Xây dựng thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc, linh hoạt

Pháo binh là bộ phận quan trọng và là một trong những hỏa lực chủ yếu của quân đội ta. Trải qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nghệ thuật tác chiến pháo binh được hình thành và phát triển ngày càng cao, từng bước hoàn thiện về nội dung, sáng tạo về hình thức, trở thành một bộ phận không thể thiếu của nghệ thuật tác chiến binh chủng hợp thành.

Nghệ thuật tác chiến pháo binh của quân đội ta bao gồm nhiều nội dung, đa dạng về hình thức. Trước hết, đó là nghệ thuật xây dựng thế trận pháo binh hiểm hóc vững chắc, chuyển hóa thế trận linh hoạt, sáng tạo. Thế trận pháo binh trong chiến dịch thường do cách đánh chiến dịch quyết định và phải đạt được yêu cầu của chiến dịch đề ra. Thực tế qua các chiến dịch, các trận chiến đấu cho thấy, cách bố trí thế trận của pháo binh theo thế "pháo giằng", có thể hỗ trợ cho nhau bằng bắn thẳng hay bắn gián tiếp trong suốt quá trình chiến dịch, trận chiến đấu, với nguyên tắc "hỏa khí phân tán" nhưng khi cần vẫn nhanh chóng "tập trung được hỏa lực" vào khu quyết chiến để giành quyền chủ động về hỏa lực và cao hơn là thế trận để tiêu diệt địch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ có thế trận tốt mà ngày 23-4-1954, ta đã tập trung được hỏa lực chi viện cho bộ binh đánh tan quân địch phản kích ra sân bay Mường Thanh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhờ có thế trận hiểm hóc, vững chắc mà pháo binh vừa có thể khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, vừa đánh vào Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn, vừa chi viện cho cả 5 cánh quân tiến vào nội đô Sài Gòn - Gia Định... Trong điều kiện pháo đạn ít, kém hiện đại, để đánh thắng địch, ta phải không ngừng phát triển nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng pháo binh hợp lý, linh hoạt. Đây vừa là yêu cầu, vừa là sự độc đáo của nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” đã trở thành truyền thống của dân tộc ta, được vận dụng, phát triển trong tác chiến pháo binh. Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ta thường sử dụng từng khẩu đội đến trung đội (đại đội) pháo đặt gần bắn thẳng. Sau đó, sử dụng một số phân đội pháo, bí mật cơ động triển khai đội hình cùng các lực lượng khác theo một kế hoạch thống nhất của người chỉ huy binh chủng hợp thành trên từng hướng, khu vực chiến trường để chi viện cho bộ binh công đồn, vây lấn tiêu diệt địch. Đến kháng chiến chống Mỹ, nhờ sự lớn mạnh về tổ chức và vũ khí trang bị nên pháo binh đã tổ chức cụm pháo 3 cấp (cụm pháo binh trung đoàn, sư đoàn, chiến dịch) các tổ đội pháo chuyên trách, luồn sâu... một cách linh hoạt, phù hợp với ý định của chỉ huy binh chủng hợp thành. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), pháo binh đã tập trung đến 75% lực lượng pháo chiến dịch để chi viện cho bộ binh tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, pháo binh đã tập trung hơn 90% lực lượng hiện có, tổ chức thành các cụm pháo chiến dịch, pháo đi cùng... để tạo nên thế trận áp đảo về lực lượng và hỏa lực, chi viện hiệu quả cho các đơn vị bộ binh tiêu diệt địch. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, pháo binh ta với lực lượng ít hơn địch, nhưng đã biết phát huy có hiệu quả cách đánh hiệp đồng, độc lập và vận dụng khéo léo giữa đánh hiệp đồng với đánh độc lập, giữa đánh gần với đánh xa. Bằng đánh hiệp đồng, pháo binh đã chi viện kịp thời có hiệu quả cho bộ binh, xe tăng trong chiến đấu, nhất là trong các chiến dịch lớn. Với cách đánh độc lập, pháo binh bằng lực lượng nhỏ (một vài khẩu cối, ĐKZ...) đã tập kích hỏa lực vào các sở chỉ huy, trung tâm thông tin, trận địa pháo... nơi được coi là an toàn nhất của địch. Trong nhiều chiến dịch, trận đánh, ta còn dùng các đội “pháo lủi” luồn sâu, ém sẵn và tích cực cơ động đánh địch. Các cuộc chiến tranh trong tương lai (nếu xảy ra) diễn ra trên phạm vi rộng với phương thức tổng lực, địch sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao với quy mô lớn. Để phát huy vai trò hỏa lực của pháo binh và giành thắng lợi cuối cùng, ta cần phải tiếp tục tổng kết, nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến pháo binh và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Trước hết tập trung vào xây dựng lực lượng pháo binh ba thứ quân vững mạnh, cân đối, có số lượng hợp lý, chất lượng cao. Xây dựng đồng đều các lực lượng: Pháo binh bộ đội chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ, đặc biệt là lực lượng pháo binh trên các vùng biển, đảo để các lực lượng này có thể độc lập hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng đến yếu tố con người, trước mắt cần phải áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ để cải tiến, sản xuất và sử dụng có hiệu quả các vũ khí trang bị hiện có, đồng thời kết hợp mua sắm một số vũ khí, khí tài hiện đại để nâng cao hiệu quả chiến đấu pháo binh trong tương lai. Ngay từ thời bình, ta chủ động xây dựng thế trận pháo binh vững chắc, hiểm hóc; điều chỉnh thế bố trí của các lực lượng pháo binh trên các vùng, miền... để bảo đảm sức mạnh chiến đấu tại chỗ, bảo đảm cơ động nhanh theo yêu cầu, nhiệm vụ. Trong bố trí lực lượng phải tính đến khả năng địch sẽ tìm mọi cách để chia cắt chiến lược và dùng vũ khí công nghệ cao tiêu diệt lực lượng pháo binh. Bên cạnh đó, phải dựa vào thế trận các khu vực phòng thủ địa phương và thế trận của lực lượng tại chỗ, triệt để tận dụng và cải tạo địa hình để bố trí lực lượng pháo binh. Cần tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, diễn tập cho các đơn vị pháo binh, chú trọng diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập khu vực phòng thủ địa phương có sự tham gia của lực lượng pháo binh ba thứ quân. Nâng cao trình độ chỉ huy tham mưu cho đội ngũ sĩ quan, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên chuyên môn, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Thực hiện huấn luyện cho bộ đội đánh giỏi bằng vũ khí có trong biên chế và thành thạo khi được tăng cường... Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/52/52/116417/Default.aspx