Trò chuyện với 'luật sư' Chuyện không của riêng ai

Phát sóng lúc 20 giờ mỗi tối thứ năm hằng tuần trên HTV 7, Chuyện không của riêng ai thu hút một lượng khán giả đáng kể bởi cách tuyên truyền pháp luật nhẹ nhàng, hiệu quả, thông qua các tiểu phẩm hài và giải đáp tình huống của hai MC (một luật sư và một nghệ sĩ)

Dưới đây là cuộc trò chuyện đầu năm với “luật sư bất đắc dĩ”- nghệ sĩ Hoàng Sơn, MC của 52 chương trình Chuyện không của riêng ai.

. Phóng viên: Điều gì đọng lại trong anh sau 52 chương trình cùng làm MC, đối thoại với luật sư Trương Đình Tùng?

- Nghệ sĩ Hoàng Sơn:

Tôi thú vị vì được học hỏi nhiều điều luật từ việc đặt mình vào tình huống của những vụ việc vi phạm pháp luật. Ban đầu, tôi bỡ ngỡ lắm, tuy nhiên nhờ sự ngớ ngẩn đó mà làm nên chuyện. Những câu hỏi vui vui, những lúc “xía vô chuyện” trong tích tắc, thật vô duyên nhưng lại mở rộng thêm cho người xem hiểu thêm về pháp luật.

Sau 52 chương trình, tôi thấy chính sự dễ dãi hoặc đơn giản hóa trước mọi tình huống là nguyên nhân dẫn dắt người ta vi phạm pháp luật mà không biết. Lằn ranh thiện- ác mong manh lắm, chỉ cần “xấn” nhẹ một chút là trở thành kẻ phạm pháp. Vì thế, Chuyện không của riêng ai là tài sản chung của những ai muốn sống và làm việc theo pháp luật.

. Bản thân anh đã từng gặp sự cố nào suýt vướng vào pháp luật chưa?

- Có chứ. Cũng là do đơn giản hóa mọi chuyện trong cuộc sống mà nên. Ví dụ như hồi tôi đi thuê nhà chung sống với một đám em út đều dưới quê lên TP học nghề. Căn nhà thuê nhỏ xíu nên làm biếng viết hợp đồng. Vậy là, cứ hai, ba tháng con của chủ nhà đòi tăng giá, không hợp đồng nên đành bóp bụng mà chịu.
Rồi có đứa nảy sinh “sáng kiến” soạn một bản hợp đồng giả chữ ký của chủ nhà làm bằng chứng với con trai bà chủ rằng tiền thuê nhà... vĩnh viễn không tăng. Chúng tôi đinh ninh chắc là an toàn, ai dè con trai bà chủ thưa ra công an phường, nói chữ ký không phải của mẹ nó.

Bà chủ nhà ở dưới quê lên hay chuyện, thương tình ra phường bãi nại, chúng tôi mới yên thân ăn Tết năm đó. Chỉ vì muốn cho xong chuyện nhưng lại rước họa vô thân. Hay như cái tật chạy xe nhanh để kịp sô diễn, suýt vượt đèn đỏ. Anh cảnh sát giao thông thổi còi mời vào, nghiêm mặt: “Ông hướng dẫn người ta sống đúng pháp luật mà lại vi phạm luật là sao?”.

Tôi phân trần vì quá vội, với lại mới “suýt” vượt đèn đỏ thôi. Anh cảnh sát cười: “Tôi không thổi anh vụ đó mà vì anh đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách”. Nhìn lại thấy chưa gài dây mũ bảo hiểm nên đành chịu đóng phạt.

Một chương trình giáo dục pháp luật về ý thức giao thông. Ảnh: C.T.V

. Học luật và học tuồng trong kịch bản, theo anh cái nào khó hơn?

- Mỗi bên đều đòi hỏi sự trung thực với bản thân. Tuồng cần sáng tạo, luật cần tinh thông. Áp dụng luật vào đời sống đòi hỏi sự tuân thủ theo đúng nguyên tắc. Bởi, chỉ một chút sơ sẩy sẽ dẫn đến sai lầm cả đời. Cứ áp dụng đúng luật thì sẽ giảm thiểu những vấn đề không hay cho bản thân, gia đình và xã hội. Còn tuồng thì có học, có sáng tạo nhưng phải qua kiểm chứng của khán giả, độ rung động của xã hội mới biết được hiệu quả.

. Kỷ niệm vui của anh khi tham gia chương trình Chuyện không của riêng ai?

- Qua mỗi chương trình được phát sóng, tôi bị dính điện thoại liên tục. Có khi nửa đêm, một phụ nữ điện thoại kể về chuyện tranh chấp thừa kế nhà của cha chồng với em dâu con của vợ lẻ người cha chồng vừa qua đời. Rồi bà chị bà con của một anh bạn bị giựt hụi, suýt bị bắt vì đứng ra vận động giùm chủ hụi một dây hụi gần 30 người.
Khi hụi vỡ, nhà chị bị người ta bao vây đòi tiền. Nửa khuya nghe tiếng khóc than bên máy, vợ tôi phát hoảng tưởng tôi lăng nhăng, bật khóc theo. Tôi quýnh quáng than với luật sư Trương Đình Tùng, anh trấn an: “Hãy là một luật sư nghệ sĩ đúng nghĩa”.

Thế là tôi từ tốn phân trần mọi lẽ, bên này vợ nín, bên kia người bị nạn cũng hiểu. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Lời khuyên cho vợ là “hãy để anh đóng trọn vai trò luật sư”, còn với đầu máy bên kia: “Hãy bình tĩnh nhờ chính quyền địa phương can thiệp”. Riết rồi tôi cũng quen với những cú điện thoại nửa khuya như thế.

. Giới nghệ sĩ dường như hay vướng phải những sự cố đáng tiếc, có vụ việc dẫn nhau ra tòa chỉ vì quá đơn giản trong cách nghĩ, cách làm. Theo anh, làm cách nào để khắc phục tình trạng này?

- Không riêng gì giới nghệ sĩ, không ít người dân vẫn còn thờ ơ với pháp luật, đến lúc đụng chuyện rồi mới biết mình dại dột. Có điều trong giới nghệ sĩ, chuyện này xảy ra thường xuyên, cho nên mới có câu: “Khôn ba năm dại một giờ, biết vậy dại sớm khỏi chờ ba năm”.
Tôi được anh em tín nhiệm, chuyện gì khó hiểu muốn tư vấn pháp luật là điện thoại cho tôi hoặc nhờ tôi giới thiệu gặp những luật sư quen biết để giúp đỡ. Tết này, tôi thấy vui là không còn nghe những vụ kiện cáo nhau về tranh chấp kịch bản hài, cũng như không có những vụ thua bạc, đánh nhau trong giới nghệ sĩ.

. Theo anh Chuyện không của riêng ai nên cải tiến như thế nào để hiệu quả hơn nữa trong năm 2010?

- Hợp đồng của tôi với chương trình đã kết thúc, người thay tôi là MC Quyền Linh. Nếu góp ý, tôi chỉ mong nhà đài mở rộng chương trình theo hướng truyền hình thực tế, dựa theo địa chỉ phản ánh tiêu cực, oan sai của người dân để đưa ống kính đến tận nơi, lúc đó tính phản hồi của chương trình sẽ hiệu quả hơn.

Hoàng Thanh thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100220121145881p0c1019/tro-chuyen-voi-luat-su-chuyen-khong-cua-rieng-ai.htm