Tình nghĩa anh em Việt - Lào keo sơn, bền chặt !

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân

Phố núi Tây Bắc ngày hội

Mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng mấy hôm nay tưng bừng ngày hội mừng đón những người anh em Lào rất đỗi thân thiết. Điều cảm nhận ngay từ lúc mới đến thành phố Sơn La là cờ hoa, băng-rôn và biểu ngữ rực rỡ dọc nhiều tuyến phố nội thành, và các tuyến đường từ thành phố đi qua các bản, làng dân tộc thuộc địa bàn thị trấn Hát Lót, các xã Phiêng Pằng, Còi Nòi, Yên Sơn, rồi lên tới xã vùng cao biên giới Phiêng Khoài, Tà Làng...

Hai bên đường, nổi bật là biểu tượng cờ hai nước cùng các biểu ngữ, cờ phướn nền đỏ, chữ vàng hoặc nền xanh, chữ trắng, bằng hai thứ tiếng Việt - Lào với dòng chữ lớn: "Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!", "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!", "Hướng về cội nguồn tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào!".

Nhiều đại biểu nước bạn Lào đã trân trọng bày tỏ tình cảm trước sự đón tiếp trọng thị, chân tình, chu đáo, tình đoàn kết mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam và đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã dành cho đoàn trong thời gian diễn ra các hoạt động quan trọng trong Năm đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Tình cảm đó đã được lãnh đạo bạn nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi lên phát biểu ý kiến hoặc trình bày bản tham luận tại Hội nghị "Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam - Lào, Đoàn kết- Hữu nghị" vừa kết thúc thành công.

Giờ giải lao, chúng tôi may mắn gặp lại người bạn cũ Bun-thăn Ku-sôn Sa-nông từ Thủ đô Viêng Chăn sang công tác, đảm nhận nhiệm vụ phiên dịch hội nghị. Anh từng nhiều năm sang học tập tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội, nay làm việc tại Bộ Ngoại giao Lào. Vui mừng lần đầu có mặt trên miền đất Sơn La - miền Tây Bắc hùng vĩ, anh Bun-thăn chia sẻ cảm nhận về mảnh đất và con người nơi đây thật gần gũi và mến khách. Anh cho biết, hơn nửa số đại biểu trong đoàn là đại biểu thuộc lớp trẻ: - Dịp này là lần gặp gỡ thân tình giúp thế hệ trẻ chúng tôi tìm hiểu truyền thống cách mạng của các bậc tiền bối của hai nước, biết trân trọng và bồi đắp tình cảm sâu nặng đó trong quá trình phát triển vì ấm no, phồn thịnh giữa hai nước hôm nay.

Cơn mưa mát lành buổi sáng sớm dường như làm dịu đi cái nắng nóng của vùng Tây Bắc, làm nồng thắm thêm tình cảm của những người anh em lâu ngày gặp lại nhau. Hội nghị quan trọng "Quan hệ hợp tác Quốc hội

Việt Nam - Lào, Đoàn kết - Hữu nghị" đã thành công tốt đẹp, dù chỉ diễn ra trong một ngày, trong bầu không khí trang trọng, với tinh thần trách nhiệm cao và thắm đượm tình đoàn kết. Mừng vui chào đón những đồng chí anh em ruột thịt hướng về cội nguồn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng cho biết: Được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị quan trọng năm nay là niềm vinh dự và tự hào rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Đến nay, tỉnh đã có quan hệ tốt và ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với tám tỉnh vùng Bắc Lào nước bạn; có chín huyện, thuộc thành phố Sơn La kết nghĩa và có quan hệ hợp tác với chín huyện, thuộc bốn tỉnh bạn Lào.

Cuộc gặp hiếm có ở Phiêng Khoài

Trong khuôn viên rộng thoáng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia bản Lao Khô, hơn một nghìn bà con các dân tộc ở địa phương và từ nhiều bản lân cận của bạn Lào sang, như Keo Lôm, Cọ Hai, Phiêng Xa, Nà Khảng xúng xính trang phục truyền thống, từ sáng sớm đã có mặt đón đoàn. Nụ cười thật rạng rỡ, người cán bộ cựu trào bản người Mông Dù Lao Chùa, 30 năm tuổi Đảng, từng hơn 20 năm làm trưởng bản, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân quây quần đón mừng Chủ tịch QH Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch QH Lào Pa-ny Ya-thô-tu và đặc biệt, có bà Thoong-vin Phôm-vi-hản, Phu nhân cố Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản kính mến.

Trao đổi ý kiến với các đồng chí cán bộ và người dân địa phương, chúng tôi và nhiều thành viên trong đoàn được biết, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài là một địa danh lịch sử thiêng liêng, ghi dấu về thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Đội xung phong Lào - Bắc tại Yên Châu, Sơn La của Việt Nam và bản Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn của Lào giai đoạn từ năm 1948 đến 1950. Thời gian này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô. Vị lãnh đạo cách mạng Lào và Ban Xung phong Lào - Bắc đã được đồng chí, đồng bào đùm bọc, nuôi giấu, giúp đỡ xây dựng cơ sở trong những năm hoạt động bí mật. Từ hai huyện sát biên giới của hai nước, khu căn cứ du kích, cơ sở hoạt động bí mật đầu tiên từ bản Lao Khô đến vùng Đin Chí, Lao Hùng... từng bước phát triển, tạo tiền đề cơ bản để mở rộng phong trào kháng chiến vùng Thượng Lào.

Có mặt tại lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia và động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại xã Phiêng Khoài, các vị lãnh đạo cao nhất của QH hai nước, lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, trong đó có Trưởng bản Lao Khô Dù Lao Chùa, già làng người Mông Lao Lử (con trai cụ Lao Khô từng nuôi giấu Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản) đều khẳng định, đây là một di sản quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, tình đoàn kết quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Mối quan hệ đặc biệt đó được đơm hoa, kết trái đến ngày hôm nay và mai sau, khởi nguồn từ quan hệ truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Sợi dây nghĩa tình keo sơn bền chặt, chí nghĩa, chí tình, ruột rà anh em, trước sau như một đã trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc mãi kề vai, sát cánh bên nhau.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/tinh-ngh-a-anh-em-vi-t-lao-keo-s-n-b-n-ch-t-1.345129