Tiêu điểm thế giới tuần qua

(VOH) - Hơn 3 vạn người đã biểu tình phản đối chính phủ của tổng thống Bakiyev và lật đổ chính quyền Kirgiztan chỉ 5 năm sau cuộc cách mạng hoa Tulip.

Người dân tại một buổi lễ chôn cất những người thiệt mạng trong các cuộc bạo động ở Kyrgyzstan - Ảnh: Reuters Người đứng đầu cuộc biểu tình này là bà Otunbayeva, vốn là Ngoại trưởng của Kyrgyzstan và từng là cộng sự của ông Bakiyev hồi Cách mạng Hoa Tulip đã tuyên bố giải thể quốc hội, thành lập chính phủ lâm thời, chính phủ này sẽ nắm quyền lực cho đến khi cuộc bầu cử được tổ chức trong sáu tháng tới. Một chính trị gia đối lập, Ismail Isakov, người bị ngồi tù vào tháng giêng vừa qua, đã được giải thoát và được bố trí chức vụ bộ trưởng quốc phòng tạm thời. Trừ một cuộc xung đột gần dinh tổng thống khiến hơn 70 người thiệt mạng, sau hai ngày biểu tình, không thấy bóng dáng của cảnh sát và cướp bóc xảy ra tràn lan tại Bishkek. Phe đối lập tố cáo chính phủ Bakiyev là thủ phạm của những phân hóa xã hội và tham nhũng tràn lan, những lời hứa trong cuộc cách mạng mang cái tên mỹ miều là cách mạng hoa tulip chỉ là những chiếc bánh vẽ. Các cáo buộc tham nhũng nhắm vào các nhà lãnh đạo lên cao sau sự kiện chia chác quyền lực kinh tế cho các phe cánh. Con trai Bakiyev được cho là đã kiểm soát gần như toàn bộ nền kinh tế nước này. Chính phủ đã đàn áp đẫm máu các vụ biểu tình chống đối với công an bắn thẳng vào đám người tuần hành. Kyrgyzstan với vị trí địa lý của nó, là một nước Trung Á có quyền lợi sát sườn cả với Mỹ, với Nga và Trung quốc. Căn cứ Manas với sân bay quốc tế là bàn đạp tiếp vận hậu cần cho các đơn vị Mỹ ở Afghanistan. Kirgyrstan ở sát nách Trung quốc với đường biên giới dài hơn 700 km giáp ranh với Tân Cương. Mặc dù phủ nhận các thông tin về việc hậu thuẫn cho cuộc cách mạng này nhưng ngay sau đó, ngày 8/4, Nga tỏ ra ủng hộ tân chính quyền. Thủ tướng Vladimir Putin đã điện đàm với người đứng đầu chính phủ lâm thời, bà Rosa Otunbayeva, người từng tốt nghiệp triết học ở Moscow. Bà Rosa Otunbayeva từng là đảng viên Cộng sản, bà nói thạo tiếng Anh và từng làm đại sứ cả ở Mỹ và Anh nên có nhiều khả năng bà Otunbayeva dễ dàng đối thoại với cả Phương Tây. Một tiêu điểm khác tuần qua là hội nghị cấp cao ASEAN 16. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò chủ tịch ASEAN cho biết, Hội nghị cấp cao ASEAN 16 đã thông qua hai văn kiện “Tuyên bố ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững” và “Tuyên bố ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu”, qua đó khẳng định những định hướng quan trọng trong quan hệ hợp tác ASEAN. Thủ tướng khẳng định: “Các nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN, tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 trong năm 2010 và Chủ tịch ASEAN tiếp tục tham dự G-20 như một cơ chế thường xuyên. Trả lời các câu hỏi của báo chí về nhiều vấn đề liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hội nghị cấp cao ASEAN lần này còn bàn về nhiều nội dung liên quan đến phát triển tiểu vùng sông Mekong. Trong đó có việc tăng cường kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển bền vững, lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên ở lưu vực sông Mekong với hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo nước ngoài về chủ đề biển Đông, Thủ tướng khẳng định “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn trên biển Đông là lợi ích chung cũng như mối quan tâm lớn của các nước ASEAN và các nước trong khu vực”. Các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và cùng hợp tác trong khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông. Đây là văn bản quan trọng ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác. Các bên liên quan khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện DOC và hiện đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết này. Chạm trán đã xảy ra giữa phe áo đỏ và lực lượng an ninh - Ảnh: AFP Tuần qua, dư luận cũng đặc biệt chú ý đến cuộc xung đột tại Thái Lan. Đã có những dấu hiệu bạo lực sau khi những người biểu tình áo đỏ dùng xe tải phá cánh cổng vào khuôn viên tòa nhà Quốc hội ở Bangkok trong lúc Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và các nghị sĩ khác đang họp bên trong tòa nhà. Nhằm đảm bảo an ninh cho các nghị sĩ Quốc hội, Cơ quan an ninh Chính phủ đã phải huy động máy bay trực thăng Black Hawk đến giải cứu các bộ trưởng và nghị sĩ Quốc hội ra khu vực an toàn. Một số nghị sĩ khác không kịp chờ máy bay trực thăng đã trèo qua tường khuôn viên tòa nhà Quốc hội để thoát ra ngoài. Những người áo đỏ chiếm giữ tòa nhà này một thời gian ngắn. Sau đó, một số nghị sĩ Quốc hội thuộc phe đối lập đã thuyết phục lực lượng áo đỏ rút lui ra ngoài hàng rào tòa nhà Quốc hội. Thủ tướng Abhisit đã ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đưa tình hình trở lại bình thường. Sau đó, phe áo đỏ lại xông vào Công ty Vệ tinh Thaicom Public Co. Ltd bị Chính phủ Thái Lan phong tỏa hôm 8-4 với lời cáo buộc đã phát tán thông tin có hại cho an ninh quốc gia. Binh sĩ Thái Lan dùng vòi rồng ngăn cản người biểu tình “áo đỏ” bên ngoài trụ sở Công ty Thaicom nhưng không thành. Phe áo đỏ đạt được thỏa thuận sẽ cho hoạt động trở lại kênh truyền hình vệ tinh nói trên. Người phát ngôn quân đội Thái Lan cho biết có thêm 33.000 binh sĩ và cảnh sát đã được huy động để tăng cường an ninh cho Bangkok và những khu vực xung quanh. Tòa án Hình sự đã ra lệnh bắt 17 thủ lĩnh của phe “áo đỏ”. Những người này bị cáo buộc đã vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố hôm 7-4. vk

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/index.aspx?catid=16&id=22243