"Tôi bị quát là mất lịch sự vì không uống rượu!"

Tôi nâng lên nhắp môi rồi đặt xuống. Vị đại diện cho gia đình bạn tôi mặt đỏ văng, quắc mắt, tay chỉ vào tôi quát “ông là người mất lịch sự, ông thử nhìn sáu chén rượu xem có coi được không”.

Rượu chẳng biết có từ bao giờ nhưng đã đi vào đời sống và thơ ca của cha ông ta từ rất lâu rồi.

Câu đối người xưa viết “Đán nhật thanh tâm trà ngũ trản, ngọ thời thích chí tửu tam bôi” (buổi sáng uống năm chén trà thấy lòng thanh thản, buổi trưa uống ba chén rượu thấy thích chí).

Nhà thơ Lý Bạch nổi tiếng ở Trung Quốc có câu “Cử bôi ưu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam nhân” (Nâng chén rượu mời trăng, trăng chiếu lại thành ba người) và Nguyễn Khuyến khi khóc Dương Khuê cũng không quên nhắc đến kỉ niệm về rượu “Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp, Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân, Rượu ngon không có bạn hiền”.

Ngày nay, trong các cuộc liên hoan, các đám hiếu hỉ người ta thi nhau uống, thi nhau chúc tụng vì lí do này lí do khác.

Ngày nay, các công trình khoa học nghiên cứu về rượu cho thấy sử dụng một liều lượng vừa phải có tác dụng kích thích tiêu hóa.

Rượu được ngâm với các loại dược phẩm còn có tác dụng chữa bệnh, bồi bổ cơ thể.

Như thế, rượu có tác dụng tích cực đối với sức khỏe và đời sống tinh thần của con người nên trong các cuộc tiệc tùng, liên hoan và nhất là ngày xuân không thể không có chén rượu để thờ cúng tổ tiên, thiết đãi bạn bè.

Uống rượu không chỉ là miếng ăn, miếng uống mà trở thành một nét sinh hoạt văn hóa trong đời sống.

Thế nhưng rượu lại như con dao hai lưỡi, có lợi khi sử dụng hợp lí và có hại khi sử dụng quá liều.

Người viết bài này không muốn bàn sâu về lợi và hại của rượu mà muốn bàn đôi lời về văn hóa trong uống rượu.

Nghe nói ở miền núi, người dân tộc có “tập quán” khi khách đến nhà phải mời cho được khách uống say đến mềm người rồi nôn ọe ra nhà thì chủ nhà mới thích, vì như thế khách đã thực lòng.

Hay hai vợ chồng xuống chợ, người vợ đi mua bán còn người chồng vào quán uống rượu đến say nhè rồi được người vợ vắt lên lưng ngựa đưa về.

Nếu thật như thế thì “tập quán” ấy không hay cần loại bỏ.

Còn ở miền xuôi, hiện nay có “tập quán trăm phần trăm”, “đi Bắc Cạn” nghĩa là khi nâng chén lên dù đầy, dù vơi (mà chủ yếu là đầy) thì đều phải hết, không được để lại “long đen” nghĩa là còn sót một chút.

"Tập quán" này mới xuất hiện gần đây thôi. Nhiều người không uống được rượu trở thành "nạn nhân" của "tập quán" này.

Một lần tôi đi dự đám cưới của con một người bạn, sau khi được rất nhiều người đại diện cho gia đình đến chúc rượu.

Chúng tôi đã ngà ngà chuẩn bị tạm biệt ra về thì lại có một vị tự giới thiệu là đại diện cho gia đình đến rót cho mỗi người một chén đầy và ông ta “gương mẫu” uống cạn, rồi lần lượt các bạn tôi cùng mâm đều nâng cốc, người uống hết, người còn chút ít.

Chỉ có tôi là nâng lên nhắp môi rồi đặt xuống. Vị đại diện cho gia đình bạn tôi mặt đỏ văng, quắc mắt, tay chỉ vào tôi quát “ông là người mất lịch sự, ông thử nhìn sáu chén rượu xem có coi được không”.

