Vòng tròn Nairobi

Hai ngày ở Nairobi (thủ đô Kenya) đã cho tôi nhiều cảm xúc trái ngược nhau và thấy thêm nhiều chiều của cuộc sống. Sự trong sáng, hồn nhiên của những đứa trẻ tương phản với sự ngạo ngược của những gã da đen đường phố, sự lạnh lùng của những viên cảnh sát.. Cũng như màu da đen có nhiều thang bậc, sắc độ và được tôn lên bởi màu nóng rực rỡ như đỏ, vàng, cam... ­Đó mới là cuộc sống!

Nairobi, thành phố “trộm cướp”

Nairobi được đặt tên qua Lonely Planet là Nairobbery (tiếng Anh nghĩa là thành phố trộm cướp). Chính quyền Nairobi cảnh báo: Khách du lịch không được đi bộ ra phố ban đêm nhất là qua những chỗ vắng thiếu ánh sáng. Nạn cướp giật, hãm hiếp đã xảy ra và không phải là thiểu số. Thế nên đi chưa đầy 1km từ khách sạn tôi ở ra khu Market để ăn đêm cũng phải leo taxi. Chưa kể có trường hợp dân giang hồ đập vỡ kính xe taxi giật đồ của khách.

Tôi muốn chụp ảnh một khu chợ to nhất ở Nairobi, nhưng Rafael - tài xế của tôi - bảo muốn chụp phải thuê 1 cảnh sát với giá 40 usd một buổi kèm bữa ăn trưa vì khu chợ này trước đây từng là điểm bị đánh bom của bọn khủng bố. Việc chụp ảnh có thể bị nghi là chụp thực địa để chuẩn bị cho đánh bom…

Nói chuyện cảnh sát, tôi đã được nhắc nhở nhiều lần rằng đừng có chụp cận cảnh các tòa nhà, khu chợ kẻo lôi thôi to. Nhưng tôi không ngờ rằng khi tôi chụp cảnh từ xa một công trình đang xây dựng với tele 200 mm thì một giọng nói lạnh không cảm xúc vang lên: “Mời ông lên xe”. Quay lại hết hồn, xe cảnh sát với 3 ông mặt sắt đen sì ngay cạnh. Lên xe, họ đòi xem hộ chiếu và hỏi đi hỏi lại: “Ông chụp làm gì?” và suýt rước tôi về đồn.

Chuyện người Việt 15 năm sống ở Nairobi

Người da đen thích mặc đồ sặc sỡ cho nổi màu da, màu ưa thích nhất là màu đỏ tràn ngập khắp nơi,có cô còn chơi nguyên áo vàng, quần đỏ và bra màu xanh cứ nổi bần bật. Đen da nhưng răng trắng kinh hoàng và giữa lòng bàn tay của họ là màu nhờ nhờ, không ra đen không ra trắng. Đi lẫn vào trong đám đông da đen, tôi cố tìm người da vàng Việt Nam...

Người Việt sống ở Nairobi rất ít, chị Nguyễn Bích Hạnh sống ở Nairobi được 15 năm bảo”. Biết chắc là có 9 người Việt Nam (kể cả 2 trẻ em, teenagers của 1 gia đình Việt Nam bố làm cho Liên Hợp Quốc), còn lại 6 phụ nữ Việt Nam, có thể cũng có những người Việt Nam khác nhưng không biết nhau được, có thì cũng chỉ thêm 2, 3 người nữa thôi.

Chị Hạnh lấy chồng người Mỹ là chief (sếp) của một bộ phận ở UN. Chị nhanh nhẹn, hoạt bát, xử lý mọi việc cứ nhẹ như không, phóng xe hơi vèo vèo, toàn gọi chồng là “ông Tây”.

Khi hỏi “ấn tượng đầu tiên khi đến Kenya”, chị kể: “Sao mà họ lại nghèo khổ thế, phát triển chậm sau Châu Á như là cả thế kỷ ấy. Người nghèo thì nghèo rớt mồng tơi mà người giàu thì giàu nứt đố đổ vách, không thấy có tầng lớp trung gian như ở các nước khác”.

