Văn hóa hỗn độn, ăn uống hỗn độn, cư xử hỗn độn...

Đường Đồng Khởi giờ chỉ còn toàn những cao ốc, Givral đã bị xóa sổ. Hà Nội cũng bị bôi xóa dần vẻ đẹp gốc gác của mình, như một đô thị hỗn độn. Văn hóa hỗn độn, ăn uống hỗn độn, cư xử hỗn độn, đi lại hỗn độn, sống với nhau hỗn độn…

Với tôi, ngôi nhà thời thơ ấu chính là nguồn cội, là những gì trong sáng đẹp đẽ nhất của đời mình, nối liền tôi với thế giới, và với con người. Mất chìa khóa để vào nhà cũng là mất tất cả. Tôi và bạn bè đón Noel năm nay bằng đêm nhạc Giấc mơ đêm mùa đông. Một đêm nhạc tưởng như thật lãng mạn và ngọt ngào, trong ánh nến lung linh và những giai điệu tha thiết về tình mẫu tử.

Một nỗi đau rất thật về thể chất

Nhưng câu chuyện về đứa con gái bị u não của TS Trần Vinh Dự buộc chúng tôi phải nhìn thẳng vào thực tại. Anh nói về một cuộc sống với bao dự định đẹp đẽ dành cho cô con gái nhỏ. Rồi bất thần nhìn thấy con hay vấp té, tay chân trở nên vụng về. Đi khám khắp nơi mới phát hiện con bị một khối u lớn trong não. Bác sĩ chẩn đoán không thể mổ được, chỉ còn chờ cái chết sẽ đến đưa con đi…

Đình Mông Phụ nơi cất giữ các lớp trầm tích ký ức của làng

Anh đã chia sẻ nỗi đau của mình trên Facebook. Tình cờ một người bạn ở Washington cho biết ở đó mới có êkíp mổ não tốt nhất thế giới. Anh lập tức đưa con đi. Sau tám giờ phẫu thuật, con gái anh trở lại với cuộc đời, khỏe mạnh và hồn nhiên…

Anh Dự nói, nếu như không có Facebook, con gái của anh đã chết. Tôi thầm nghĩ anh ấy vẫn còn may mắn lắm, vì đủ tiền cho con sang Mỹ chữa bệnh. Còn biết bao em bé Việt Nam nghèo chỉ biết nhìn xoáy vào tâm can chúng ta với đôi mắt thơ ngây bất lực như một câu hỏi lớn: “Tại sao con lại phải gánh chịu căn bệnh ung thư quái ác này?”

Thức ăn mà những người mẹ đang ăn hàng ngày đã bị nhiễm độc từ đất đai, từ nguồn nước, từ sự ác tâm thản nhiên của con người. Chưa có một đất nước nào căn bệnh ung thư bùng phát lớn như ở Việt Nam. Chưa có một đất nước nào người nông dân thản nhiên rải phân hóa học lên những ruộng rau, bơm chất độc vào cây trái để thúc cho chín sớm như ở Việt Nam.

… Và nỗi đau rất thật về tinh thần

Một đêm mùa đông lạnh giá, chúng tôi ngồi với những người bạn lớn, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Trần Tiến Dũng… Câu chuyện về làng, về những người hát quan họ làng, những nghệ nhân gốm cổ… cuối cùng lại trở về câu chuyện ký ức tinh thần của một dân tộc.

Con cái chúng ta sẽ sống ra sao nếu mất dần đi ký ức về đất mẹ? Tại sao trong những tác phẩm văn chương nghệ thuật của người trẻ lại mờ mịt đến thế về căn cước của chính mình?

Khi trên truyền hình phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc đang vào tận giường ngủ của mỗi gia đình. Khi trong các trường phổ thông người ta đang âm mưu xóa bỏ môn lịch sử, khi trong các trường quốc tế người ta dạy về lịch sử Mỹ ngay trên đất nước mình. Khi ngay cả các nhà nghiên cứu lịch sử cũng a dua theo thời cuộc, viết sử bằng con mắt chính trị… thì đương nhiên ký ức về đất mẹ sẽ càng ngày càng bị vùi lấp bởi tầng tầng lớp lớp sự gian dối của con người.

Căn cước văn hóa, khả năng du nhập văn hóa mà không đánh mất mình mới chính là sức mạnh giúp chúng ta tồn tại sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, khiến chúng ta được tôn trọng, kính nể. Dù bạn có lưu lạc bất cứ đâu, thì khi trở về đất mẹ mới làm cho da thịt, tâm hồn mình thoải mái nhất, bất chấp không gian, thời gian đã đổi thay. Đất mẹ là cái nôi, cái mùi gì đó vô cùng bí ẩn.

Làm sao giữ được ký ức tinh thần khi ký ức về đô thị, ký ức thị dân đã bị xóa mỗi ngày. Đường Đồng Khởi giờ chỉ còn toàn những cao ốc, Givral đã bị xóa sổ. Hà Nội cũng bị bôi xóa dần vẻ đẹp gốc gác của mình, như một đô thị hỗn độn. Văn hóa hỗn độn, ăn uống hỗn độn, cư xử hỗn độn, đi lại hỗn độn, sống với nhau hỗn độn…

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đau buồn vì những nghiên cứu về Sài Gòn không bóc tách được từng lớp lịch sử và văn hóa chồng lên và phát triển, do đó những nghiên cứu chỉ mang tính kể các sự kiện, thiếu con mắt nhìn tổng thể (quy hoạch) và các mặt cắt lịch sử. Anh nói: “Cần bóc từng lớp văn hóa từng có, chồng dần lên đời sống văn hóa Sài Gòn. Sau đó đan vào sự nghiên cứu trầm tích địa lịch sử, mới ra một hình ảnh về đô thị.

Việc người ta chán các bài học lịch sử vì lịch sử đã được viết không đúng với sự thật nhiều, hoặc viết theo một quan điểm có trước, bất chấp sự thật thế nào. Mặt khác, sự sụp đổ của văn hóa hiện tại, khiến người ta không còn thích thú với hào quang quá khứ nữa. Hào quang này chỉ có ý nghĩa khi xã hội đương thành công, hoặc ít nhất đang có triển vọng. Thời đại số (internet) làm cho các dân tộc và các nền văn hóa hiểu biết nhau hơn, nhưng cũng làm bản sắc văn hóa phai nhạt bởi tính toàn cầu.

Văn học nghệ thuật cũng không nằm ngoài ngoại lệ, khi hầu hết dân số sống trong các thành phố đều trở thành thành phố toàn cầu (có đặc điểm giống nhau: sân bay, công viên, quảng trường, siêu thị, giao thông hiện đại, internet, công ty, cảnh sát – mô hình city là một mẫu thôi). Ký ức được giữ bởi sự nhớ trong tâm tưởng và bởi các di sản vật thể và phi vật thể. Đặc biệt là di sản nghệ thuật. Cái này bị xâm hại hoặc biến mất, thì ký ức cũng dần biến mất. Các đình đền chùa, những tòa nhà hàng trăm năm ở thành phố bị làm mới, dỡ bỏ, thì mười năm sau là người ta sẽ quên hoàn toàn về nó”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/van-hoa-hon-don-an-uong-hon-don-cu-xu-hon-don-659467.html