Về dân chủ XHCN ở nước ta

Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của BCH T.Ư Đảng khóa X trình Đại hội XI viết: "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước". Chúng tôi thấy cần phải làm rõ và sâu sắc hơn một số vấn đề sau đây:

- Nội dung chủ yếu của dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. - Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp cách mạng xây dựng, phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 1. Nội dung chủ yếu của dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ lâu dài và trọng yếu, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn vậy, vấn đề trung tâm là phải xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước pháp quyền không phải cái riêng có của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội cũng cần thực hiện nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa khác về bản chất với nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ: pháp quyền dưới chủ nghĩa tư bản thực chất là công cụ của giai cấp tư sản để thống trị và bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động; pháp quyền dưới chủ nghĩa xã hội là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật và các công cụ khác, nhưng việc sử dụng bất cứ công cụ nào cũng phải trong khuôn khổ pháp luật. Thông qua thực thi pháp luật, nhà nước thể hiện nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sau gần 25 năm đổi mới, về cơ bản nước ta đã chuyển đổi thành công từ mô hình kinh tế quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến từ dân chủ nhân dân lên dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay đang từng bước phát triển và hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tiến lên kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hướng tới tương lai tốt đẹp. 2. Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp cách mạng xây dựng, phát triển đất nước ta để tiến lên CNXH Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện trong cuộc sống thực tế ở từng cấp và trên tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân bầu ra và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Nước ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa cần xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì đây là một mục tiêu quan trọng của cách mạng. Không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội mà không thực hiện quyền dân chủ rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống với quảng đại quần chúng thì chỉ là chủ nghĩa xã hội hình thức. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ một trong những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo đổi mới là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội không ngừng tiến lên. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua năm 1991 đã ghi: 'Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân'. Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và phải được thể chế hóa quyền lực đó bằng pháp luật, được pháp luật bảo hộ. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và công bằng xã hội đòi hỏi phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trải qua gần 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nền dân chủ XHCN ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng và được thế giới thừa nhận. Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, thực hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của Đảng đề ra, chúng ta phải coi trọng phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì nó là một mục tiêu cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến lượt nó, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát triển và hoàn thiện lại trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội không ngừng phát triển. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ chỗ chưa chín muồi đến chín muồi, từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chỗ chưa phát triển đến phát triển. Quá trình này cần có thời gian và môi trường ổn định, đặc biệt là ổn định chính trị, nếu không có sự ổn định thì không thể làm được việc gì. Muốn duy trì ổn định xã hội để tiến lên phải phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa và lấy đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện xã hội.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/chinh-tr/v-dan-ch-xhcn-n-c-ta-1.269676