Imhotep

Bộ phim Gods of Egypt sẽ là lần đầu tiên các thần Ai Cập xuất hiện trên màn ảnh rộng trong một câu chuyện tập trung vào chính họ. Chuyện phim xoay quanh cuộc đụng độ huyền thoại giữa Set và Horus.

Thần sa mạc Set (Gerard Butler)

Thần bầu trời Horus (Nikolaj Coster-Waldau)

Ai Cập được thần Ra chia đôi và trao cho hai người con của mình: Osiris trị vì phần trù phú quanh sông Nile còn Set là chúa tể sa mạc. Khi Osiris chuẩn bị truyền ngôi cho con là thần bầu trời Horus, Set xuất hiện cướp ngôi, qua đó đưa Ai Cập vào thời kì tăm tối. Trong thần thoại, Horus được mẹ mình là Isis giúp đỡ để chiến đấu với Set, còn trong phiên bản điện ảnh, vai trò thuộc về tên trộm láu cá Bek.

Hathor trong thần thoại được xem là "Nữ thần phương Tây", đảm nhiệm nhiều trọng trách như thần tình yêu, dẫn lối cho người chết, âm nhạc, nhảy múa. Trong phim này, Hathor được cải biên thành người yêu của Horus

Thần trí tuệ Thoth là nhân vật thú vị nhất phim với dáng đi đặc trưng cùng phong thái "vi diệu" quá mức. Khán giả sẽ không khỏi bật cười trong những cảnh quay ông xuất hiện. Ngoài ra, Thoth còn có khả năng phân thân để thực hiện nhiều việc cùng lúc

Các vị thần có khả năng biến thành những loài quái vật khác nhau. Khi biến hình, họ trông khá giống với các… robot Transformers, hứa hẹn những trận chiến hoành tráng trên màn ảnh rộng

Hóa thân của Horus là chim ưng, còn Set là một sinh vật vừa giống chó rừng vừa giống cáo

Bộ phim Gods of Egypt khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 26/2.

Theo Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/cine/ai-cap-hy-lap-bac-au-than-nao-hoanh-trang-nhat-tren-man-anh-20160227234331622.chn