“Vững vàng vượt qua thử thách – Kỹ năng cần có của HS trong xã hội hiện đại”

(GD&TĐ) - Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh bước vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH. Trước tính chất quyết định của kỳ thi này, cộng với “sức ép” về khối lượng kiến thức, về thời gian ôn tập…, không ít thí sinh rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, lo lắng, chưa tự tin vào khả năng của mình dẫn đến kết quả thi không đạt như mong đợi. Xung quanh vấn đề chuẩn bị tâm lý cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, cũng như trạng thái tâm lý “sau thi”, GD&TĐ đã cùng trò chuyện với PGS. TS tâm lý học Trần Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sau ĐH – Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý, Học viện Quản lý giáo dục.

(GD&TĐ) - Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh bước vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH. Trước tính chất quyết định của kỳ thi này, cộng với “sức ép” về khối lượng kiến thức, về thời gian ôn tập…, không ít thí sinh rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, lo lắng, chưa tự tin vào khả năng của mình dẫn đến kết quả thi không đạt như mong đợi. Xung quanh vấn đề chuẩn bị tâm lý cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, cũng như trạng thái tâm lý “sau thi”, GD&TĐ đã cùng trò chuyện với PGS. TS tâm lý học Trần Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sau ĐH – Bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý, Học viện Quản lý giáo dục.

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng

PV: Thưa bà, dưới góc độ của một nhà tâm lý, bà nhìn nhận như thế nào về hiện tượng: không ít thí sinh trước những kỳ thi quan trọng như kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH cảm thấy rất hoang mang, lo lắng, học không vào? Để giúp thí sinh có tâm lý vững vàng trước kỳ thi, bà có lời khuyên nào với các em?

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng: Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em HS lớp 12 phải chuẩn bị đón nhận kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH- một kì thi được coi là đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của mình. Như vậy, chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng, các em liên tiếp phải trải qua 2 kỳ thi rất quan trọng. Vì vậy “ sức ép” tâm lý đối với các em là rất lớn. Trong khi đó, các em còn ở lứa tuổi rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa trải qua những căng thẳng như vậy trong cuộc sống, nên rất dễ dẫn đến tâm lý quá lo lắng, hoặc quá thờ ơ trước những kì thi quan trọng này.

Như vậy, đòi hỏi các em phải chuẩn bị cho mình một tâm lý tốt để bước vào kì thi đạt kết quả.

Để có được tâm lý thật tốt trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, trước hết, các em phải chuẩn bị tốt về mặt thể chất, có được cơ thể khỏe thì tinh thần mới sảng khoái và đầu óc mới minh mẫn để làm bài. Muốn vậy các em phải biết giữ gìn sức khỏe, bố trí thời gian học tập, nghỉ ngơi và đặc biệt phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Có không ít em nhất là các em nữ do sợ béo nên ăn ít để “giữ eo”, dẫn đến sức khỏe không đảm bảo để ôn thi, đến ngày thi lại bị ốm và không làm bài thi được. Như vậy, có thể thấy rằng, tình trạng thể chất của các em có tác động trực tiếp tới kết quả thi.

Bên cạnh đó, kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH là kỳ thi có tính chất quyết định, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời các sĩ tử. Do đó, bản thân các thí sinh cũng phải có ý thức, có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý. Các em cần xác định được rằng: tích lũy kiến thức cần cả một quá trình, ôn tập là hệ thống hóa lại kiến thức đã có, vì vậy việc học không thể theo kiểu “ học gạo” học gấp rút là có kết quả. Trong thời gian này một số em thấy hiện tượng mình chụi khó học nhưng không nhớ được, hay trạng thái chú ý không tốt. Hiện tượng này là tất yếu của quy luật tâm lý. Bởi khả năng chú ý, sự hoạt động thần kinh của mỗi người là có giới hạn. Chúng ta không thể bắt bộ não của mình hoạt động quá tải – chưa nói đến sẽ dẫn đến hiện tượng tâm lý khác như trầm cảm. Chính vì vậy các em cần kết hợp hài hòa việc học ôn tập và nghỉ ngơi thư giãn một cách hợp lý. Nếu xác định được những điều trên và hiểu được rằng ai cũng có tâm trạng lo âu trước một kì thi thi cử, ta sẽ tạo cho mình một tâm thế vững vàng, các sĩ tử sẽ cảm thấy vững tâm hơn, tự tin hơn khi bước vào kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH.

