Vượt lên bệnh tật để trở thành nhà biên kịch

Sống là phải làm việc và cống hiến để trả nợ đời.

Thi viết 'Tôi lập trình tương lai' trên iOne và Vnexpress

Sống là phải làm việc và cống hiến để trả nợ đời. Cuộc sống đã ban cho ta một góc trời riêng với biết bao điều thú vị mà không có thứ tiền bạc nào có thể mua được. Từng phút giây còn được thở thì nên nỗ lực hết mình mới xứng làm người.

Tuy nhiên, thực tế bệnh tật hiểm nghèo của tôi bây giờ không cho phép tôi tiếp tục nuôi những ước mơ to tát, làm những việc lớn lao như hồi còn là chàng trai khỏe mạnh với biết bao hoài bão và dự định được. Một việc làm phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và sống được với nó là quá hạnh phúc rồi. Tôi đang phấn đấu để đạt được điều đó vì may mắn là tôi đã nuôi được cho mình một đam mê - sáng tác văn chương.

Niềm đam mê ấy không phải tự nhiên đến với tôi. Tôi phải chọn lấy nó như là cứu cánh của đời mình. Viết lách làm tôi thấy nhẹ lòng đi rất nhiều, tôi đã chứng minh, thuyết phục cho cả gia đình rằng việc tôi hằng ngày hí hoáy cùng mấy con chữ trên màn hình máy tính là không hề tốn điện một cách vô ích. Những bài báo, tản văn, truyện ngắn, thơ, các bài viết dự thi của tôi nhanh chóng được gửi đi nhờ email, và một nửa số đó có nhuận bút.

Đặc biệt bài viết “Viết báo giúp tôi vượt lên mặc cảm tật nguyền” đã đạt giải Nhì cuộc thi viết “Ước mơ của tôi”. Giải thưởng đem lại cho tôi hơn 3 triệu đồng tiền mặt thực sự là món tiền lớn nhất mà tôi kiếm được trong đời mình cho đến lúc này.

Chưa hết, suất học bổng 350 USD của FPT Arena cho một khóa học Thiết kế đồ họa làm tôi thấy mình thật may mắn, nhưng thật tiếc là tôi không thể đến trường vì việc đi lại của tôi là vô cùng khó khăn. Mà thực sự là tôi chưa thấy niềm say mê ở ngành nghề ấy. Tôi sẽ làm được gì nếu thiếu đam mê và nhiệt huyết?

Tôi muốn trở thành một nhà biên kịch thật giỏi. Ảnh minh họa.

Tôi đã có kế hoạch cho công việc của mình. Tự học và tự trau dồi kỹ năng viết để trở thành người cầm bút chuyên nghiệp với hy vọng tràn trề là các tác phẩm của mình có ích cho đời và biết đâu mình có thể nuôi được mình từ những con chữ.

Giờ đây, cha mẹ và mấy đứa em phần nào yên tâm về tôi, tin tưởng vào việc làm tự mày mò của người con trai cả là tôi. Và việc “vọc vậy” máy tính không còn phải lo cha mẹ cằn nhằn rầy la vì điện tăng giá nữa. Cũng phải nói rằng nếu không có chiếc máy tính của bạn bè tặng thì không biết giờ này tôi sẽ thế nào.

Chính máy tính đã đưa tôi đến với công việc hiện nay: sáng tác. Chính mạng ảo đã mở ra cho tôi một chân trời mới với những giá trị hoàn toàn có thực và vô cùng lớn lao. Tôi đến với các thông tin trên mạng một cách dễ dàng, đặc biệt là thể lệ các cuộc thi viết. Tất nhiên là tôi đã phải cật lực để học hỏi cách sử dụng máy, tập đánh máy bằng cả mười ngón tay mà không cần nhìn bàn phím để dễ dàng viết bài và chỉnh sửa các bài viết của mình trên máy tính.

Nhờ tiếp cận Internet mà các sáng tác của tôi được gửi đi trong nháy mắt tới các tòa soạn. Những hồi âm liền sau đó, những cuộc điện thoại hỏi han bài vở của tôi, rồi nhuận bút mà tôi được nhận dù ít ỏi nhưng thực sự đã làm tôi thấy hạnh phúc vì những tác phẩm của mình có ích, được mọi người đón nhận.

