Tiêu chuẩn xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo

Ông Lê Hùng (lehungdl1968@...) hỏi: Khi điều tra hộ nghèo, cận nghèo thì chấm điểm theo đánh giá định tính hay đánh giá thực tế giá trị tài sản để tính điểm kết luận chính xác hộ nghèo và cận nghèo?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Nhằm xác định chính xác đầy đủ hộ nghèo, tỷ lệ nghèo ở từng địa phương và trên cả nước, làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội của các địa phương và cả nước, ngày 21/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1752/CT-TTg về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015.

Tiếp đó, ngày 30/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015.

Theo hai văn bản nêu trên, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau: Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống;

Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống;

Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng;

Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Phương pháp điều tra, tiêu chí rà soát

Ngày 14/10/2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản số 3461/LĐ-TBXH hướng dẫn quy trình tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011. Theo đó: Phương pháp điều tra, rà soát được kết hợp các phương pháp nhận dạng nhanh, điều tra định lượng, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.

- Sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất và sinh hoạt của hộ gia đình) để xác định chắc chắn hộ không nghèo, cận nghèo.

Yếu tố đặc trưng của hộ nghèo là: Nhà ở kém chất lượng (nhà ở tạm-đơn sơ); Hộ có 2/3 số thành viên hộ trở lên là người ăn theo; Hộ không có nhà vệ sinh; Hộ có trẻ em 6-15 tuổi không đến trường do không có tiền; Hộ dùng đèn dầu, nến do không có tiền sử dụng điện.

- Xem xét tình trạng tài sản của hộ gia đình thông qua số lượng và chấm điểm tài sản: Nếu có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định, thuộc diện hộ không nghèo, không cần điều tra thu nhập; Nếu tài sản hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn điểm quy định, điều tra viên tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình.

Tiêu chí rà soát:thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015. Lưu ý: Chỉ tính thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng qua; Không tính khoản trợ cấp an sinh xã hội từ ngân sách Nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình (như trợ cấp xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; Nghị định 13/2010/NĐ-CP; trợ cấp tiền điện; trợ cấp khó khăn đột xuất).

Tổ chức bình xét ở thôn/ấp, tổ dân cư

Cũng theo hướng dẫn tại văn bản số 3461/LĐ-TBXH thì việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có sự tham gia đánh giá, bình xét của người dân tại Hội nghị bình xét tổ chức ở thôn/ấp, tổ dân cư. Chủ trì Hội nghị là Trưởng thôn/ấp, tổ dân cư; tham dự hội nghị gồm đại diện Đảng ủy, UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo, bí thư chi bộ, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thôn/ấp; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét; đại diện các hộ gia đình trong thôn/ấp, tổ dân cư (hội nghị phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự). Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới.

Về thắc mắc của ông Lê Hùng, căn cứ hướng dẫn trên thì việc chấm điểm theo phương pháp nhận dạng nhanh, dựa trên cơ sở giá trị tài sản thực tế, thu nhập thực tế, có sự tham gia bình xét của người dân, so sánh với tiêu chí, mức chuẩn tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg, là phương pháp kết hợp giữa việc đánh giá định lượng và đánh giá định tính. Có thực hiện tốt phương pháp kết hợp này mới có được kết luận chính xác nhất.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tieu-chuan-xac-dinh-ho-ngheo-ho-can-ngheo/20121/124055.vgp