Afghanistan: Chiến tranh kết thúc, nhưng liệu đã hòa bình?

Tại thời điểm còn 2 tuần là kết thúc tiến trình rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, Taliban đã thần tốc đầy bất ngờ để hoàn tất quá trình kiểm soát đất nước vào đầu tuần này, gây nên sự ngỡ ngàng cho cộng đồng quốc tế. Song, Afghanistan chưa thể hòa bình bởi hiện hữu nhiều vấn đề gây bất ổn.

Các chiến binh phong trào Taliban chiếm quyền kiểm soát Dinh Tổng thống ở Thủ đô Kabul. Ảnh: AP

Chỉ vài ngày sau lời tái khẳng định rất chắc chắn về năng lực đẩy lùi phong trào Taliban, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bất ngờ rời khỏi đất nước. Phát ngôn viên Đại sứ quán Nga ở Kabul Nikita Ishchenko bày tỏ, việc Tổng thống Ghani rời đất nước là hình ảnh rõ nét nhất diễn tả về sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan.

Chiến tranh Afghanistan - cuộc chiến dài nhất lịch sử của nước Mỹ đã kết thúc. Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận, sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan quá nhanh; nhưng dù Afghanistan đang phải đối mặt với nhiều bất ổn nghiêm trọng, song, việc rút quân là điều tất yếu. Bởi, nhiệm vụ của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan đã hoàn thành khi tiêu diệt thành công trùm khủng bố Al Qaeda Osama bin Laden (năm 2011) và ngăn chặn các hiểm họa từ tổ chức này.

Bên cạnh đó, mong muốn thay đổi và tái tạo Afghanistan là điều bất khả thi. Mỹ không thể tiếp tục chiến đấu trong cuộc nội chiến của nước khác và phải chịu thương vong, tổn thất. Đây không phải lợi ích của Mỹ và cũng không phải điều người Mỹ muốn.

Phát biểu tại Dinh Tổng thống Afghanistan sau khi chiếm quyền kiểm soát, Taliban tuyên bố, cuộc chiến trong gần 20 năm qua ở mảnh đất Trung Đông này đã chính thức kết thúc.

Dù chiến tranh đã kết thúc, song, hòa bình liệu đã thực sự đạt được ở Afghanistan? Một bộ phận lớn học giả về Trung Đông cho rằng, phong trào Taliban - lực lượng từng cầm quyền Afghanistan giai đoạn 1996-2001 đã trỗi dậy mạnh mẽ trong 1 năm trở lại đây.

Đặc biệt, trong lần trở lại này, tốc độ chiếm quyền kiểm soát đất nước vượt mọi sức tưởng tượng. Trong khi đó, lực lượng an ninh hùng hậu của Chính phủ Afghanistan chỉ được xem như những “pháo đài cát”, “chưa đánh đã sập”.

Bình luận về việc Taliban có thể chiếm nhiều địa phương vị trí chiến lược mà không cần nổ súng, giới học giả cho rằng, điều này cho thấy dấu hiệu về việc hiện thực hóa mục tiêu đoàn kết dân tộc của Taliban. Afghanistan vốn có cấu trúc xã hội phức tạp với việc nhiều thủ lĩnh sắc tộc nắm quyền lực chi phối xã hội và có ưu thế về vũ lực. Vì vậy, Taliban thực sự có được sự ủng hộ cao trong nội bộ đất nước.

Tuy nhiên, Afghanistan từng được ví như “cái nôi của khủng bố” nên hiện nay, khi một chế độ Hồi giáo được xem là cực đoan lên nắm quyền cũng mang tới nhiều lo ngại về sự phát triển tư tưởng thánh chiến, cũng như sự trỗi dậy của hàng loạt tổ chức khủng bố. Trong 20 năm qua, dù có sự hiện diện hùng hậu của quân đội quốc tế, nhiều tổ chức khủng bố vẫn trú ẩn an toàn ở Afghanistan.

Hòa bình ở Afghanistan hiện chưa thể khẳng định là đã đạt được bởi vẫn còn những hiểm họa bạo lực giữa các thế lực quân phiệt trong nước. Nếu Taliban chưa đạt được đại đoàn kết dân tộc, quyền lực đất nước vẫn bị phân chia cho các thế lực cát cứ như giai đoạn 1996-2001; do vậy, hiểm họa bạo lực vẫn hiện hữu. Bất ổn từ Afghanistan cũng có thể lan rộng sang các nước láng giềng và toàn Trung Đông. Vì vậy, Afghanistan sẽ phải đối diện với nỗ lực can dự của nước ngoài.

Giới chuyên gia chính trị chỉ ra rằng, có 3 yếu tố để kiến tạo hòa bình cho Afghanistan. Trước hết, một nền hòa bình thực chất chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa tất cả các bên mà lợi ích ấm no của người dân được đặt lên trên hết. Thứ hai, “nhà nước non trẻ” mới của Afghanistan sẽ phải điều chỉnh quy cách quản trị quốc gia hiện đại hơn, văn minh hơn bằng việc loại bỏ những quan điểm, tập tục, chính sách cổ hủ, lạc hậu, đậm màu sắc tiêu cực, thiếu nhân văn.

Hai điều này sẽ dẫn tới yếu tố thứ ba là Afghanistan có được sự đoàn kết, chung tay chân thành từ quốc tế để ngăn chặn nguy cơ bạo lực tiềm ẩn, từng bước tạo dựng môi trường an ninh có lợi cho sự phát triển của Trung Đông và toàn cầu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/afghanistan-chien-tranh-ket-thuc-nhung-lieu-da-hoa-binh-post442856.html