'Xử lý thấm đập Sông Tranh bằng xi măng sẽ khó triệt để'

Nhiều nhà khoa học lo ngại, cách trám, bịt điểm rò rỉ, thẩm thấu ở phía thượng lưu đập thủy điện bằng xi măng sẽ khó xử lý triệt để sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2.

Hiện tại, Ban quản lý dự án thủy điện 3 đã vận hành nhà máy hết công suất hạ thấp mực nước ở hồ chứa xuống cao trình 155 mét để tiến hành xử lý sự cố thấm cho đập thủy điện Sông Tranh 2. Phía trên thân đập, chủ đầu tư đã huy động nhiều phương tiện cẩu và hàng chục công nhân tham gia xử lý thấm. Từng vệt trám bằng xi măng chạy dọc từng đỉnh đập xuống gần sát mặt nước. Một số vị trí mực nước hồ hạ xuống thấp lộ ra những mảng bê tông ẩm ướt rạn nứt hiện rõ lằn ranh ngang, dọc phia thượng lưu của đập.

Toàn cảnh phía thượng lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 - mực nước hồ chứa đang được chủ đầu tư vận hành nhà máy hạ xuống để xử lý sự cố thấm ở đập này. Ảnh: Trí Tín

Nhiều nhà khoa học lo ngại, với cách trám, bịt các điểm rò rỉ, thẩm thấu ở phía thượng lưu đập thủy điện của chủ đầu tư bằng xi măng thông thường thì khó thể xử lý triệt để sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn khăng khăng: " Đập vẫn an toàn, việc xử lý sự cố thấm cho đập hoàn toàn trong tầm tay".

Kỹ sư Hoàng Xuân Hồng, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) cho biết: "EVN sử dụng công nghệ nào để xử lý sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn nằm trong vòng bí mật. Hiện chủ đầu tư vẫn chưa đặt ra yêu cầu chúng tôi tham gia xử lý sự cố".

Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam là tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu về xây dựng và quản lý đập, trong đó có nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc EVN và là thành viên có uy tín của Ủy hội đập lớn thế giới.

Ngay sau xảy ra sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2, nhiều nhà khoa học của hội này thống nhất đề xuất giải pháp: Cần tạo màng chống thấm phủ lên toàn bộ mặt thượng lưu đập kể cả từ mực nước dâng bình thường xuống tận đáy. Kiểm tra lại chất lượng của tất cả các vật chắn nước, cái nào hỏng thì phải làm lại. Khoan kiểm tra, thí nghiệm chỉ tiêu chống thấm của bê tông thân đập, đặc biệt là tại những chỗ gần các khe nhiệt, gần mặt thượng lưu đập để đánh giá chất lượng vật liệu.

Công nhân thu gom bê tông bị dồn ứ trong hầm, đổ ở phía đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.

Theo ông Hồng, giải thích về sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2 của EVN không dựa trên các kiến thức chuyên môn về đập. Họ cho rằng sự cố này do hệ thống các ống thu nước chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập là không chính xác.

"Theo tôi có 4 nguyên nhân có thể gây cho đập bị thấm nước. Cụ thể, một là vật chắn nước tại các khe nhiệt bị hỏng. Hai, xuất hiện vết nứt trong thân đập hoặc phần dưới nước mặt thượng lưu đập mà với mắt thường không thể phát hiện được. Ba là bê tông ở xung quanh các khe nhiệt bị rỗng. Bốn là lớp bê tông ở phía trước mặt đập kể cả lớp bê tông biến thái (dày 60 cm) không được đầm chặt nên mặt trước của đập bê tông bị rỗng nhiều nơi vì ngập nước không thể phát hiện được", ông Hồng phân tích.

Để xử lý triệt để sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2, các chuyên gia thống nhất quan điểm cần thành lập ngay đoàn công tác độc lập (kể cả mời chuyên gia giỏi, tư vấn nước ngoài). Đoàn sẽ đánh giá tổng thể về mức độ an toàn cũng như phân tích chính xác, cụ thể nguyên nhân gây ra rò rỉ ở con đập này để có giải pháp khắc phục phù hợp.

Một số vị trí ở phía hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 nước vẫn còn thẩm thấu ẩm ướt. Ảnh: Trí Tín.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hiệp hội sông MêKông lo ngại: "EVN cần xử lý dứt điểm sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Nếu khắc phục qua loa, trét, trám xi măng như hiện nay thì khó xử lý rốt ráo sự cố ở con đập này, về lâu dài dễ gây thảm họa cho vùng hạ du".

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Nguyễn Quang Thử, Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết: "Dự kiến ngày 18/4, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ về huyện Bắc Trà My tổng kiểm tra, giám sát việc xử lý sự cố thấm của chủ đầu tư ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Theo đó, đoàn công tác sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp tục đề xuất Chính phủ xử lý dứt điểm sự cố thấm ở con đập này trước mùa mưa lũ năm nay".

Theo kế hoạch, trong tuần này, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để đề xuất giải pháp phù hợp xử lý triệt để sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2. Tại hội thảo này, Giáo sư Cao Đình Triều, Chuyên gia Viện Vật lý Địa Cầu cũng sẽ báo cáo đề tài nghiên cứu hiện tượng động đất kích thích ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.

Trí Tín

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/04/xu-ly-tham-dap-song-tranh-bang-xi-mang-se-kho-triet-de/