Xuất tinh ra máu

Hỏi: Xin tòa soạn và bác sĩ cho tôi biết thông tin về căn bệnh xuất tinh ra máu. Nguyên nhân vì sao, cách chữa trị thế nào? Mong nhận được hồi âm sớm. Chân thành cám ơn! (Hoàng Anh, Bà Rịa-Vũng Tàu)

- Trả lời: Màu đỏ của máu luôn làm người ta lo sợ, có người chỉ thấy tí xíu máu là té xỉu rồi. Máu chảy từ những chỗ "hiểm" càng làm tăng nỗi lo sợ. Với trường hợp bạn hỏi, chúng tôi xin đưa ra những nhận định sau: Máu chảy lẫn trong tinh dịch (xuất tinh máu) là do có một mạch máu nhỏ nào đó trong đường sinh dục bị bể (trong tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt hay niệu đạo tuyến tiền liệt). Mạch máu bị bể thường là do bị căng tức. Động tác đi tiểu không làm căng tức, bể các mạch máu vùng này nên nước tiểu vẫn trong khe. Đôi khi, xuất tinh máu do viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh gây ra. Xuất tinh máu cũng có thể do bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, bị bệnh máu loãng, sau phẫu thuật trên tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh. Một số trường hợp xuất tinh máu có liên quan đến ung thư tinh hoàn (ở người trẻ), ung thư tuyến tiền liệt (ở người lớn tuổi). Các bệnh này có thể phát hiện được qua khám bệnh kỹ lưỡng, siêu âm, thử máu. Nhưng, đại đa số trường hợp xuất tinh máu thường "hiền", ít ảnh hưởng gì, giống như chảy máu cam mà thôi. Tuy nhiên, trong chảy máu cam, máu chỉ ào một cái ra ngoài rồi ngưng, còn trong bệnh xuất tinh máu, dù mạch máu chỉ bể một lần rồi cầm, nhưng máu còn đọng lại bên trong đường sinh dục, chỉ khi "gần gũi" mới ra từ từ, vì thế, nó tạo cảm giác như máu chảy kéo dài cả tháng. Càng sợ không dám giao hợp thì thời gian bị xuất tinh máu càng kéo dài. Màu đỏ máu sẽ đổi dần dần từ đỏ tươi, sang đỏ bầm, vàng sậm, rồi hết. Bệnh thường tự khỏi mà chẳng cần thuốc men gì. Nếu thấy lo ngại thì bạn nên đến gặp bác sĩ niệu - nam khoa để được khám kỹ lưỡng cơ quan sinh dục và làm thêm một số xét nghiệm như tinh dịch đồ, siêu âm tuyến sinh dục qua ngã trực tràng, nội soi niệu đạo - bàng quang… để tìm nguyên nhân. Nếu đã trị đủ cách mà tình trạng xuất tinh máu vẫn tái diễn thì đôi khi đốt các mạch máu viêm ở niệu đạo qua nội soi có thể chấm dứt tình trạng chảy máu. Tuy nhiên, không ít trường hợp, bác sĩ làm đủ cách mà máu vẫn cứ chảy, một hai lần mỗi năm, kéo dài vài ba năm rồi hết hẳn khi nào không hay. TS-BS Nguyễn Thành Như (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM)

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201031/20100730142839.aspx