Và tất nhiên, để có thể vững vàng bước vào bất cứ kỳ thi nào, HS cần ôn tập thật tốt, bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt, củng cố những kiến thức đã được học. Khi đã có nền tảng kiến thức vững chắc, các em sẽ cảm thấy tự tin, vững vàng trước các kỳ thi.

Ở đây cũng lưu ý một trạng thái “ xả hơi” sau kì thi tốt nghiệp ở một số em học sinh. Trạng thái này cần chấm dứt trong thời gian ngắn thì các em mới có thể chuyển sang trạng thái mới đó là chuẩn bị tâm thế bước vào kì thi đại học , cao đẳng tiếp theo

PV: Trong giai đoạn HS lớp 12 đang gấp rút ôn luyện để bước vào kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, nhiều bậc phụ huynh cũng cảm thấy hồi hộp, lo lắng thay cho con. Sự lo lắng của cha mẹ có khi lại làm tăng thêm áp lực thi cử vốn đã nặng nề với các em HS. Vậy, trong thời điểm này, các bậc phụ huynh có con em đang chuẩn bị “vượt vũ môn” cần có cách ứng xử, thái độ như thế nào cho phù hợp, thưa bà?

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng: Làm cha mẹ ai cũng quan tâm lo lắng cho cuộc sống và nhất là tương lai nghề nghiệp của con cái. Vì vậy trước kì thi liên quan trực tiếp đến tương ai nghề nghiệp của con nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng. Có một số cha mẹ tâm sự, sự lo lắng của họ còn hơn cả con. Điều này chúng ta nhận thấy trên gương mặt của các bậc cha mẹ khi đưa con đi thi đại học và cao đẳng. Song theo tôi cha mẹ không nên thể hiện tâm trạng của mình trước con cái trong những lúc này. Và đặc biệt không dùng những lời mang tính dọa nạt đối với con vì góp phần tạo thêm áp lực tâm lý đối với các em. Trong thời gian này cha mẹ phải người giúp các em giảm bớt căng thẳng, xây dựng niềm tin tạo tâm lý vững vàng chiến thắng ở các em.

Để giúp con bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, các bậc phụ huynh cần cung cấp cho con một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho các em bằng cách theo dõi, nhắc nhở các em có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Lưu ý cần tránh hiện tượng thái quá, sợ con ốm mà thực hiện chế độ ăn không hợp lý, hay vì quá lo lắng cho kết quả thi của con mà thúc dục con học ngày học đêm. Điều này là phản tác dụng. Thay vì ép các con học, phụ huynh hãy cùng con thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, giám sát kế hoạch ôn tập và nghỉ ngơi của con, nếu có biểu hiện ở con mình mệt mỏi, căng thẳng thì hãy động viên và cùng con tham gia dạo chơi, đi shopping… để giúp con thư giãn và có tinh thần khỏe mạnh

Cách ứng xử đúng đắn của các bậc phụ huynh trong thời điểm này là động viên con em mình một cách nhẹ nhàng, khích lệ sự tự tin của các em, đồng thời cũng giúp các em hiểu rằng kết quả thi tùy thuộc vào năng lực, vào trạng thái tâm lý, sức khỏe… của các em, và sẽ có nhiều con đường cho các em lựa chọn sau kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, chứ không nhất thiết chỉ có con đường vào ĐH.

Nếu các bậc phụ huynh làm được như vậy thì không chỉ giúp các thí sinh giảm đi sức ép, áp lực thi cử, mà còn giúp các em thấy gia đình thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các em về mặt tinh thần, từ đó giúp các em vững tâm bước vào kỳ thi có tính chất “sống còn” sắp tới. Đồng thời, những lời động viên nhẹ nhàng, tế nhị của bố mẹ cũng giúp sĩ tử thấy được trách nhiệm của mình và tự giác học tập, tham gia kỳ thi đạt hiệu quả, và các em thấy rằng tương lai của mình luôn rộng mở, cho dù kết quả của kỳ thi không được như mong đợi.

