ADB: Việt Nam thường tập trung vào chỉ tiêu, con số nhưng chất lượng mới là cái quan trọng

i diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tin tưởng rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22% của Việt Nam trong năm nay có thể đạt được, song cần chú ý tới chất lượng các khoản vay để tránh rủi ro.

Theo báo cáo đánh giá cập nhật của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết với lạm phát không cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phản ứng giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 10/07/2017, giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 6,25% và lãi suất chiết khấu là 4,25%. Lãi suất cho vay ưu đãi cho các ngành được ưu tiên như nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng giảm, từ 7,0% xuống 6,5%, để tạo điều kiện hồi phục cho các vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng đầu năm 2017 ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, đưa nông nghiệp trở lại quỹ đạo tiến đến đạt mục tiêu tăng trưởng 18-20% cả năm mà Chính phủ đề ra.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng 22% trong năm nay của Việt Nam, tại buổi họp báo "Cập nhật báo cáo triển vọng châu Á 2017", đại diện ngân hàng ADB, ông Aaron Batten bình luận theo quan sát tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thì mục tiêu này sẽ đạt được trong năm nay đặc biệt sau khi chính sách nới lỏng tiền tệ đưa ra vào hồi tháng 7.

Họp báo "Cập nhật báo cáo triển vọng châu Á 2017"

Tuy nhiên, ông Batten nhấn mạnh tới lợi ích cũng như rủi ro để đạt được mục tiêu tăng tín dụng 22%. Chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng và sau đó kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, đồng thời điều này tạo ra rủi ro. Khi lãi suất giảm xuống quá thấp sẽ tạo ra bong bóng tài sản. Chính vì vậy, cần phải lựa chọn thận trọng giữa việc đạt được tăng trưởng trước mắt, ngắn hạn và những rủi ro dài hạn đang gia tăng.

Như vậy, để tránh những rủi ro trên, các ngân hàng cần tập trung vào chất lượng cho vay chứ không phải là số lượng cho vay. Bởi vì nếu không được kiểm soát đúng đắn, tiền sẽ bị đổ vào các bong bóng tài sản, tạo ra rủi ro trong ngành kinh tế.

Đại diện ADB nhấn mạnh điều quan trọng nhất không phải mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà là chất lượng của các khoản vay.

"Chúng ta cần hiểu rằng hiện nay đang có nhiều áp lực phải tăng con số tăng trưởng GDP bởi vì nợ công còn giữ ở mức cao. Điều này chứng tỏ rằng nhu cầu đầu tư vẫn lớn kéo theo tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập trong bản báo cáo, tăng trưởng kinh tế cần bền vững, đó mới là điều quan trọng. Trong một số trường hợp nên tăng trưởng thấp nhưng bền vững hơn là cố gắng "bơm" tăng trưởng vọt lên quá cao trong thời gian ngắn nhưng sau đó tốc độ tăng trưởng không thể duy trì và sụt xuống rất nhanh", ông Aaron Batten nhận định.

Theo ông, Việt Nam thường chú trọng chỉ tiêu, con số nhưng không nhất thiết phải có quá nhiều chỉ tiêu như vậy và phải đạt được chỉ tiêu đó. Điều quan trọng là tăng trưởng, cho vay, hạ tầng, hệ thống ngân hàng phải có chất lượng.

Cái khó cho Chính phủ Việt Nam là làm sao duy trì được sự cân bằng giữa việc thúc đẩy nền kinh tế mạnh trong khi vẫn duy trì đà tăng trưởng. ADB khuyến nghị Việt Nam nên có tầm nhìn dài hạn, phải có nền tảng cốt lõi chứ không phải tăng trưởng tín dụng lại hướng vào các hoạt động mang tính đầu cơ trong nền kinh tế. Như vậy, Việt Nam nên thận trọng chất lượng của tăng trưởng tín dụng không chỉ là đối với các khoản vay mà bản thân cơ chế, hệ thống ngân hàng vẫn chưa đủ mạnh bởi vì hệ quả nợ xấu hiện nay vẫn chưa giải quyết hết.

Đức Quỳnh

Nguồn NDH: http://ndh.vn/adb-viet-nam-thuong-tap-trung-vao-chi-tieu-con-so-nhung-chat-luong-moi-la-cai-quan-trong-20170926040531934p4c145.news