Có điều lạ khi đến Kenya là ai cũng ngỡ nơi này nóng lắm, nhưng sai toét. Chị Hạnh bảo: Thời tiết xích đạo ở Kenya thì tuyệt vời, không nóng lắm và không lạnh lắm quanh năm,nhiệt độ khoảng 22-30C. Lạnh nhất chỉ 12-15OC về đêm mùa đông. Nó ngược lại với mùa ở Châu Á. Hè thì là đông, mà mùa đông thì là mùa hè ở đây. Nairobi ở trên cao 1 dặm so với mực nước biển nên rất khô ráo. Mùa hè cũng không đổ mồ hôi.

Nhà chị Hạnh có khuôn viên rộng và đẹp, nhiều cây tỏa bóng mát, nuôi gà và cả... rùa. Dĩ nhiên là có bảo vệ - 1 anh da đen có nụ cười hiền.

Hỏi chị Hạnh,người Việt sống ở đây có lo lắng về an ninh không? Chị cười: An ninh về khủng bố (terrorism) thì không ai có thể đoán trước được lúc nào có thể xảy ra. Ở đây thì Al Shaabab (ở Somalia) là mối lo nhất của Chính phủ Kenya vì Somalia có biên giới với Kenya phía Đông Bắc.

Do Kenya lỏng lẻo về phía biên giới với Somalia từ lâu rồi, Somalia là nước nội chiến liên miên từ những năm 90. Cướp biển Somalia cũng là 1 trong những vấn đề nan giải cho toàn thế giới, nhất là những nước phát triển có tàu chở hàng đi qua bờ biển không biên giới gần địa phận của Somalia.

Nghề phát triển nhất ở Kenya là nghề bảo vệ (security guard) vì nhà ai cũng phải có người gác cổng 24/24h. Nhà nào cũng phải có hệ thống an toàn với nút nhạy cảm (sensors) ở tất cả cửa sổ, cửa ra vào để khi mình đi vắng và đêm nếu bị trộm cướp thì hệ thống an toàn sẽ kêu to để báo cho cơ quan trung tâm biết để đến hỗ trợ với xe backup....

Tuy nhiên, chị Hạnh cười: Nói chung, Kenya vẫn là 1 thành phố rất dễ chịu khi sinh sống và làm việc ở đây. Khí hậu tuyệt vời, có vườn thú thiên nhiên là một trong những vườn thú đẹp nhất thế giới và Châu Phi. Người dân nói chung hiền hòa và không có tham vọng lớn như dân nước khác nên cũng là một điều bất lợi cho họ. Nạn thất nghiệp rất cao. Lạm phát hàng năm là 20%. Nairobi va Kenya noi chung rất đắt đỏ so với Châu Á.

Khi biết tôi định vào Kibera, khu ổ chuột (Slam) có tiếng trên thế giới, nhiều người đã ngăn vì đây là khu cực kỳ bất an. Rồi thì tôi lên taxi và cứ vào, vẫn mang máy ảnh nhưng chỉ rút ra khi cảm giác an toàn.

Vào Trung tâm trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ với cái tên Ndugu Mdogo Rescue Centre thì chụp ảnh dễ hơn vì tôi đi cùng một người bạn làm cho UN, đã đến thăm và cho quà bọn trẻ nhiều lần.

Anh chàng to cao, lực lưỡng như Mike Tyson tên Jack Matika, quản lý kiêm thầy giáo trung tâm cho biết: hiện Trung tâm có khoảng 40 trẻ em, nhỏ nhất là 5 tuổi và lớn nhất là 14 tuổi. Một đứa trẻ vẫn luôn là một đứa trẻ, vì thế chúng cần tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết để có thể lớn lên bình thường trong cuộc sống.

So với trẻ em Việt Nam, những đứa trẻ ở Kibera tự nhiên và hiếu động hơn rất nhiều. Chúng không e ngại khách lạ mà sẵn sàng trình diễn những trò nhào lộn bắt mắt cho đến môn thể thao vua quen thuộc. Chúng chơi cờ bằng những nút chai, chúng nhảy múa, ca hát, chúng tận dụng mọi thứ để chơi. Và chúng nói lên ước mơ đầy tự tin. Đa phần muốn trở thành cầu thủ bóng đá, một số muốn là phi công, diễn viên, nhạc sĩ, Arafat - cậu bé nhỏ nhất, 5 tuổi - lại muốn thành Tổng thống Kenya, còn John thì muốn thành Tổng thống Mỹ như Obama.

Jack ra về cứ nắm tay tôi: Những đứa trẻ Kibera trong sáng và thông minh.Chúng rất nhớ anh, nhất định anh phải trở lại.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/khoa-hoc/vong-tron-nairobi-516832.bld