Từ chối giám định thương tích

TT - “Pháp luật là đôi bờ của cuộc sống”, vì vậy tất cả quan hệ xã hội đều được sự bảo vệ và điều chỉnh bởi pháp luật. Thế nhưng “đôi bờ” ấy cũng có những đường nứt, khe hở, đó chính là những bất cập khi áp dụng. Trong quá trình công tác trong ngành kiểm sát, tôi nhận thấy có những trường hợp cần thiết phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung để pháp luật ngày càng hoàn thiện.

Câu chuyện pháp luật Xin đơn cử điều 104 Bộ luật hình sự hiện hành về tội cố ý gây thương tích quy định: Khoản 1: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm... ... k) Để cản trở người thi hành công vụ...”. Khoản 2, khoản 3 đều có quy định về tỉ lệ thương tật làm cơ sở để định khung hình phạt. Như vậy, tội cố ý gây thương tích có cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả xảy ra, và hậu quả đó phải được xác định bằng tỉ lệ thương tật trên cơ sở kết luận giám định của tổ chức giám định pháp y. Không thể khởi tố Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cũng thu thập được tỉ lệ thương tật. Xin kể về hai vụ án cụ thể tôi đã gặp. Vụ thứ nhất: Nguyễn Thanh T. là em vợ của Lê Văn M., sống chung nhà với vợ chồng M.. Trong một lần T. và M. nhậu chung có lời qua tiếng lại. M. cho rằng T. là em vợ, nhỏ tuổi hơn mà có lời lẽ dạy đời, nên chửi T. ăn bám. Bị xúc phạm, T. dùng cái chén đang ăn ném mạnh vào mặt M. trúng mắt trái gây thương tích, phải bỏ mắt. Sau khi nhận tin báo, cơ quan điều tra lập hồ sơ, lấy lời khai, đồng thời đưa M. đi giám định nhưng M. từ chối giám định, cho rằng chuyện anh em trong gia đình tự giải quyết, không thưa kiện. Vì vậy cơ quan điều tra không có căn cứ để khởi tố T. về tội “cố ý gây thương tích”. Vụ thứ hai: Võ Văn T. và Đoàn Văn D. là bạn cùng xóm. Do nghi ngờ vợ mình ngoại tình với D. nên sau khi uống rượu T. lấy con dao yếm tìm chém D. khi D. đang ngủ trong mùng. T. giơ dao lên nhắm vào đầu D. chém xuống, vì D. nằm gác tay lên trán nên dao trúng vào bàn tay trái làm đứt gân các ngón trỏ, giữa, áp út. Sau khi nhận tin báo, cơ quan điều tra đã tạm giữ T. để điều tra, đồng thời đưa D. đi giám định làm căn cứ khởi tố vụ án. Thế nhưng sau khi gây án, gia đình T. đã lo tiền cho D., yêu cầu D. từ chối đi giám định. Bởi D. từ chối giám định nên không có căn cứ khởi tố T. về tội “cố ý gây thương tích”, cơ quan điều tra đã ra quyết định trả tự do cho Võ Văn T.. Cần áp giải giám định Trong cả hai trường hợp trên, cơ quan thi hành pháp luật đều không có căn cứ để xác định tỉ lệ thương tật của bị hại làm cơ sở khởi tố theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự. Theo quan sát, tôi nhận thấy những trường hợp như trên thường xuyên xảy ra. Chưa có quy định nào để đưa người bị hại đi giám định làm cơ sở khởi tố đối tượng gây thương tích, vô tình chúng ta đã dân sự hóa hình sự trong những trường hợp thương tích nặng. Do đó, tôi kiến nghị các nhà lập pháp nên có hướng dẫn chế tài cụ thể, trong trường hợp người bị hại từ chối giám định thì phải áp giải. Bởi hành vi cố ý gây thương tích không chỉ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe cá nhân người bị hại mà còn xâm phạm đến tình hình trật tự, trị an ở địa phương. Nếu đánh người gây thương tích rồi chỉ việc bồi thường và nhờ bị hại từ chối đi giám định mà thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật thì không bảo đảm nguyên tắc mọi tội phạm xảy ra đều phải bị xử lý theo pháp luật. ĐINH THANH TÂM (Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp)

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phap-luat/388562/tu-choi-giam-dinh-thuong-tich.html