Tôi tự hào rằng việc viết lách của mình là cả một niềm say mê và cực kỳ nghiêm túc. Tôi không thể chạy nhảy như người bình thường nhưng tôi đã có thể bay lên bằng chính đôi cánh niềm tin của mình. Thật không uổng công vô ích cho những tâm huyết mà tôi đã dành vào viết lách.

Ước mơ trở thành một nhà biên kịch hoặc một người viết chuyên nghiệp cứ lớn dần trong tôi. Thật tuyệt vời nếu tôi có thể tham gia một khóa đào tạo viết kịch bản. Nhưng tôi đành gác lại dự định vì học phí khá cao. Tôi sẽ chờ một cuộc thi viết nào đấy để “săn” học bổng cho khóa học làm biên kịch.

Tự học cũng tốt nhưng có thầy chỉ bảo tận tình thì chắc chắn còn tốt hơn. Nhưng không sao cả, máy tính nối mạng đã là người thầy của tôi, nhờ đó mà tôi biết thế nào là một kịch bản phim, cách viết kịch bản phim, được đọc những kịch bản hay mà không phải mất tiền. Ngồi một chỗ nhưng cả bầu trời tri thức được mở toang với biết bao điều hấp dẫn, thú vị trước mắt mình.

Tinh thần tự học của tôi càng lên cao hơn khi có nhiều ý kiến cho rằng viết kịch bản nói riêng hay sáng tác văn chương nói chung phần nhiều là do tự sáng tạo, không nhất thiết phải đến lớp để học. Có những sinh viên ra trường mà chẳng viết nổi một kịch bản ra hồn dù đã được đào tạo có bài bản.

Thế là tôi càng ra sức tự học và đổi mới cách viết. Tôi tin mình vẫn có cơ hội thành công, quan trọng vẫn là ở mình, do mình cả. “May mắn sẽ đến với tôi nếu tôi chăm chỉ”, Bill Gates đã dạy thế đấy. Nhưng nếu không có Internet với nguồn tài nguyên dồi dào thì tôi cũng như “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.

Tôi dành thời gian nghiền ngẫm các tác phẩm văn chương kinh điển trong, ngoài nước. “Sông Đông êm đềm” của đại văn hào Nga M. Sholokhop chẳng hạn. Thật hạnh phúc biết bao vì tôi còn được sống để đọc tác phẩm vĩ đại ấy. Tư tưởng, văn phong của ông đã cho tôi thật nhiều cảm hứng để những sáng tác của tôi ra đời. Tôi tập viết kịch bản và luôn giữ thói quen đọc sách.

Xem những bộ phim hay trong nước và thế giới cũng là cách để tôi tiếp cận nhanh chóng với kịch bản phim, các tình huống để đời trong phim, và cách thể hiện chúng trên kịch bản. Về đêm, tôi dành 30 phút trước khi ngủ để nghe những câu chuyện đêm khuya của đài phát thanh. Xem, nghe cũng là cách học của tôi.

Đến với những câu chuyện đời, chuyện người với biết bao vui buồn, hạnh phúc lẫn trớ trêu cùng những chuyện dở khóc dở cười xung quanh mình đã cho tôi những trăn trở để “đẻ” ra bài vở. Đó là những tư liệu phong phú cho những tác phẩm kế tiếp của tôi. Chắc chắn không chỉ là kịch bản mà còn ở các thể loại khác. Nhưng tôi sẽ tập trung cho việc viết kịch hơn vì tôi được biết rằng nếu viết tốt kịch bản thì có thể có thu nhập ổn định. Điều đó càng thôi thúc tôi làm việc.

Đọc, nghe, xem, viết là những việc hằng ngày của tôi, tôi luôn để tâm tập trung vào đó để tìm lối đi cho các tác phẩm của mình. Tìm một lối đi riêng là rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể. Để làm được điều đó thì không còn cách nào khác là phải luôn nêu cao tinh thần tự học hỏi, chuyên cần viết và trau dồi kỹ năng viết.

