U-crai-na cận kề bờ vực vỡ nợ

Chính phủ tạm quyền ở U-crai-na khi nhậm chức đã cam kết "làm hết sức" để tránh đưa đất nước rơi vào cảnh vỡ nợ. Nhiệm vụ này cực kỳ khó khăn, nếu nhìn vào thực tế hiện nay: nền kinh tế xáo trộn; ngân sách gần như trống rỗng, đi kèm mức nợ công bằng 40% GDP; các khoản nợ đáo hạn trong vài tháng tới tương đương một phần ba giá trị nền kinh tế...

Tuyến ống dẫn dầu khí ở TP Ô-đét-xa, U-crai-na. Ảnh ROI-TƠ.

Chính phủ tạm quyền ở U-crai-na khi nhậm chức đã cam kết "làm hết sức" để tránh đưa đất nước rơi vào cảnh vỡ nợ. Nhiệm vụ này cực kỳ khó khăn, nếu nhìn vào thực tế hiện nay: nền kinh tế xáo trộn; ngân sách gần như trống rỗng, đi kèm mức nợ công bằng 40% GDP; các khoản nợ đáo hạn trong vài tháng tới tương đương một phần ba giá trị nền kinh tế...

Cơ quan định mức tín dụng S&P vừa hạ xếp hạng nền kinh tế U-craina xuống CCC, tức là sát mức "mất khả năng chi trả". Hãng Fitch cũng nhận định, U-crai-na có nguy cơ vỡ nợ cao và đánh tụt xếp hạng xuống mức thấp nhất. Nguyên do các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đồng loạt đưa ra đánh giá tiêu cực là bởi U-crai-na đang "sở hữu" một khoản nợ khổng lồ, cả trong và ngoài nước, trong khi ngân khố cạn kiệt, dự trữ ngoại tệ giảm mức chóng mặt. Nợ công của Ucrai-na hiện ở mức tương đương 40% GDP.

Trong khi đó, nhằm can thiệp ngăn chặn đà trượt giá của đồng nội tệ vốn bị định giá quá cao buộc Ngân hàng trung ương U-crai-na phải sử dụng lượng ngoại hối dự trữ. Đồng nội tệ hiện mất giá khoảng 20% so đồng USD, mức lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Việc can thiệp đồng nội tệ làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia. Ngân hàng trung ương ước tính, dự trữ ngoại tệ còn 17,8 tỷ USD cuối tháng 1 vừa qua. Năm ngoái, dự trữ ngoại hối cũng giảm 28%. Điều đáng lo ngại là, 25% tổng số nợ quốc gia của U-crai-na (khoảng 73 tỷ USD) là nợ ngắn hạn, phải thanh toán trước tháng 6-2015. Trong đó, quý I năm 2014, U-crai-na phải trả nợ khoảng bốn tỷ USD, hai quý tiếp theo mỗi quý phải thanh toán năm tỷ USD. Nếu tính cả nợ nước ngoài và trong nước, trong năm nay, Ki-ép phải lo thanh toán tới 60 tỷ USD, ước bằng một phần ba tổng GDP của U-crai-na.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính tạm quyền U-crai-na, nước này cần khoảng 35 tỷ USD viện trợ để trả nợ khẩn cấp và ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ. Chính phủ tạm quyền đang đặt hy vọng sớm có một gói hỗ trợ từ Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời vẫn muốn duy trì thương lượng với Nga về khoản 15 tỷ USD Mátxcơ-va đã cam kết hỗ trợ U-crai-na trong thỏa thuận ký với Tổng thống bị phế truất V.Y-a-nu-cô-vích năm ngoái. Ki-ép còn đề xuất tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế với sự tham gia của EU, IMF, Mỹ cùng một số nước và thể chế tài chính khu vực và quốc tế khác, nhằm tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho quá trình cải cách kinh tế U-crai-na.

Khi U-crai-na rơi vào khủng hoảng chính trị, các vấn đề kinh tế cũng nổi lên không kém phần nghiêm trọng, đặt nước này cận kề bờ vực sụp đổ. Các nước phương Tây ngay lập tức "chào mời" Ucrai-na đi theo "con đường EU". Hiện tại, EU đã tuyên bố sẵn sàng cấp cho Ki-ép khoản hỗ trợ tài chính, tất nhiên đi kèm các điều kiện về cải cách thể chế theo hướng dân chủ. Mỹ cũng hứa viện trợ khẩn cấp cho U-crai-na một tỷ USD, nhưng thông qua IMF. Các nước châu Âu cũng muốn kêu gọi cả Nhật Bản, Trung Quốc tham gia cứu trợ U-craina. Tại cuộc gặp cấp cao mới nhất, các nước giàu trong nhóm G7 đã nhất trí viện trợ U-crai-na.

Tuy nhiên, các khoản viện trợ từ phương Tây vẫn dừng lại ở cam kết và đều thông qua IMF. Trong khi đó, IMF đã nêu một loạt yêu sách, gồm cắt giảm trợ cấp năng lượng, cắt giảm chi tiêu công và kiểm soát tham nhũng. Các điều kiện này cũng chẳng khác là bao so với yêu cầu trong các thỏa thuận viện trợ IMF đã ký với các chính phủ trước đây ở Ki-ép, vốn hết sức ngặt nghèo và gây làn sóng phản đối dữ dội từ người dân, khiến Chính phủ Tổng thống Y-a-nu-cô-vích phải tạm ngừng thực thi thỏa thuận. Các khoản cam kết mới chưa biết khi nào Ki-ép mới nhận được, trong khi thời hạn thanh toán nợ ngày một gần.

Trong khi đó, Nga đã tạm ngừng thực thi thỏa thuận ký cuối năm 2013, theo đó Mátxcơ-va hỗ trợ Ki-ép 15 tỷ USD và giảm 33% giá khí đốt bán cho U-crai-na. Việc Nga "còn chờ chính phủ mới ra đời ở Kíep" để tiếp tục thực thi thỏa thuận cứu trợ là điều dễ hiểu, trong bối cảnh chính phủ tạm quyền lật đổ ông Y-a-nu-cô-vích hiện nay không mấy "mặn mà" với các dự án hợp tác cùng Mát-xcơ-va.

Từ một nền kinh tế lớn thứ hai (sau LB Nga) trong thành phần Liên Xô (trước đây), U-crai-na đã thụt lùi so nhiều quốc gia "cựu Xô-viết". Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạc hậu của kinh tế U-crai-na, dù hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển: một thị trường tiêu thụ tiềm năng với 46 triệu dân; có lực lượng lao động có trình độ và thị trường xuất khẩu rộng lớn, cùng hệ thống hạ tầng cơ sở công nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào... Trong đó, sự tranh giành quyền lực nội bộ khiến chính trường luôn rối ren là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế U-crai-na chưa thể trở lại quỹ đạo phát triển.

LONG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/22544502-u-crai-na-can-ke-bo-vuc-vo-no.html