Mặt khác, các bậc phụ huynh cần nắm bắt được những năng lực, sở thích của con mình để định hướng các em trong việc chọn trường, chọn nghề, chọn hướng đi tương lai cho phù hợp. Khi đã có sự lựa chọn phù hợp, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình và kết quả thi cũng sẽ tốt hơn.

PV: Trong thi cử có thắng, có bại. Trong trường hợp thi trượt ĐH, các em HS cũng như phụ huynh cần làm gì để vượt qua cú sốc này?

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng: Tâm lý của người đi thi ai cũng mong muốn mình đỗ đạt và đạt kết quả cao. Song thực tế đôi khi kết quả thi không được như mong đợi, có em thi trượt đại học. Vì vậy các em rất buồn. Đã có em có hành vi tiêu cực làm thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Để không có trạng thái tâm lý quá sốc khi gặp thất bại trong thi cử, các sĩ tử phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận mọi kết quả thi có thể xảy ra và xác định được rằng, thi trượt ĐH không có nghĩa là cánh cổng đến tương lai của các em bị đóng lại. Đặc biệt, trong trường hợp này, các bậc cha mẹ phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con em mình, phải động viên, khích lệ, gần gũi các em nhiều hơn chứ không nên góp phần làm tăng thêm sự buồn chán, hoảng loạn của các em, bằng những lời mắng mỏ, thậm chí sỉ vả vì kết quả thi không như kỳ vọng của bố mẹ. Các bậc phụ huynh cần phân tích cho con em mình hiểu rằng, các em có thể vào đời bằng nhiều con đường khác nhau, còn rất nhiều cánh cửa khác mở ra trước mắt các em và các em còn rất trẻ. Khi đã nhìn thấy được tương lai của mình vẫn rộng mở, các em sẽ vững tâm hơn, tin tưởng vào ngày mai, sẽ nhanh chóng đứng dậy sau cú sốc này.

PV: Thực tế cho thấy, những HS không được trang bị các kỹ năng để vượt qua thử thách (trong đó có các kỳ thi quan trọng như thi ĐH) thì sẽ không biết cách giải quyết những khó khăn trước mắt và khi vấp ngã sẽ khó đứng dậy. Vậy, để HS có thể vững vàng trước những khó khăn, thử thách, nhà trường và các bậc phụ huynh cần chú trọng điều gì, thưa bà?

PGS. TS Trần Thị Minh Hằng: Để HS có thể vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nhà trường và các bậc phụ huynh cần chú trọng đến việc GD kỹ năng sống cho các em, trong đó có kỹ năng làm chủ cảm xúc của bản thân là quan trọng. Để các em có được kỹ năng này, trong quá trình học tập cũng như ngoài giờ học, các nhà giáo dục cần trang bị cho các em vốn hiểu biết về cuộc sống trên các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, tư duy, con người…, đặc biệt là hiểu biết về xã hội để các em có thể nhìn nhận, đánh giá đúng về các hiện tượng, xu thế… trong xã hội, từ đó định cho mình một hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh của bản thân.

Bên cạnh đó, các em còn phải biết tự đánh giá năng lực của bản thân để không tự ti, rụt rè, nhưng cũng không quá kỳ vọng vào kết quả những việc làm của mình. Như vậy, các em sẽ lường trước được phần nào kết quả công việc mình làm và không quá sốc nếu kết quả không được như mong đợi.

Đặc biệt, các em cần rèn luyện kĩ năng kiềm chế cảm xúc của bản thân, không được để cảm xúc quá “bùng nổ”, rơi vào trạng thái khó kiểm soát. Nếu rèn luyện được kĩ năng này, các em sẽ dễ dàng đứng dậy sau vấp ngã để có thể tiếp tục vững bước trên con đường đời còn rất dài của mình. Và những con người biết đứng dậy sau vấp ngã mới là những người xã hội hiện đại đang cần, mới là những người có ích cho xã hội và cho chính bản thân mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ninh Kiều (Thực hiện)

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/3064/201207/Vung-vang-vuot-qua-thu-thach-%E2%80%93-Ky-nang-can-co-cua-HS-trong-xa-hoi-hien-dai-1962466/