Về báo cáo tình hình tham nhũng ở Việt Nam do Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa công bố: “Ta đánh giá khác họ”

Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa đưa ra báo cáo về tình hình tham nhũng của Việt Nam theo đó, tình hình tham nhũng ba năm gần đây đều gia tăng. Tham nhũng tập trung vào các lĩnh vực như cảnh sát 82%, Giáo dục 67% , cán bộ công chức Nhà nước 61%, Tư pháp 52%. Để làm rõ tính khách quan của báo cáo này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Luân (ảnh bên) - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương.

“Mang tính tham khảo” Öng đánh giá như thế nào về vấn đề báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng tham nhũng ở Việt Nam gia tăng? Chúng ta thiếu hệ thống thông tin đầy đủ, bây giờ vẫn chưa thống kê được xảy ra bao nhiêu vụ tham nhũng và xảy ra như thế nào kể cả vi phạm từ báo cáo của Thanh tra Chính phủ hay từ các vụ án. Để kết luận là tăng hay giảm ngay cả các cơ quan chuyên trách của ta cũng khó khăn nên việc nhận xét cũng chỉ mang tính định tính. Việc Tổ chức Minh bạch thế giới đưa ra nhận định tham nhũng tăng là do họ làm cuộc điều tra xã hội học ở 1000 người trong đó có 620 người nói tăng. Đây cũng chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo. Nghĩa là cuộc điều tra ấy cũng chưa mang tính toàn diện? Số người được điều tra ấy cũng chỉ dựa trên một bộ phận dân cư thôi. Chẳng hạn, người thành thị va chạm nhiều thì cho là tham nhũng tăng, còn ở nông thôn chưa có va chạm thì cho là tham nhũng ít. Theo tôi, việc tổ chức này công bố gọi là "phong vũ biểu toàn cầu" họ đánh giá 96 nước trong đó có Việt Nam đều nói rằng tham nhũng tăng, chúng ta không tranh luận nhiều về điều ấy. Đó cũng được coi như một kênh tham khảo bên ngoài. “Ta đánh giá khác” Trong báo cáo của tổ chức này có đưa ra một số ngành như cảnh sát, giáo dục, y tế, cán bộ nhà nước có tỷ lệ tham nhũng cao. ông có đồng tình với đánh giá đó không? Đánh giá chính thống của mình khác với họ, chúng ta đánh giá tham nhũng trong các lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan... tiêu chí của mình là theo lĩnh vực, còn họ đánh giá theo tiêu chí con người. Chính vì thế mình chưa thể so sánh được. Hồi trước, Ban Nội chính Trung ương có đánh giá theo lĩnh vực con người. Nói ngành công an thì rộng quáỏ nhưng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông, mãi lộ dọc đường thì có nhiều như dư luận đã nói đến. Tổ chức này cho rằng người dân có trình độ cao thì tin vào lãnh đạo Chính phủ chống được tham nhũng, nhưng người có trình độ thấp hơn lại không tin, vì sao vậy? Đánh giá của họ không có thông tin đầy đủ. Chúng ta có nhiều thông tin nên biết được đâu là thông tin khách quan, đâu là chủ quan. Người dân bình thường không có điều kiện về thông tin cảm nhận trực tuyến thôi. Xin nhắc lại là thông tin của tổ chức này chỉ là những điều tra xã hội học trên 1000 người dân, mang tính phản ánh điều tra, còn kết luận cũng chỉ mang tính chất kiến nghị. Khó phân biệt quà biếu - hối lộ Thực tế tham nhũng xuất phát từ cơ chế, thậm chí cũng xuất phát từ tâm lý của người dân cứ thấy công an là đưa tiền? Thủ tục hành chính của chúng ta đã chuyển biến tích cực nhiều nhưng chưa phải là hết những thủ tục rắc rối, phiền hà mà người công chức vin vào đó để nhũng nhiễu người dân. Người dân cũng vi phạm pháp luật nên cố tình đưa tiền để chạy chọt. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông nếu người dân cứ đi đúng luật, tuân thủ đúng các quy định thì không ai động đến mình nhưng chỉ khi vi phạm mới bị công an tuýt còi. Vậy ông nhận xét gì về công tác chống tham nhũng thời gian qua? Chống tham nhũng trong những năm qua có nhiều tiến bộ, đạt được kết quả tích cực có chuyển biến trong hành động nhưng chưa rõ nét nên tình hình vẫn nghiêm trọng. Qua mấy năm tình hình vẫn thế, chưa cải thiện được nhiều. Mục tiêu ngăn chặn từng bước, đẩy lùi tham nhũng chưa làm được. Tham nhũng nước nào cũng có nhưng ở các nước công chức hưởng lương 40 ngàn usd thì việc chống tham nhũng không đến nỗi khó, nhưng ở ta lương công chức trung bình vài triệu đồng/tháng thì khó ổn định cuộc sống nên dễ sa ngã. Thêm vào đó luật của chúng ta cũng chưa rõ ràng, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân còn hạn chế. Chúng ta còn có những phong tục tập quán cứ giúp đỡ nhau thì có quà cảm ơn, ranh giới khó phân biệt đâu là quà và đâu là hối lộ. Vậy trước báo cáo của Tổ chức Minh bạch quốc tế chỉ ra những "điểm đen" về tham nhũng thì chúng ta cần có những động thái như thế nào để hạn chế tham nhũng trong các ngành này? Trước khi công bố Phong vũ biểu toàn cầu, họ cũng đã công bố chỉ số cảm nhận về tham nhũng liên quan đến 178 quốc gia trong đó Việt Nam đứng số 116. Chúng ta kết hợp nhận định của họ để tự đánh giá hoạt động chống tham nhũng trong nước, đảm bảo khách quan. Chúng ta cũng tiếp cận thông tin để chú trọng công tác phòng chống. Xin cảm ơn ông! VƯƠNG HÀ- HƯƠNG LAN (thực hiện)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=7607&lang=vn&zone=50&zoneparent=0