Tính nhanh Hồng Lam thu lời khủng từ ô mai “ngậm” đường hóa học

Chỉ làm phép tính nhanh: 1 viên đường hóa học (100g đếm được khoảng 2.000 viên) đã tương đương 100g đường cát, thì cho thấy ô mai Hồng Lam “ngậm” đường hóa học giúp ông chủ thu bộn tiền?

Câu chuyện thương hiệu ô mai Hồng Lam ngậm đường hóa học vượt ngưỡng công bố 8 lần đang khiến dư luận quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu so với dùng các nguyên liệu đường khác như đường kính, đường cát thì việc Hồng Lam bất chấp những nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng để sử dụng đường hóa học cho sản phẩm có chăng vì lợi nhuận? Và doanh nghiệp thu lời bao nhiêu từ cách làm này?

Thu lời ít nhất 300 lần so với chi phí dùng nguyên liệu đường đạt chuẩn?

Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, đường hóa học (sodium cyclamate và Saccharin) có nhiều đặc điểm như: độ ngọt gấp 200-400 lần đường cát, giá thành rẻ... nên đang trở thành nguyên liệu được nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm ưa chuộng.

Khảo sát thị trường tại các chợ Đồng Xuân, Ngã Tư Sở, Thành Công, Nghĩa Tân... cho thấy, có khá nhiều loại đường hóa học, song phổ biến nhất là loại đường có phiên âm La tinh là Tang Jing (nguồn gốc Trung Quốc), hạt to bằng hạt đỗ, màu trắng, độ ngọt gấp 400 lần đường cát bình thường, được rao bán với giá 220.000 -330.000 đồng/kg. Rẻ hơn là loại đường hóa học có hình dáng giống viên B1, với giá từ 120.000 - 220.00 đồng/kg; còn loại đường giá 30.000 đồng/kg thì có vẻ ít được ưa chuộng.

Như vậy, trước thông tin ô mai Hồng Lam "ngậm" đường hóa học, một vấn đề đang khiến người tiêu dùng Việt hoang mang, lo lắng và đặt câu hỏi là: Chưa bàn đến câu chuyện về tác hại của đường hóa học (Sodium cyclamate và Saccharin) đến sức khỏe người dùng, mà chỉ làm phép tính đơn giản đơn giản về chi phí sử dụng đường cát/ đường kính với đường hóa học thì Hồng Lam đã thu lời thêm bao nhiêu tiền từ việc sản xuất và chế biến ô mai mơ Hồng Lam chua ngọt phá rào chuẩn an toàn thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng.

Cụ thể, trung bình 100g đường hóa học đếm được 2.000 viên; nếu tính theo mức giá rẻ nhất là 120.000 – 220.000 đồng/kg, thì 100g đường hóa học có giá 12.000 đồng. Từ đó, mỗi viên đường hóa học có giá khoảng 6 – 11 đồng. Giả sử mỗi hộp ô mai mơ chua ngọt cần 100g đường cát (1 kg đường cát giá bán trên thị trường là 20.000 đồng, tức 100g có giá 2.000 đồng) thì chỉ cần dùng 1 viên đường hóa học tạo được vị ngọt tương đương, mà giá rẻ hơn tới 300 lần.

Sản phẩm ô mai mơ chua ngọt "ngậm" đường hóa học của Hồng Lam. (Nguồn ảnh: Facebook Ô mai Hồng Lam - Tinh hoa quà Việt).

Lô hàng ô mai chua ngọt "ngậm" đường hóa học: làm sao biết rõ số hộp tiêu thụ và số người tiêu dùng bị lừa?

Mới đây, trên website của công ty cổ phần Hồng Lam có đăng thông cáo báo chí xác thực các vấn đề xung quanh sản phẩm Ô mai mơ chua ngọt vừa bị "tuýt còi". Theo nội dung đăng tải, 01 lô sản phẩm ô mai chua ngọt (NSX: 17/11/2015, HSD: 17/11/2017) có chỉ số hóa học Saccharin và Cyclamate vượt quá mức cho phép đã được công ty thu hồi lại từ siêu thị Big C Thăng Long, thuộc trung tâm thương mại The Garden, đường Mễ Trì, xã Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Số lượng ô mai chua ngọt đã sản xuất: 48 hộp, số lượng đã xuất bán: 24 hộp. Số lượng Đoàn thanh tra lấy mẫu và lưu mẫu: 03 hộp. Hiện tại, Hồng Lam đã thu thu hồi: 41 hộp, còn lại 04 hộp đã bán chưa thu hồi.

