Vệ sinh môi trường ở nông thôn

ND - Không chỉ ở đô thị, đây cũng là vấn đề "nóng" trong đời sống người dân nông thôn hiện nay. Trong những năm qua, việc bảo đảm vệ sinh môi trường ở nông thôn đã có nhiều chuyển biến, nhưng cũng còn nhiều vấn đề đáng báo động. Nhà nước ta đã có chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó quy định rõ là, phấn đấu đến năm 2010 có 85% dân số được sử dụng nước sạch sinh hoạt và nhiều tiêu chí khác.

Song đến nay, các mục tiêu đều khó đạt do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý còn nhiều bất cập; môi trường nông thôn ở nhiều nơi ô nhiễm nặng nề; nếp sinh hoạt theo thói quen cũ gây mất vệ sinh chung, chưa có những thay đổi đáng kể. Mới đây, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường nông thôn khu vực ngoại thành, trong đó một giải pháp hàng đầu là tập trung quản lý, thu gom và xử lý rác thải. Tính đến ngày 9-8 đã có 83% số xã, thị trấn ở ngoại thành thành lập các tổ thu gom rác thải, trong đó có 148 xã (37%) đã thu gom rác đi xử lý tập trung; 51% số chuồng, trại chăn nuôi đuợc xử lý chất thải bằng nhiều quy mô, hình thức khác nhau. Một số huyện ngoại thành đã ký hợp đồng với các công ty môi trường đô thị để xử lý rác thải. Tiêu biểu là huyện Thạch Thất, hỗ trợ một nửa kinh phí giúp các xã ký hợp đồng thu mua rác thải, và đang triển khai dự án xây dựng khu xử lý rác tập trung. Trên phạm vi cả nước, thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được coi trọng. Môi trường ở nhiều khu vực nông thôn được cải thiện, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch tăng lên. Tuy nhiên, kết quả đó còn chưa đạt được những mục tiêu, mong muốn của chúng ta. Môi trường ô nhiễm do các nguồn sông bị ứ đọng nước thải chưa qua xử lý, do nạn vứt rác thải tùy tiện, do thói quen trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, đó là lý do vì sao trong những năm gần đây nhiều loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp... xuất hiện và lan thành dịch, gây thiệt hại lớn về sức khỏe con người, và kinh tế. Nhiều địa phương trong cả nước đã kết hợp các nguồn lực, huy động sức mạnh cộng đồng, đạt được những kết quả bước đầu nhằm cải thiện tình hình vệ sinh môi trường nông thôn. Xã Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là một trong những điển hình đó. Các đoàn thể trong xã, tiêu biểu là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tích cực tuyên truyền trong hội viên về tác hại của rác thải, nguồn nước ô nhiễm, tham gia tích cực việc làm sạch đường thôn, ngõ xóm, nạo vét kênh mương, ao hồ. Xã lập ra đội thu gom rác thải gồm 12 người do Hội Phụ nữ đảm nhiệm. Từ cách làm ở xã này nhiều xã, phường khác đến học tập, làm theo, nhờ đó tình hình vệ sinh môi trường ở Bắc Ninh có nhiều chuyển biến tích cực. Qua kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội, Bắc Ninh, và nhiều nơi khác, điều đáng quan tâm là, việc bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn là công việc lâu dài, phải làm công phu, bền bỉ. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cần chú trọng các vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường. Các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định, không gây ô nhiễm môi trường. Cần quan tâm công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết đầy đủ, có ý thức tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=180964&sub=152&top=37