Thoạt đầu, tôi tưởng ông ta đùa, khi biết ông nói thật, tôi mới nhẹ nhàng trả lời “đúng là không coi được nhưng tửu lượng tôi yếu, không thể cố được, thôi thì thế này, để không phụ lòng ông, tôi nhờ các bạn tôi giúp cho hết chén rượu này”, nhưng ông ta nhất định không nghe.

Ông ta nhất định bắt tôi phải “hoàn thành nhiệm vụ”, phải “lịch sự”.

Ông nói to lắm như là cãi nhau, cả đám nhìn vào mâm tôi, tôi thật xấu hổ. Khi biết rõ sự tình, ông bạn chủ nhà của tôi mới xuất hiện đến mời ông này chuẩn bị trang phục đi đón dâu, và tôi được “giải cứu”.

Tôi có anh bạn là thủ trưởng một cơ quan nhỏ. Một lần đi dự hội nghị, khi liên hoan được một vị lãnh đạo đến chạm cốc, cả mâm bỏ bát đũa, cầm chén đứng dậy, chén ai chưa đầy được vị này rót thêm gọi là “cho lộc”.

Sau đó mọi người uống cạn, chỉ có anh bạn tôi để lại 1/3 chén, vị này bắt tay tất cả mọi người (Bắc Ninh có "đặc sản" bắt tay mà).

Riêng anh bạn tôi không được bắt tay, anh phải ngửa cổ uống hết và anh là người cuối cùng trong mâm được bắt tay.

Mỗi cuộc liên hoan ở cơ quan, anh cũng được các nhân viên thi nhau đến chúc. Hôm nào sức khỏe tốt, anh uống thực lòng đến say mềm, ngủ đến gần tối.

Nghĩ vậy không hay, có lần anh từ chối thì lại bị anh em cho là "không quần chúng".

Vì không uống được rượu nên anh ngại đi giao lưu, tiếp xúc nên nhân viên của anh cho là thành tích cơ quan bị hạn chế. Điều đó có thật không?

Thiết nghĩ, miếng ăn, hớp uống là nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng ăn uống cũng đòi hỏi phải có văn hóa.

Người xưa dạy “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và phê phán những người tham ăn, tục uống “rượu cả vò, chó cả con”.

Ngày nay, trong các cuộc liên hoan, các đám hiếu hỉ người ta thi nhau uống, thi nhau chúc tụng vì lí do này lí do khác.

Người quen chúc nhau, người không quen biết gì cũng chúc. Mà chúc nhiều như thế thì phải ngồi lâu.

Không ít chủ nhà phàn nàn có mâm ngồi đến mấy tiếng đồng hồ. Mà rượu đã vào thì lời phải ra. Thật là om sòm.

Nét văn hóa trong ăn uống không có sách vở nào dạy cụ thể, chúng ta chỉ có thể học lẫn nhau.

Người bé học người lớn, người trẻ học người già, cấp dưới học cấp trên.

Người miền núi có nét thi vị khi uống rượu cần bên bếp lửa, người miền biển uống rượu trên thuyền sau một ngày lao động quăng chài, kéo lưới, các thi nhân có hứng thú uống rượu dưới trăng để làm thơ, các sĩ phu thời phong kiến bất mãn trước nhân tình thế thái có khi cũng mượn chén rượu giải sầu.

Ngày xuân có chén rượu đưa hương. Điều quan trọng là người ta không ép nhau uống đến mức say nhè.

Đó là những nét đẹp của văn hóa uống rượu. Mong sao những nét đẹp này được lưu giữ, lấn át đi những nét không đẹp của tập tục uống rượu ngày nay.

Nguyễn Đức Ngọc(Trường THPT Gia Bình số 1, Bắc Ninh)

BÀI CÙNG DIỄN ĐÀN:

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/119955/-toi-bi-quat-la-mat-lich-su-vi-khong-uong-ruou--.html