Việt kiều Pháp làm nông ở Đà Lạt

Một thời đất như ngủ yên, nay bỗng trùng điệp nông trại mọc lên tạo ra những hàng hóa khác biệt. Nguồn hàng ấy lớn lên cùng ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp của một Việt Kiều trên đất Đà Lạt.

Trang trại dâu Biofresh

Điều đặc biệt ở những con người đó là họ làm nông nghiệp không phải để thoát nghèo, vươn lên làm giàu (bởi họ không phải là người nghèo) mà để Đà Lạt có một mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu Pháp.

Trăn trở

Tôi đến Đà Lạt vào đầu năm âm lịch tết Ất Mùi và và ghé lại trang trại dâu tây trồng giống của Pháp của vợ chồng kỹ sư Nghiêm Văn Minh và Nguyễn Thị Bích Thủy trong khu du lịch hồ Than Thở, để được tận mắt chứng kiến cách làm “dâu tây sạch” như thế nào. Khi được kỹ sư Minh đưa đi tham quan một vòng, tôi nhận ra rằng, đây là nơi duy nhất của Đà Lạt có giống dâu tây Pháp, còn là trang trại của nhiều giống rau quả có nguồn gốc từ nước ngoài nhập về trồng mang tính thử nghiệm, với kỳ vọng bổ sung cho vùng đất này những giống mới trong bộ giống cây nông nghiệp.

Trang trại dâu tây này mới được hình thành nhưng khá nổi tiếng ở thành phố hoa bởi cách làm. Họ không nghèo đến mức phải trồng dâu tây bán kiếm tiền như những hộ nông dân khác. Hai vợ chồng trồng dâu tây Pháp là việc làm để “cho Đà Lạt có cái gì đó khác hơn, thú vị hơn, thu hút khách du lịch nhiều hơn” – như lời tâm sự của hai vợ chồng anh Minh – chị Thủy.

Anh Minh là người có nhiều năm sống ở Pháp. Khi về Việt Nam, lần đầu tiên ông được nếm trái dâu tây Đà Lạt – một trong những sản phẩm làm nên thương hiệu của thành phố này, thế nhưng kéo theo đó là những cảm giác ái ngại. Bởi nhiều nhà vườn không còn mặn mà với loại cây trồng này do sự thoái hóa về giống của dâu tây bản địa qua quá nhiều năm nhân giống.

Tâm sự với tôi, anh Minh cho biết, hơn 3 năm trước, vợ chồng anh gom góp mọi vốn liếng mua 2 ha đất ở Măng Ling (cách trung tâm Đà Lạt gần 20 km) để trồng dâu tây mang tính khảo nghiệm. Đi từ thất bại đến thành công, khoảng 1 năm nay, hai vợ chồng anh quyết định mở vườn dâu để vừa trồng khảo nghiệm vừa thí điểm mô hình du lịch vườn thu hút du khách. Trang trại dâu tây theo mô hình du lịch vườn của vợ chồng kỹ sư Minh bây giờ là Cty Sinh học sạch Biofresh có diện tích khoảng 2 ha.

Đưa tôi đi tham quan, anh Minh giới thiệu khá tỉ mỉ về hệ thống nước tưới. Hệ thống nước tưới của Biofresh khá chuẩn: Nước được bơm lên chứa vào bồn rồi qua hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất trước khi được đưa vào hệ thống tưới. Trong nhà kính, cây dâu được trồng trong chậu nhựa trên giàn cách mặt đất khoảng 1 m.

Anh Minh nói với tôi rằng, giống dâu này tôi nhập từ Pháp về, từ một anh bạn thân người Pháp đang có trang trại rộng đến hơn 300 ha chuyên sản xuất dâu và một số cây nông nghiệp khác. Bản quyền về giống dâu này thuộc Cty của người bạn bên Pháp nên khi đưa về Việt Nam để trồng thử nghiệm, dĩ nhiên là tôi phải tuân thủ theo luật bản quyền của thế giới. Sau vài năm khảo nghiệm hơn chục giống dâu tây của Pháp, hiện tôi đã chọn được 3 giống phù hợp với điều kiện của Đà Lạt là Mara des bois, Chalalotte và Maika- anh Minh hào hứng kể.

Tôi muốn gây dựng cho Đà Lạt một mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu Pháp.

“Nối dài” những ước mơ

Sau khi thành công với dâu tây, ông Minh tiếp tục nghiên cứu trồng dưa lưới trong nhà kính. Anh Minh tâm sự, do đất ở Đà Lạt “không sạch”, nên ông trồng dưa lưới bằng giá thể đựng trong chậu. Đây là phương pháp mới, vì thông thường dưa lưới trồng trực tiếp trên đất. Những vụ gieo trồng đầu tiên dưa cho trái rất bé, nhưng anh Minh không nản, tiếp tục nghiên cứu tìm cách khắc phục, bồi bổ thêm các chất dinh dưỡng cho cây.

Tháng 5/2015, vườn dưa lưới 3.000 m2, giống Pháp sau 3 tháng gieo trồng cho thu hoạch, trọng lượng mỗi quả từ 0,35-0,4 kg/quả, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Với 3 sào đầu tiên cho năng suất 5 tấn dưa, doanh thu đạt khoảng 650 triệu đồng.

Nói về chiến lược lâu dài, kỹ sư Minh không quan tâm nhiều đến lợi nhuận mà chỉ đau đáu một điều: “tôi muốn gây dựng cho Đà Lạt một mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu Pháp. Đà Lạt cần phải có một mô hình kiểu mẫu vài chục ha canh tác nông nghiệp công nghệ cao như thế ngay trong lòng thành phố để phục vụ khách tham quan. Và điều đặc biệt là phải sản xuất sản phẩm tốt để khách hàng quay lại mua hàng trong thời gian tiếp theo”.

Anh Minh tâm sự, để có được thành công như ngày hôm nay, bản thân ông đã phải đánh đổi bao công sức, thời gian và trí tuệ. Ông quyết tâm sẽ đi đầu trong việc sản xuất nông sản sạch đúng nghĩa cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.

DƯƠNG THỊ HOÀI NGỌC
BỘ NN – PTNT

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/viet-kieu-phap-lam-nong-o-da-lat.html