Xây dựng thôn, làng, khu phố văn hóa ở huyện Tân Yên (Bắc Giang)

Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích 203,4 km2, có 22 xã và 2 thị trấn với 369 thôn, khu phố, dân số gần 16 vạn người, có 6 dân tộc sinh sống gồm Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Cao Lan, Sán Dìu, đa số là dân tộc Kinh.

Thời kỳ đổi mới, Tân Yên là một trong các huyện được tỉnh Hà Bắc (cũ) lựa chọn chỉ đạo điểm về phong trào xây dựng làng văn hóa. Năm 1990, Huyện ủy, HĐND huyện Tân Yên có Nghị quyết chính thức về phong trào xây dựng Làng văn hóa và giao cho UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo phong trào trong toàn huyện. UBND huyện đã chọn các xã làm điểm là Đại Hóa, Cao Thượng, Quế Nham, đại diện cho 3 khu vực địa bàn dân cư. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa mới, Ban Chỉ đạo soạn thảo quy ước mẫu và tiêu chuẩn xét duyệt công nhận đơn vị đạt Làng văn hóa. Năm 1991 (kết thúc bước 1), 100% số xã trong huyện đã triển khai được chủ trương xây dựng Làng văn hóa mới, đưa vào kế hoạch kinh tế - xã hội của xã. Đến năm 1993, sau 3 năm triển khai chỉ đạo có 6 đơn vị đầu tiên dược công nhận Làng văn hóa cấp huyện: Thôn Ngò, Phú Thành (xã Đại Hóa), thôn Chung (xã Lam Cốt), thôn Đèo (xã An Dương), thôn Ngùi (xã Việt Ngọc), thôn Cầu Đen (xã Quang Tiến). Trong đó thôn Ngò đạt Làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên của huyện. Năm 1994, phong trào xây dựng làng văn hóa mới được đổi là "xây dựng Làng văn hóa" và trở thành nội dung trọng tâm của nếp sống văn hóa, cũng từ năm 1994, phong trào xây dựng làng văn hóa của tỉnh Hà Bắc được chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh.Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Huyện ủy ra Nghị quyết 08/NQ-HU ngày 29-6-1999 về việc phê duyệt Đề án xây dựng làng, thôn, xóm, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đây là sự tiếp nối và nâng cao phong trào xây dựng làng văn hóa được phát động từ năm 1989 ở huyện Tân Yên. Từ đây phong trào xây dựng làng văn hóa nằm trong cuộc vận động lớn "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với 7 phong trào cụ thể. Trong đó, phong trào xây dựng làng văn hóa là trọng tâm và tiêu biểu của huyện Tân Yên với những mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn cụ thể, chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả rõ nét. Sau 20 năm (1989-2009) toàn huyện có 1.707 lượt các thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện, trong đó 269 lượt đạt danh hiệu cấp tỉnh. Bình quân mỗi xã có 71 lượt thôn đạt làng văn hóa. Đây là kết quả thể hiện sự sâu rộng của phong trào, sự quan tâm, hưởng ứng của nhân dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp. Phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội, an ninh trật tự của mỗi thôn, xóm, khu phố. Phong trào phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, tăng nhiều hộ khá, hộ giàu đạt kết quả. Giảm hộ nghèo là tiêu chí cứng để xét gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa. Huyện đã xóa hộ đói, hộ nghèo giảm còn 7,99%. An ninh trật tự thôn làng được cải thiện và từng bước ổn định, các thôn, khu phố đề xây dựng quy ước an ninh riêng hoặc trong quy ước chung thì mục an ninh trật tự được quy định cụ thể. An ninh, trật tự, tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng thôn xóm được giữ vững. Phong trào nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh mẽ. 100% xã có quy hoạch khu văn hóa thể thao. 315/369 thôn, khu phố có nhà văn hóa, khu vui chơi, sân thể thao. Riêng trong 2 năm 2008, 2009, toàn huyện có 42 nhà văn hóa mới được xây dựng với số tiền 8 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 120 triệu đồng, huyện hỗ trợ 900 triệu đồng, xã hỗ trợ gần 800 triệu đồng, còn lại là đóng góp của nhân dân. 100% số thôn có cụm loa đài truyền thanh. Toàn huyện có 303 câu lạc bộ văn nghệ, 296 câu lạc bộ thể thao. Ngày Đại đoàn kết toàn dân (18-11) hàng năm được nhân dân đón đợi và tham gia, tổ chức trang trọng, vui tươi. Diện mạo thôn xóm, khu phố không ngừng đổi thay theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp nhưng vẫn bảo tồn được nét văn hóa truyền thống. Việc kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm được 100% các xã, thị trấn triển khai. Di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội được nhân dân chăm lo, tôn tạo, khai thác, phục vụ sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống. Cùng với các mặt chuyển biến trong việc thực hiện chính sách pháp luật, nghĩa vụ công dân, hoạt động từ thiện, nhân đạo của các làng văn hóa, khu phố văn hóa được nhân dân quan tâm hưởng ứng như: thực hiện nghĩa vụ quân sự, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, ủng hộ người nghèo... Môi trường văn hóa trong các làng thôn từng bước được cải thiện; việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang, lễ hội và các lễ tiết khác có chuyển biến tích cực. Việc cưới, tang đã giảm các hủ tục rườm rà, trong các đám cưới, tang thực hiện không mời thuốc lá, việc uống rượu có quy định cụ thể, không còn hiện tượng uống rượu tràn lan trong đám cưới, mời các ngày tuần tiết trong đám tang đã giảm. Lễ hội được tổ chức trang trọng, tưng bừng, vui tươi, an toàn, tiết kiệm phù hợp điều kiện của từng địa phương. Các lễ tiết khác được tổ chức gọn trong nội bộ gia đình.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=439679&co_id=30071