Vỉa hè hay lòng đường?

Vỉa hè sinh ra vốn để phục vụ người đi bộ, nhưng thực tế đang trở thành nơi bày bán hàng hóa, kê bảng hiệu, tủ, bàn ghế, để xe ở không ít tuyến phố. Tốc độ phát triển đô thị cùng mật độ phương tiện giao thông tăng nhanh, ùn tắc càng trầm trọng, các phương tiện lại lao lên vỉa hè còn người đi bộ tràn xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Trên nhiều tuyến phố ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh từ lâu người đi bộ không còn được đi trên vỉa hè, chỉ bởi vỉa hè đã biến thành chỗ kinh doanh và bãi gửi xe. Xe của khách lắm khi còn tràn xuống lòng đường làm cho đường phố vốn đã đông đúc, chật chội, nay càng bị thu hẹp và thường xuyên gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Quỹ đất dành cho giao thông đã ít, vỉa hè, thậm chí lòng đường biến thành nơi để mưu sinh, hậu quả khiến người đi đường luôn ức chế khi tham gia giao thông. Thêm vào đó, các công trình xây dựng quây hàng rào bảo vệ chiếm phần lớn vỉa hè, lòng đường, làm gia tăng mật độ giao thông cục bộ cũng chính là thủ phạm gây ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Ngay từ đầu năm nay, UBND TP Hà Nội đã tổ chức ra quân triển khai thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông” nhằm giữ trật tự mỹ quan đô thị, bảo đảm lòng đường, vỉa hè luôn thông thoáng... Thế nhưng, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán và kinh doanh ở một số tuyến đường vẫn chưa thuyên giảm. Khi các lực lượng chức năng đi kiểm tra thì vỉa hè, lòng đường có thoáng hơn nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Và người đi bộ trên vỉa hè lại phải tự tìm cách “lách” mà đi.

Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, tạo điều kiện cho người dân sử dụng vỉa hè hợp lý, bảo đảm giao thông, từ năm 2015, TP Đà Nẵng quyết định bàn giao việc quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông cho các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và các hộ gia đình có nhà mặt tiền trên nhiều tuyến phố chính. Các hộ gia đình chịu trách nhiệm tham gia vệ sinh, chăm sóc cây xanh, kịp thời thông báo các hành vi vi phạm, làm hỏng vỉa hè. Bên cạnh đó, tại một số vỉa hè đủ rộng thì người bán hàng vẫn được phép buôn bán. Tuy nhiên, thành phố nghiêm cấm chèo kéo khách, cản trở lưu thông. Các hiện tượng trên nếu xuất hiện sẽ bị lực lượng trật tự đô thị đến nhắc nhở, xử phạt.

Câu chuyện trả vỉa hè cho người đi bộ chưa bao giờ cũ và đằng sau việc lấn chiếm vỉa hè dưới mọi hình thức, chính là vấn đề văn hóa nhường đường cho người đi bộ hiện đang bị xem nhẹ. Trong nhiều văn bản pháp luật đều khẳng định: “Hè phố, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu Nhà nước. Hè phố được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ”. Đồng thời, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm kinh doanh từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm của các cá nhân, tập thể. Tuy nhiên, khi công tác quản lý chưa được siết chặt, khi văn hóa nhường đường cho người đi bộ chưa được nâng lên, thì hình ảnh văn minh giao thông đô thị vẫn còn là bài toán nan giải.

Thành phố phát triển là thành phố đem lại cơ hội và chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho các thành phần cư dân khác nhau. Do vậy, thay cho các giải pháp ngăn cấm hoàn toàn, chính quyền các địa phương cần sắp xếp, tạo điều kiện cho các hộ buôn bán nhỏ lẻ nơi kinh doanh ổn định. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ cương, Luật Giao thông cho người dân, nhắc nhở và xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hangthang/doisongxahoi/item/28080902-via-he-hay-long-duong.html