Tổng thống Mỹ Barack Obama: Bất trắc nhiệm kỳ hai

Mặc dù thời tiết ở Washington ngày 21/1/2013 khá lạnh nhưng đã có rất đông người tới xem lễ duyệt binh mừng ngày nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Quốc hội trên đồi Capitol.

Bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, không hứa hẹn những sự dễ dàng. Bởi lẽ, đúng như chính trị gia kiêm bình luận viên thời cuộc Patrick Buchanan viết trên tờ The American Conservative mới đây , thông thường nhiệm kỳ thứ hai diễn ra theo cách hiếm khi đáp ứng được những trông đợi của các cử tri và ngay chính của bản thân Tổng thống.

Kinh nghiệm cay đắng

Đối với vị Tổng thống Mỹ thứ 31 Franklin Roosevelt, nhiệm kỳ thứ hai đã được bắt đầu bằng những nỗ lực giành quyền kiểm soát tòa án tối cao với việc đưa vào thành phần của nó thêm một số quan tòa mới và từ cuộc đại suy thoái lần hai (từ năm 1937). Tình hình xã hội Mỹ lúc đó đang ở trong tình trạng bi đát đến mức chính ông Franklin Roosevelt cũng đã phải thốt lên trong bản diễn văn nhậm chức lần thứ hai (đọc ngày 20/1/1937): “Trên đất nước này, tôi đang phải thấy hàng chục triệu công nhân, một phần đông đảo của dân số quốc gia, ngay ở thời điểm hiện tại cũng vẫn không được hưởng phần lớn mức tiêu chuẩn thấp nhất mà bây giờ được gọi là những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống…”. Một tình hình như thế không thể giúp cho vị Tổng thống thứ 32 duy trì tốt chỉ số tín nhiệm của các cử tri đối với mình.

May thay cho ông là ở thời điểm đó đã bùng nổ cuộc chiến tranh lớn châu Âu đã thu hút được sự chú ý của các cử tri sang vấn đề sinh tử thời chiến. Thêm vào đó, việc đảng Cộng hòa đưa ra ứng cử viên Wendell Wikie không đủ tầm cỡ làm đối trọng trước một chính trị gia lão luyện như ông và lại cũng có những tì vết đời tư dễ trở thành gót chân Assin nên Franklin Roosevelt đã giành được chiến thắng và tái đắc cử Tổng thống lần thứ ba vào năm 1940…

Người lên làm chủ Nhà Trắng sau khi ông Franklin Roosevelt qua đời ngày 12/4/1945 vì bệnh hiểm là ông Harry Truman, lúc đó đang là Phó tổng thống. Dường như đó là một trọng trách vượt quá tầm của nhà chính trị xuất thân từ một doanh nhân chuyên làm ăn thua lỗ này… Sau khi tuyên thệ nhậm chức, vị Tổng thống Mỹ thứ 33 này đã nói với các nhà báo: “Tôi không biết các bạn đã bao giờ bị một gánh nặng rơi xuống đầu chưa, nhưng khi họ nói cho tôi chuyện gì đã xảy ra, tôi cảm thấy như cả mặt trăng, các vì sao và tất cả các hành tinh đã rơi xuống đầu tôi”. Tuy nhiên, ông cũng đã cố gắng thực hiện phận sự nguyên thủ quốc gia nốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống mà ông phải nhận từ người tiền nhiệm đã quá cố. Và ông cũng đã giành được thắng lợi qua cuộc bầu cử năm 1948 để bước vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Năm 1952, Truman đã bị thua trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire trước Thượng nghị sĩ Estes Kefauver và buộc phải rút khỏi cuộc chạy đua mới vào Nhà Trắng. Nhân vật mà đảng Dân chủ đưa lên thế chỗ cho Truman là Adlai Stevenson đã bị đánh bại bởi tướng Dwight D. Eisenhower và đảng Cộng hòa đã nắm lại Quốc hội. Truman đã rời chức tổng thống với chỉ số ủng hộ thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ và cho tới nay, chưa một vị nguyên thủ thế hệ sau nào lập lại được kỷ lục buồn đó.