Tôi sẽ không không nản chí nếu thất bại, mà cần phải xem lại mình đã mắc phải lỗi nào, có chỗ nào không ổn trong nội dung bài viết, đặc biệt là cách viết. Mỗi sáng tác của tôi là một đứa con tinh thần. Tôi dành tâm sức để “nuôi dạy” chúng một cách cẩn thận và cực kỳ kiên nhẫn. Tôi không muốn bị người đời chê chúng là “con hư”. Vì thế nên tôi phải cẩn trọng trong từng câu chữ của mình, viết đi rồi sửa lại rất nhiều lần cho đến khi thấy được mới gửi bài.

Nhiều nhà văn khuyên rằng cứ viết bất cứ điều gì bạn thích về xung quanh, không nhất thiết là tiểu thuyết mà có thể là một câu chuyện ngắn hóm hỉnh, một vở kịch có nhiều điều để ngẫm, làm thơ, viết báo chẳng hạn, nên linh hoạt.

Tóm lại là hãy luôn viết và viết không ngừng, phải luôn sản xuất ra con chữ trên bản thảo, tất nhiên đó phải là những con chữ có ích, có nghĩa với cuộc đời. Đó sẽ luôn là kim chỉ nam trong sáng tác của tôi. Tôi đã chọn những cuộc thi viết phù hợp để biết khả năng của mình đến đâu. Dựa vào đó, tôi lên kế hoạch viết bài cho cả năm và trong vài năm tới.

Cuộc sống thường chứa quá nhiều điều mà mình không mong muốn. Việc viết lách của tôi cũng vậy, đôi khi cũng thật rỗng tuếch, nặn không ra vấn đề để viết, đẻ không ra chữ. Hằng ngày tôi phải tự đấu tranh với chính mình, cố gắng không để xảy ra điều đó. Tôi quên mất rằng cuộc sống muôn màu xung quanh mình có vô vàn chuyện có thể tạo nên chủ đề để viết. Và khi bắt tay vào viết thì không xa rời chủ đề mà mình đã nắm bắt. Khi ấy tôi nhớ đến lời Bác Hồ dạy: “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.

Tôi nhận thêm việc dạy kèm để khỏa lấp những lúc thiếu ý tưởng, vừa có thêm thu nhập, vừa tạo hứng khởi cho việc viết lách. Rõ ràng là tôi có rất nhiều việc để làm. Một ngày chật kín lịch làm việc, chẳng còn thời gian bù khú với bạn bè nữa nên tôi chẳng còn hơi đâu mà buồn về bệnh tình của mình.

Tất nhiên là tôi không quên tự chăm lo cho sức khỏe của mình. Đến giờ ăn là phải ăn, mệt mỏi thì phải nằm, hết giờ ngủ là phải dậy. “Chẳng có ước mơ nào trở thành hiện thực nếu bạn không thức dậy làm việc”, đã có một câu danh ngôn dạy như thế, tôi luôn tin và làm theo. Không nhất thiết phải theo quan điểm cho rằng việc viết lách là phải luôn luôn trong tình trạng “vò đầu gãi tai”, vật lộn thao thức thâu đêm suốt sáng. Chúng ta sẽ làm được gì khi đầu óc cứ luôn căng thẳng và mệt mỏi vì thiếu ngủ?

Thế đấy, bằng việc lấy lại tinh thần mà vực mình dậy và tìm cho mình công việc phù hợp với bản thân thì tôi đã là tôi, một tiểu vũ trụ trong bao la vũ trụ, không hổ thẹn với trời đất vì tôi đã chiến thắng chính mình.

Bệnh tình thêm nặng không hề sợ
Mừng vì đầu vẫn không trống không
Bao nhiêu ý tưởng tha hồ họa
Viết thỏa sức xuân chí tràn căng.

Tôi sống và làm việc theo tuyên ngôn mà mình tự đề ra như vậy.

Phạm Anh Xuân

Thể lệ cuộc thi viết "Tôi lập trình tương lai"

- Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30.

- Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người.

- Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

- Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi.

- Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ.

- Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết.

- Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net và chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức.

- Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về: xahoi@vnexpress.net và nhipsong@ione.net .

Tweet

biên kịch , ước mơ. , bệnh tật

Nguồn VnExpress: http://ione.net/tin-tuc/hoc-duong/2011/12/20578-vuot-len-benh-tat-de-tro-thanh-nha-bien-kich.html