Vậy, PV (Phóng viên) đặt câu hỏi: "Việc giải thích chỉ một lô hàng (48 hộp) nghe có vẻ ít ỏi và đây là lô hàng bị kiểm tra nên phát hiện sai phạm. Liệu những lô hàng ô mai mơ chua ngọt mà Hồng Lam đang thu hồi tại các cửa hàng, cơ sở đại lý nhượng quyền và chuỗi quầy hàng siêu thị, chưa qua kiểm tra có gì đảm bảo an toàn? Thực tế thì con số hộp ô mai chua ngọt ngậm đường hóa học đã được sản xuất và tung ra thị trường là bao nhiêu? Số đã tiêu thụ và người tiêu dùng đã bị lừa dối mua ăn là bao nhiêu?".

Để rộng đường dư luận, Kiến Thức đã liên lạc và tham khảo ý kiến của một phụ trách một công ty chuyên về thực phẩm ở Hà Nội, thì được biết: “Con số một lô hàng là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Kế hoạch sản xuất, sản phẩm, sức tiêu thụ và yêu cầu bắt buộc khi vận hành dây chuyển sản xuất ở mức tối thiểu... Có thể là 1 tấn/lô, cũng có thể nhiều hơn tùy thuộc vào quy mô công ty, cơ sở sản xuất lớn hay nhỏ, nhưng dù thế nào cũng phải tính tới hiệu quả khi vận hành dây chuyền.

Hiện, thời điểm này là dịp cao điểm, cận Tết, sức tiêu thụ cao - “hốt bạc” nhất trong năm, nên Hồng Lam đã sản xuất lô hàng ô mai chua ngọt bị tuýt còi chắc chắn khó ở con số dưới 2 chữ số như Hồng Lam trần tình. Tuy nhiên, cũng có thể số lượng lô hàng chỉ hai con số nếu sản xuất nhỏ lẻ.

Mời độc giả xem video quy trình sản xuất ô mai Hồng Lam (Nguồn video: Ô mai Hồng Lam - Tinh hoa quà Việt):

Người tiêu dùng nói gì khi biết bị lừa dối?

Chị Nguyễn Lan Hương (nhân viên ngân hàng) cho biết: “So với các loại ô mai bán trên thị trường, mức giá của ô mai Hồng Lam không hề rẻ, tuy nhiên, tôi và nhiều người vẫn mua, nhưng khi biết thông tin này, tôi khó chấp nhận được. Không biết đã có bao nhiêu hộp ô mai mơ chua ngọt được bán ra, tiêu thụ và người mua đã bị “móc ví” biết bao tiền. Thản nhiên lạm dụng đường hóa học quá mức cho phép, liệu Hồng Lam có chịu được trách nhiệm? Mất tiền mà người tiêu dùng mua bệnh vào người”.

Những bình luận bức xúc của khách hàng trên Facebook của Hồng Lam về sự việc ô mai mơ chua ngọt dùng đường hóa học vượt mức công bố.

Không chỉ bức xúc vì ô mai Hồng Lam "ngậm" đường hóa học, ngay trên Facebook của Ô mai Hồng Lam – Tinh hoa quà Việt, nickname Sunnyle còn bày tỏ nghi ngờ rằng, không thể chỉ mỗi một lô hàng làm điêu. “Mình không nghĩ là do sai sót đâu. Sản xuất công nghiệp thì lượng phụ gia cho mỗi sản phẩm là bao nhiều đều có thông số rõ ràng rồi. Máy sẽ tự động làm theo thôi chứ, nên ko thể là sai sót chỉ 1 lô được”, nickname Sunnyle bình luận.

Theo Sunnyle, sao lại có đường hóa học? Đường hóa học dù chỉ là một ít cũng đã là không tốt rồi. Giá thành đắt như vậy mình tưởng Hồng Lam phải dùng đường mía của người nông dân Việt Nam! Nhưng đúng là ăn ô mai Hồng Lam có vị nhờ nhợ đường hóa học thật.

Không giấu được sự thất vọng và chọn cách quay lưng với thương hiệu này, nickname Tung Pham cũng bày tỏ quan điểm trên trang Facebook của Hồng Lam: "... Chứng tỏ sản xuất xong không kiểm tra lại sản phẩm, cứ bán thôi… Năm ngoái vào Big C cầm hộp ô mai sấu nước chảy nhớt cả tay. Gọi cho bạn làm trong Hồng Lam kiểm tra lại. Một tuần sau quay lại vẫn y như thế. Nghĩ là do khâu lưu trữ nên bỏ qua. Năm nay thì do hẳn đường hóa học. Cho đến nay là một năm mình không dùng sản phẩm của Hồng Lam rồi. Tốt nhất là dù không ngon bằng nhưng tự làm vài món đơn giản thôi”.

Ngọc Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tieu-dung/tinh-nhanh-hong-lam-thu-loi-khung-tu-o-mai-ngam-duong-hoa-hoc-631593.html