Việt - Lào, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời. Mối quan hệ đó là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc, tạo nên nền tảng thuận lợi để hai nước cùng tiếp tục phát triển, hướng tới tương lai bền vững.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Hà Nội năm 1966.

2012 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ Việt Nam - Lào, là năm được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước chọn làm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” nhằm thiết thực kỷ niệm hai sự kiện trọng đại là 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 -- 5/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 -- 18/7/2012).

Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong, ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Mối quan hệ đã được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và quân dân hai nước dày công vun đắp để không ngừng phát triển và được đúc kết thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt - Lào.

Cách đây 50 năm, vào ngày 5/9/1962, sau khi Hiệp định Genève về Lào được kí kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Bước vào thời kì mới - thời kì hòa bình, xây dựng đất nước, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, ngày 18/7/1977, hai nước đã kí Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.

Trong 35 năm qua, kể từ khi thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước đã có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu với nhiều kết quả khả quan. Nhiều văn kiện quan trọng về hợp tác giữa hai nước đã được ký kết. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của hai nước được nâng lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn cho cả hai nước.

Việc trao đổi đoàn cấp cao giữa Việt Nam - Lào được tiến hành thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện để hai bên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời trao đổi về những vấn đề lí luận và thực tiễn mới đặt ra, về công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền cơ sở…

Cũng thông qua các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao, lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã bàn bạc, đạt nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng tổng thể cho quan hệ giữa hai nước trong một thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm cho mối quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu, phát triển thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương của hai nước cũng được đẩy mạnh, bảo đảm vững chắc an ninh, an toàn trật tự của khu vực biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định; hợp tác ngăn chặn và phòng, chống các tội phạm xuyên biên giới.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong thời gian qua, việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Lào được đặc biệt quan tâm để tương xứng với mối quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước. Nội dung, hình thức hợp tác kinh tế Việt - Lào ngày càng được mở rộng, đa dạng, phong phú và đã đạt hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, quan hệ đầu tư trực tiếp của Việt Nam và Lào đã có những bước tiến vượt bậc. Hiện Việt Nam đang đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào, với hơn 400 dự án được cấp phép và tổng vốn đăng kí gần 5 tỉ USD. Các dự án của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực mà Lào có tiềm năng, thế mạnh như: nông, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, giao thông vận tải, dịch vụ, viễn thông…

Nhìn chung, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện ở Lào đã góp phần làm thay đổi cơ cấu, thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, năm 2011 đạt 734 triệu USD. Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Lào về thương mại. Hai bên đang phấn đấu để kim ngach hai chiều đạt 1 tỷ USD vào năm 2012 và đạt 2 tỷ USD vào năm 2015.

Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng đất nước được coi là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược lâu dài và được Đảng, Nhà nước hai bên hết sức quan tâm. Nếu như những năm đầu đổi mới, số cán bộ Lào được đào tạo, học tập tại Việt Nam còn hạn chế, thì những năm sau đó số lượng đã không ngừng tăng lên, bao trùm tất cả mọi ngành nghề, từ cán bộ lãnh đạo quản lý đến cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Số lượng cán bộ Lào được học tập, đào tạo tại Việt Nam đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước của Lào.

Mỗi năm, Việt Nam dành cho Lào từ 600 đến 700 suất đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Hiện nay, có gần 6.000 lưu học sinh Lào đang học tại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam và gần 500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học ở Lào.

Bên cạnh đó, hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường chặt chẽ và hiệu quả, góp phần bảo đảm vững chắc và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước, làm thất bại âm mưu và hành động của các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước. Việc xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, dự án tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới đang được triển khai tốt. Thực hiện chủ trương tăng cường liên kết kinh tế vùng miền, một số cửa khẩu quốc gia đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, nhằm tạo thuận lợi cho việc giao thương như Cửa khẩu Lao Bảo - Đen Xa Vẳn (đường 9), Cửa khẩu Cầu Treo - Nậm Phao (đường 8), Cửa khẩu Chalo (đường 12), Cửa khẩu Nậm Cắn (đường 7A), Cửa khẩu Phukưa (Attapư) - Bờ Y.

Một nét mới đáng khích lệ trong quan hệ hai nước là ngoài các tỉnh có chung biên giới, quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, thành của hai nước trong thời gian qua được mở rộng khá nhanh và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng; một số tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh, như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương và cả một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Lào.

Trong lĩnh vực đối ngoại, sự phối hợp và hợp tác giữa hai nước Việt - Lào luôn được tăng cường và đạt hiệu quả cao. Việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các hoạt động song phương, đa phương; tham khảo ý kiến, phối hợp với nhau trong các vấn đề liên quan tới Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết (NAM) cũng như các diễn đàn quốc tế khác, được hai bên tiến hành thường xuyên. Hai bên cũng chú trọng trao đổi kinh nghiệm về hội nhập quốc tế và khu vực, kinh nghiệm tham gia các chương trình hợp tác đa phương; phối hợp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong triển khai Tam giác phát triển; trao đổi thông tin, tham khảo ý kiến trong việc thực hiện các dự kiến Hành lang Đông - Tây, hợp tác tiểu vùng sông Mekong..

Nhìn lại suốt chặng đường phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào, từ thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc, đến xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế, đi lên chủ nghĩa xã hội, lại càng thấy rõ, từng bước đi lên, từng thắng lợi của cách mạng mỗi nước đều gắn liền với sự phát triển tốt đẹp của mỗi quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, một truyền thống quý báu, một quy luật phát triển, một sức mạnh vô địch, một tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, chắc chắn rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi được gìn giữ, vun đắp đúng như ý nguyện của Chủ tịch Lào Kaysone Phomvihane: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” và mối quan hệ đó sẽ không ngừng đơm hoa kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới./.

Mai Hằng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/viet--lao-tinh-sau-hon-nuoc-hong-ha-cuu-long/20127/143872.vgp