Nhiệm kỳ thứ hai của vị Tổng thống Mỹ 34 Eisenhower không đến nỗi khủng khiếp như của người tiền nhiệm, nhưng chính dưới thời nắm quyền của ông, năm 1958, đảng Cộng hòa đã vấp phải nhiều thất bại. Tháng 1/1959, nhà lãnh đạo trẻ tuổi và nồng nhiệt Fidel Castro đã hoàn thành sứ mệnh lật đổ chế độ độc tài Batista ở Cuba. Tháng 5/1960, lực lượng phòng không Xôviết đã bắn hạ máy bay do thám U-2 của Mỹ, tạo thêm lý do cho nhà lãnh đạo Xôviết lúc đó là Nikita Khrushchev giễu cợt Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris… Chẳng bao lâu sau đó, cả Tổng thống Dwight D. Eisenhower lẫn Phó tổng thống Richard Nixon đều bị thất cử…

Đối với vị Tổng thống trẻ trung John F. Kennedy và cấp phó của ông là Lyndon Johnson, nhiệm kỳ thứ hai đã được bắt đầu khá ấn tượng bằng việc thông qua chương trình “Xã hội vĩ đại”. Tuy nhiên, sau khi Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963 và Johnson đã phải lên thực hiện chức trách nguyên thủ quốc gia trong phần thời gian còn lại, đảng Dân chủ đã vấp phải những tổn thất nặng nề.

Năm 1968, trong bối cảnh của các vụ ám sát mục sư Martin Luther King và Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, tình trạng bất ổn vì lý do chủng tộc tại hàng trăm thành phố, làn sóng hỗn loạn lan rộng trong các trường đại học, những cuộc biểu tình chống lại chiến tranh dai dẳng ở Việt Nam, ông Johnson đã bị tiếp nhận một cách thù địch tại các cuộc bầu cử sơ bộ và buộc phải rời khỏi cuộc đua tiếp theo vào Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight D. Eisenhower ngay từ năm 1960 đã nhận xét về Johnson: “Ông ấy không có chiều sâu của trí óc và chiều rộng của tầm nhìn để gánh vác những trọng trách vĩ đại… Johnson là người hời hợt và cơ hội”.

Người lên kế nhiệm ông Johnson là Richard Nixon. Mặc dù đã giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 7/11/1972 nhưng Nixon đã không thể ngồi trong Nhà Trắng được trọn vẹn nhiệm kỳ hai mà bắt buộc phải từ chức tháng 8/1974 vì vụ bê bối nghe trộm điện thoại Watergate. Người lên thay ông là cấp phó Gerald Ford cũng chỉ ngồi được trong Nhà Trắng khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ dang dở.

Và vị Tổng thống Mỹ thứ 40 Reagan có thể được coi gần như là một ngoại lệ trong lịch sử nước Mỹ, khi mà nhiệm kỳ hai cũng không bị quá nhiều xui xẻo, tất nhiên, theo góc nhìn từ quyền lợi của Washington. Mặc dù năm 1986, ông Reagan đã bị mất 10 ghế trong Thượng viện nhưng vị Tổng thống này trong nhiệm kỳ hai của mình vẫn giảm được mức đánh thuế thu nhập từ 50% xuống còn 28%. Và những cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ với lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev đã được coi như là thành công cho Washington giúp phương Tây giành được thế thượng phong trong sự kết thúc của Chiến tranh lạnh...

Tất nhiên, vụ bế bối “Iran-Contra” (bán vũ khí cho Iran để đổi lấy những con tin bị bắt cóc ở Lebanon) suýt nữa đã làm sụp đổ danh tiếng chính trị của Tổng thống Reagan. Mặc dầu vậy, cho tới thời điểm năm 1989, cuối nhiệm kỳ thứ hai làm Tổng thống, thì tên tuổi của Reagan lại được phục hồi. Vị Tổng thống thứ 42 là Bill Clinton, trẻ trung và hào hoa. Thế nhưng, công việc của ông Clinton cũng chỉ “ngon lành” ở nhiệm kỳ thứ nhất. Các sự kiện chính trong nhiệm kỳ thứ hai của ông là vụ bê bối tình ái với cô nữ thực tập sinh Monica Lewinsky, khiến ông phải đối diện nhỡn tiền với nguy cơ bị bãi chức...

Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George W. Bush (con) đã bị thua trong cuộc đấu tranh cho chương trình cải cách an sinh xã hội. Và tới năm 2006, ông đã bị mất đa số trong cả hai viện của Quốc hội. Tới cuối nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Tổng thống Bush (con), nước Mỹ đã bị lôi kéo vào hai cuộc chiến tranh vô vọng và ngày càng bị nhấn sâu hơn vào vực sâu trầm cảm.

Tháng 1/2009, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Bush (con) đã giảm xuống còn gần bằng của ông Truman và việc đảng Cộng hòa của ông bị mất Nhà Trắng là một điều dễ hiểu...

Viễn cảnh không sáng

Theo đánh giá của bình luận viên thời cuộc Patrick Buchanan, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama không phải là sáng sủa. Ông Buchanan nhận xét: “Có thể vui mừng vì sau bốn năm suy giảm, nền kinh tế Mỹ dường như được hồi phục. Tiến triển chậm, nhưng chúng ta đã được thả ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt và giờ đang đi ngoài hành lang bệnh viện. Tuy nhiên, không khó nhận ra những mối nguy hiểm. Trong lúc rất tích cực tạo ra tiền, Cục Dự trữ liên bang đã dấn thân vào một sự mạo hiểm lớn lao vì tiếp sau sự hồi phục vững chãi sẽ là sự bùng nổ của nạn lạm phát. Thái độ thù địch giữa Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa trong Quốc hội có nghĩa là họ sẽ khó có thể thỏa thuận được với nhau về hạn chế thâm hụt ngân sách. Trong lúc đó, ở nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama đã tạo ra thêm 5 nghìn tỷ USD cho quả bom nổ chậm về nợ và nhiệm kỳ thứ hai của ông hứa hẹn một nguy cơ tương tự như vậy. Nhưng điều này không thể kéo dài vĩnh viễn. Sẽ tới một thời điểm nào đó, các chủ nợ trong và ngoài nước, từng nới hầu bao cho chú Sam, sẽ đòi hỏi phần thưởng xứng đáng cho những mạo hiểm của họ…”.

Đấy là nói về nội trị. Trên mặt trận quốc tế, trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama có lẽ cũng khó tránh khỏi những vấn đề nan giải. Iran đang có vẻ thập thững phiêu di về phía chiến tranh, không hẳn là nội chiến, không hẳn là đụng độ tôn giáo, cũng không hẳn là tranh chấp sắc tộc… Ít ai cảm thấy lạc quan trước số phận tương lai của Syria, sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad bị sụp đổ. Và càng ít ai lạc quan khi nhìn vào số phận của Afghanistan sau khi các đơn vị quân đội Mỹ rút khỏi đây. Lực lượng Taliban không chỉ là quá khứ mà có thể trở thành tương lai của quốc gia châu Á nhiều núi non và hiểm họa này… Bất chấp những tuyên bố khi tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Obama về việc Al - Qaeda đã bỏ chạy toán loạn, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo vẫn đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng ở nhiều nơi…

Tại Đông Á, những mâu thuẫn giữa hai siêu cường hàng đầu về lãnh thổ đang làm nảy sinh thêm tư tưởng dân tộc mới nóng bỏng không kém gì trong quá khứ… Tại Trung Đông có lẽ sau khi đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái đắc cử, rất có thể sẽ xuất hiện một cuộc khủng hoảng mới, khi các đồng minh Do Thái sẽ cương quyết yêu cầu Tổng thống Mỹ ra tối hậu thư đối với Tehran và tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, nếu nước này không chịu chấp nhận luật chơi của phương Tây…

Trong bối cảnh đó, ông Obama rất không dễ thực hiện những lời hứa cũ của mình…Và lúc đó sẽ xuất hiện những hiểm họa đe dọa tới tương lai chính trị của ông…

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/sotay/2013/2/56487.cand