Tìm hiểu về thị trường xuất khẩu hoa tươi của Việt Nam

Hiện nay, việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng hoa tươi ở nước ta đang được đặc biệt chú ý. Hiện nay, hoa tươi của Việt Nam được xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với việc chú trọng đầu tư vào canh tác và bảo quản với một chiến lược phát triển hệ thống phân phối hợp lý, hoa tươi Việt Nam đang tìm hướng đi cho mình trên thị trường quốc tế.

Trong năm 2007, diện tích trồng hoa và cây cảnh của Việt Nam vào khoảng 15.000 ha, tăng 7% so với năm 2006, trong đó diện tích trồng hoa là 4.800 ha với sản lượng 3 tỷ cành hoa trong một năm. Sản lượng này tương đương với sản lượng hoa của Tây Ban Nha, nước đứng thứ 5 về sản xuất hoa trong liên minh châu Âu. Hiện nay, hoa tươi của nước ta đã bắt đầu được nhiều nước chấp nhận. Doanh thu xuất khẩu hoa tươi tăng theo hàng năm, từ 5,3 triệu USD trong năm 2004 lên đến 10 triệu USD năm 2005 và năm 2007 doanh thu mặt hàng này đạt 13 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu các loại hoa tươi như hoa hồng, cẩm chướng, thược dược, cúc... sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapo, Australia, Arập Xê út. Trong những năm gần đây, hoa tươi của Việt Nam rất được ưa thích tại thị trường Nhật Bản. Người Nhật đặc biệt thích loại hoa sen. Việt Nam cũng đã giới thiệu loại hoa này tới các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Xuất khẩu hoa tươi vào Nhật năm vừa qua mới chỉ đạt 6,2 triệu USD, chiếm 1,4% thị trường nhập khẩu hoa của Nhật. Việc xuất khẩu hoa của các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ hay Trung Âu. Hai thị trường lớn này chủ yếu nhập khẩu hoa từ Nam Mỹ, Trung Mỹ, và các nước Nam Âu, Israel. Ngoài những yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, khoảng cách địa lý đến các khu vực này đã làm tăng chi phí vận chuyển cũng là điểm bất lợi đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Để vươn tới thị trường này, hoa tươi Việt Nam cần phải được nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả và các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Mục tiêu tiềm năng của việc xuất khẩu hoa là phát triển mở rộng thị trường ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Thuận lợi trong việc xuất khẩu sang thị trường này là khoảng cách địa lý không xa, chi phí vận chuyển thấp, bảo quản hoa dễ dàng hơn, và có khả năng tìm kiếm khách hàng dựa vào các mối quan hệ thương mại hiện có. Mục tiêu lâu dài là mở rộng sang thị trường Bắc Mỹ như Canađa, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước Trung Âu. Để phát triển thị trường xuất khẩu mặt hàng hoa tươi, các nhà trồng hoa nên thực hiện các chính sách phát triển cần thiết như: Áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào tất cả các giai đoạn sản xuất, xúc tiến thương mại, bán hàng để có thể nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, giảm giá thành sản phẩm… Đồng thời, thành lập hành lang pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định quốc tế về bản quyền, và tiếp tục đa dạng hóa các vùng miền trồng hoa dựa vào các điều kiện sinh thái về từng khu vực, kết hợp với nhu cầu thị trường cho các loại hoa. Tới năm 2010, diện tích trồng hoa của Việt Nam sẽ vào khoảng 8.000 ha với 4,5 triệu cành. Trong đó, 1 triệu cành sẽ được xuất khẩu và 85% trong số này là hoa hồng, cúc và lan. Doanh thu từ xuất khẩu hoa sẽ đạt tới 60 triệu USD. Vùng công tác trọng điểm sẽ là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Sapa, Đà Lạt.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/12708-tim-hieu-ve-thi-truong-xuat-khau-hoa-tuoi-cua-viet-nam