Xuất khẩu gạo: Minh chứng Campuchia vượt mặt Việt Nam

VN có 20 năm XK gạo, Campuchia có 5 năm nhưng gạo Campuchia đã có mặt ở 53 quốc gia, còn gạo Việt Nam chỉ có 10.

Thấp thỏm

Cái mà Việt Nam không thể làm được thì Campuchia đã làm được là sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị cộng thêm việc làm thị trường rất tốt. Đây là thế mạnh vừa đem lại lợi ích cho người nông dân, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cao.

Đặc biệt, tháng 5/2014, Campuchia đã sáp nhập 3 cơ quan trong ngành gạo để lập ra Hiệp hội Gạo. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xuất khẩu gạo. Việc này đã loại bỏ những cạnh tranh tốn kém không đáng có giữa các cơ quan quản lý, đồng thời giúp xác định rõ ràng hơn về mục tiêu chung và tạo ra tiếng nói thống nhất để tiếp thị, vận động cho gạo Campuchia.

Còn ở Việt Nam thì vẫn trung thành với hình thức bán hàng qua trung gian, chưa tiếp cận nhà phân phối trực tiếp. Việt Nam lại dựa nhiều vào những thị trường có hợp đồng Chính phủ như Philippines, Malaysia, Indonesia... Vì thế, khi các nước này giảm nhập khẩu gạo, Việt Nam bị bế tắc về đầu ra.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014 dù trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, nhưng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 7,5 triệu tấn, trong đó có khoảng 1 triệu tấn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiện còn khoảng nửa triệu tấn gạo (đã ký hợp đồng năm 2014) dự kiến sẽ xuất hết đầu năm nay. Năm qua, những thị trường chính xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn là Trung Quốc (chiếm hơn 30%), Philippines (chiếm khoảng 22%); tiếp đó là thị trường châu Phi, Malaysia, Indonesia…

Với chính sách biên giới “đóng mở phập phù” của Trung Quốc, nhiều khả năng lượng gạo Việt Nam xuất sang nước này năm 2015 sẽ giảm so năm ngoái.

Tại các thị trường truyền thống Việt Nam ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, nhu cầu nhập khẩu năm 2015 dự báo khoảng 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, để đứng vững ở thị trường này, gạo Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh với đối thủ trực tiếp là Thái Lan.

Theo VFA, châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng từ năm 2014, Việt Nam đã mất đến 60% thị phần ở thị trường này, do cạnh tranh của gạo Thái Lan và Ấn Độ (đặc biệt nguồn gạo giá rẻ từ Thái Lan). Năm 2015, khả năng Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này do lợi thế tồn kho lớn và giá cạnh tranh.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng đánh giá, dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm có tăng nhưng gạo trắng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Châu Phi đang giảm mạnh, cả năm 2014 là 60%, dự báo năm nay 2015 sẽ giảm hơn 40%.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phải thừa nhận: “Các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và ngay cả Campuchia cũng đang cạnh tranh trực tiếp về giá với gạo Việt Nam. Lợi thế về giá của gạo Việt Nam có nhưng đang bị dồn vào thế phải cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu truyền thống lẫn thị trường trung lập (còn dư địa cạnh tranh). Thị trường Trung Quốc, Philipines, Châu Phi vốn tiêu thụ từ 30 – 50% gạo Việt Nam nhưng gạo Việt cũng đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi các đối thủ trên".

Tình trạng trên theo ông Tuấn Anh đang khiến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này giảm mạnh.

Không những bị cạnh tranh về thị trường, gạo Việt còn liên tục bị ép giá, dù bán thấp vẫn trượt hợp đồng.

Liên tiếp gạo Việt bị Philippines ép uổng

Với mức giá chào bán 417 đô la Mỹ/tấn, mức giá bỏ thầu thấp nhất trong số 3 ứng viên tham dự, gồm Việt Nam, Thái Lan và Campuchia nhưng gạo Việt vẫn trượt cơ hội để cung cấp 100.000 tấn gạo (loại 25% tấm) cho Philippines.

Trong khi Thái Lan và Campuchia lần lượt đưa ra mức giá 418 và 464 đô la Mỹ/tấn.

Đây không phải lần đầu gạo Việt bị ép giá. Nhưng chính sách mua rẻ, bán rẻ là nguyên nhân khiến gạo Việt gặp khó trên thị trường thế giới. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân luôn gặp khó khăn, phải bỏ ruộng đi làm thuê.

An An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xuat-khau-gao-minh-chung-campuchia-vuot-mat-viet-nam-3284357/